Tình người đích thực: “Cô gái làm đổ sữa đậu nành”
- Kiệt Phu
- •
Khoảng 10 giờ sáng hôm đó, mọi người bước lên xe buýt. Hành khách trên xe không quen biết nhau, không ai nói chuyện với ai, có người nhắm mắt thư giãn, có người ngắm nhìn quang cảnh đường phố ngoài cửa sổ… Đột nhiên, một âm thanh vang lên phá tan bầu không khí im lặng…
Một hành khách vô tình làm đổ toàn bộ cốc sữa đậu nành xuống sàn. Sữa đậu nành từ từ chảy dọc sàn ra đến cửa trước.
Sau đó, tất cả hành khách muốn xuống xe chỉ có thể dùng đầu ngón chân dẫm xuống mặt sàn, cẩn thận quẹt EasyCard (thẻ giao thông công cộng (kèm tín dụng), rồi di chuyển sang trái và phải để xuống xe.
Chủ nhân của cốc sữa đậu nành này là một cô gái khoảng 20 tuổi. Từ những động tác đầy bất an, có thể thấy được sự lo lắng trong lòng cô.
Chỉ thấy cô gái nhanh chóng bám vào lan can, cúi xuống, cầm từng chiếc khăn giấy, cố gắng hút hết sữa đậu nành trên mặt đất.
Lúc này, một nữ hành khách từ trong ví lấy ra một chiếc túi nilon, đưa tay nhận lấy đống khăn giấy ướt trên tay cô gái.
Cô gái cảm ơn, cầm cốc sữa đậu nành lên, để vào túi nilon.
Thấy khăn giấy trên tay cô gái sắp hết, một bà mẹ bất ngờ đứng dậy đưa giấy vệ sinh cho cô trong lúc xe đang rung chuyển. Trên đường đi, các hành khách khác thi nhau tặng khăn giấy cho cô gái.
Cô cảm kích nhận tất cả khăn giấy, và liên tục nói lời cảm ơn đến những hành khách nhiệt tình này.
Cuối cùng tài xế lên tiếng: “Mau ngồi xuống và đừng lau nữa.” Chú tài xế vẫn chăm chú nhìn đường, vẻ mặt có chút lo lắng.
Cô gái cúi đầu, vẫn cố gắng lau vệt sữa đậu nành ướt trên mặt đất. Người tài xế lặp lại một lần nữa, nhưng cô gái vẫn cắm cúi lau.
Cuối cùng, tài xế tạm dừng xe.
Với vẻ mặt áy náy, cô gái cúi đầu thật sâu trước tài xế: “Xin lỗi chú tài xế, cháu đã làm bẩn xe của chú. Cháu thực sự xin lỗi.”
Tài xế nhìn cô: “Sữa đổ ra rồi, lát nữa chú xối nước là sạch. Việc cháu vừa làm quá nguy hiểm. Xe đang rung lắc thì làm sao mà lau được? Nếu cháu không nắm chắc tay vịn, vì một cốc sữa đậu nành mà bị thương, thì cũng không đáng.”
Tài xế nói tiếp: “Cháu sẽ làm chú mất tập trung khi lau sàn trong tình trạng xe đang rung lắc. Nếu xảy ra tai nạn, thì không chỉ một mình cháu là người duy nhất gặp nguy hiểm. Vì vậy, chú liên tục bảo cháu đừng lau nữa, nhưng cháu vẫn không nghe.”
Cô gái cúi đầu nói: “Rất xin lỗi chú, cháu chỉ sợ có người dẫm lên sữa đậu nành bị đổ, nên cố gắng lau thật nhanh cho khô. Cháu thực sự xin lỗi.”
Bạn cảm thấy thế nào về cuộc đối thoại ngắn ngủi này? Chỉ là một chuyện vụn vặt trong cuộc sống, nhưng những gì chúng ta thấy được là:
1. Cô gái trẻ can đảm đối mặt với sai lầm của chính mình, và cố gắng hết sức để bù đắp và hoàn thiện.
2. Chú tài xế xe buýt là người luôn quan tâm đến sự an toàn của hành khách, và tận tâm thực hiện nhiệm vụ của mình.
3. Hành khách vui vẻ giúp đỡ người khác một cách rất tự nhiên.
Biểu hiện của những người này thể hiện một cảm xúc chân thật mà chúng ta luôn nghĩ là hiếm có trong xã hội ngày nay: Nghĩ đến người khác.
Cô gái sợ người khác dẫm lên sữa đậu nành bị đổ.
Chú tài xế đặt sự an toàn và sức khỏe của hành khách lên hàng đầu.
Hành khách quan tâm lẫn nhau bằng “sự đồng cảm” và ngay lập tức ra tay giúp đỡ cô gái.
Cảnh tượng dài chưa đầy 15 phút ngoài đời thực này khơi dậy tình yêu thương chân thành và giúp đỡ giữa con người với nhau, mang đến cho người xem nhiều suy ngẫm.
Sự ích kỷ và thờ ơ giữa người với người chắc chắn là đáng lo ngại, nhưng tình người, sự đồng cảm và giúp đỡ có thể thấy ở khắp mọi nơi trong cuộc sống có lẽ còn nhiều hơn những lo lắng này, chỉ là chúng ta thường bỏ qua sự tồn tại của nó.
Đôi khi bạn và tôi dừng lại giữa cuộc sống bận rộn của mình, tĩnh tâm quan sát và trải nghiệm những con người, sự việc đang không ngừng diễn ra xung quanh mình, chắc chắn chúng ta sẽ thu hoạch được nhiều bất ngờ.
Từ khóa xe buýt tình người sữa đậu nành