“Tứ đại xú nữ” thời cổ đại, vì sao vô cùng xấu xí lại có được hôn nhân mỹ mãn?
- Ngữ Yên
- •
Người xưa nói: “Lấy vợ lấy đức không lấy sắc, lấy chồng lấy tâm không lấy tài.” Có thể thấy, người xưa coi trọng đức hạnh hơn hẳn vẻ bề ngoài, vì vậy, phụ nữ xấu xí thời xưa không hề bị coi là “gái ế”, ngược lại cuộc hôn nhân của họ vô cùng mỹ mãn.
Lấy vợ lấy đức không lấy sắc
Có câu rằng: “Hạnh phúc trong hôn nhân chỉ có một, bất hạnh trong hôn nhân lại đủ đường”. Với đa số mọi người mà nói “hôn nhân” đại diện cho hạnh phúc nửa đời sau và cả các thế hệ sau nữa. Cho nên việc lựa chọn bạn đời vô cùng trọng yếu với cuộc đời mỗi người.
Câu cổ ngữ “Lấy vợ lấy đức không lấy sắc”, khuyên răn người đời sau, khi lấy vợ nhất định phải quan sát tinh tường, điều cần coi trọng là đức hạnh chứ không phải tướng mạo của bạn đời. Bởi đức hạnh là thứ đảm bảo cho hạnh phúc bền vững, bề ngoài dù sắc nước hương trời cũng chỉ tồn tại ngắn ngủi.
Ở Trung Quốc xưa, có bốn người phụ nữ dung mạo xấu xí, bị gọi là xú nữ, nhưng hiền đức. Họ không vì tướng mạo xấu xí mà không thể kết hôn, sống cô độc cả đời. Ngược lại vì sự hiền lương mỹ đức và có mắt nhìn người tinh tường, mà họ lấy được người chồng tốt.
1. Mô Mẫu
Người phụ nữ xấu xí nổi tiếng nhất thời cổ đại phải kể đến trước tiên là Mô Mẫu. Vương Tử Uyên thời Hán trong quyển “Tứ tử giảng đức luận” có nói: “Mô Mẫu người thấp bé xấu xí, tiếng tốt vẫn không thể che đậy được sự xấu xí của bà”. Song con người bà lại vô cùng hiền đức, “Đức hạnh của Mô Mẫu được phụ nữ đương thời ca ngợi”.
Hoàng Đế, thủy tổ của dân tộc Trung Hoa khi chọn vợ đã không đánh giá vẻ bề ngoài của bà, ông nói: “Coi trọng sắc đẹp mà không có đức hạnh thì không phải là mỹ nhân thật sự. Coi trọng đức hạnh mà coi nhẹ sắc đẹp mới là người hiền chân.” Mô Mẫu có phẩm đức hiền thục, tính tình dịu dàng, vì thế Hoàng Đế đã lựa chọn người có dung mạo xấu xí này làm vợ.
Trí tuệ của Mô Mẫu cũng không tầm thường. Truyền thuyết nói, Hoàng đế đánh bại Viêm Đế, giết Xi Vưu, đều có công của Mô Mẫu giúp đỡ bên trong.
2. Chung Vô Diệm
Người ta thường dùng câu “dung mạo trông như Vô Diệm” để chỉ người đàn bà xấu xí. Từ “Vô Diệm” ở đây chính là chỉ cô gái xấu xí Chung Ly Xuân người ở huyện Vô Diệm thời Chiến Quốc (nay thuộc phía đông huyện Đông Bình, tỉnh Sơn Đông).
Sách “Liệt nữ truyện” của Lưu Hướng có ghi chép lại: “Chung Ly Xuân là con gái của Tề Mặc Vũ và là hoàng hậu của vua Xuân nước Tề. Bà cũng vô cùng xấu xí, có một không hai, đầu lõm mắt sâu, mũi lộ giọng thô, béo mập tóc ít, da dẻ sần sùi. Năm 40 tuổi vẫn chưa có chồng.”
Cô gái xấu xí này lại là một người con gái tài giỏi, quan tâm đến quốc sự, từng một mình tìm đến yết kiến Tề Tuyên Vương chủ trương “giải tán tiệc tùng, ngưng nhạc nữ, dẹp bỏ bọn xu nịnh, tiếp thu lời ngay thẳng, chọn binh mã, quản lý quốc khố”.
Tề Tuyên Vương nghe thấu thì vô cùng cảm động, bèn triệu nàng về cung lập chánh hậu. Cũng từ đó vua Tề rất chú tâm vào việc nước, tin dùng người có tài, xua đuổi bọn xu nịnh. Nhờ đó mà nước Tề được thái bình. Được sự giúp đỡ của Chung Vô Diệm mà nước Tề sau đó đã trở nên hùng mạnh, trong thời Tề Tuyên Vương tại vị, không có nước nào đến xâm phạm. Bà trở thành những vị vương hậu được triều đình trân trọng và tôn kính.
3. Mạnh Quang
Thành ngữ “Cử án tề mi” (dâng mâm ngang mày) là chỉ câu chuyện nói về người vợ Mạnh Quang của hiền sĩ Lương Hồng thời Đông Hán. Tương truyền khi Lương Hồng về đến nhà, trong mỗi bữa cơm, Mạnh Quang đều dâng mâm cơm cao ngang mày nhằm bày tỏ lòng kính trọng đối với chồng.
Thế nhưng ngoại hình của người vợ hiền này lại “vô cùng xấu xí”, “mập xấu và đen”, “khỏe đến mức có thể bê được cối đá”.
Khi Mạnh Quang chưa kết hôn, có người đã mai mối cho nàng, nhưng nàng đều từ chối, lại nói rằng nàng “nhất định phải gả cho Lương Hồng”. Còn Lương Hồng lại là đại danh sĩ, nho nhã hào phóng, không ít quan lại quyền quý, danh gia vọng tộc muốn gả con gái cho ông. Tuy nhiên, Lương Hồng lại yêu mến phẩm hạnh của của Mạnh Quang và quyết tâm cưới nàng làm vợ.
Vào ngày thứ hai sau lễ cưới, Mạnh Quang đã cởi bỏ áo gấm tân nương để mặc áo vải lo liệu việc nhà. Sau này theo Lương Hồng vào ẩn cư ở núi Bá Lăng, chồng làm ruộng vợ dệt vải, ngâm thơ gảy đàn, phu xướng phụ tùy, chồng hát vợ ngân nga, sống cuộc sống thanh bần nhưng vui vẻ, hạnh phúc.
Lương Hồng cùng với vợ của mình đã kiến tạo nên một giai thoại “Cử án tề mi, tương kính như tân” (dâng mâm ngang mày, vợ chồng cung kính nhau như mới) được lưu truyền qua các thời đại.
4. Vợ Hứa Doãn
Hứa Doãn thời Đông Tấn cưới con gái của Nguyễn Đức Úy làm vợ, trong đêm động phòng hoa chúc phát hiện ra dung mạo của con gái nhà họ Nguyễn thô thiển xấu xí, bèn vội vàng bỏ chạy ra khỏi phòng, từ đó không bao giờ chịu bước chân vào nữa. Sau đó, người bạn của Hứa Doãn là Tuyên Phạm đến thăm ông đã nói với Hứa Doãn rằng: “Nhà họ Nguyễn gả con gái xấu cho anh, tất có nguyên do, anh nên tìm hiểu nàng ta.” Hứa Doãn nghe lời Tuyên Phạm nói, cuối cùng cũng chịu bước vào phòng.
Nhưng khi ông vừa nhìn thấy dung mạo của vợ lại ba chân bốn cẳng bỏ chạy ra ngoài, tân nương vội vàng nắm ông lại. Hứa Doãn vừa giãy giụa vừa nói với vợ: “Phụ nữ có ‘tứ đức’, nàng có mấy điều?”
Tân nương trả lời: “Cái mà thiếp thiếu chỉ là dung mạo xinh đẹp. Còn người đọc sách có “bách hạnh” (trăm đức), chàng có những điều nào?”
Hứa Doãn nói: “Ta bách hạnh đều có đủ cả.”
Tân nương lại nói: “Trong bách hạnh lấy đạo đức làm đầu, chàng ham sắc không trọng đức, sao có thể nói là có đủ cả?”
Hứa Doãn không còn lời nào để nói.
Từ đó vợ chồng sống với nhau tương thân tương ái, tình cảm hoà hợp.
Vision Times
Từ khóa tứ đức hôn nhân đức hạnh tứ đại xú nữ dung mạo mỹ mãn