Vì sao giáo viên Mỹ không dùng ‘bông hoa đỏ’ để khích lệ học sinh?
- Yến Nhi
- •
Ở Trung Quốc, muốn đánh giá học sinh có ngoan hay không, mọi người thường dựa vào số lượng “hoa đỏ” mà các bé nhận được. Giáo viên có quyền sử dụng bông hoa đỏ để thưởng cho học sinh, nhằm “quản lý”, “thúc đẩy” các em, còn học sinh vì đạt được bông hoa đỏ mà cố gắng làm tất cả mọi việc, bao gồm cả việc khi nào thì đi vệ sinh.
Mỗi giáo viên sẽ tự đặt ra những điều kiện để học sinh đạt được hoặc không đạt được bông hoa đỏ và những nguyên tắc xử sự, những tiêu chuẩn chưa hoàn toàn đúng đắn đó đã trở thành thước đo cho các bé. Vậy tại sao các thầy cô giáo ở Mỹ lại không sử dụng cách thức này?
Trên trang “Đây mới là nước Mỹ”, có một giáo viên người Hoa đã chia sẻ những điều tâm đắc của bản thân với vấn đề này.
Người này viết:
Có một lần, tôi đã cho học sinh người Mỹ của tôi xem một bộ phim Trung Quốc có tên “Hoa hồng nhỏ”, kể câu chuyện về một trường tiểu học ở Bắc Kinh. Sau khi xem xong bộ phim, học trò đều không thể tin trên thế giới lại có kiểu trường học như vậy, cuộc sống của học sinh lại là như vậy, đồng thời không thể tin lại có cách giáo dục như vậy. Nếu không phải tôi nói với học sinh là chính bản thân tôi đã từng trải qua những tháng ngày giống như thế thì những đứa trẻ người Mỹ này chắc chắn sẽ không tin.
Những năm 1970, khi tôi đang học cấp 2, mỗi lần kiểm tra xong, nhà trường sẽ xếp hạng theo thành tích đạt được, trên giấy báo thông báo kết quả dán trên tường, tên và điểm số của những học sinh đạt yêu cầu sẽ viết bằng mực đen, ngược lại với tên và điểm của những bạn không đạt sẽ viết bằng mực đỏ.
Lúc đó, tôi luôn cảm thấy đắc ý vì tên mình được viết trên đầu. Bởi vì gia cảnh của tôi không tốt, nên tôi không có cách nào có thể cạnh tranh công bằng, vì vậy tôi phải giỏi hơn, mạnh mẽ hơn, trong tất cả các lĩnh vực tôi có thể cạnh tranh với người khác tôi đều cố gắng giành lấy vị trí đứng đầu.
Tuy nhiên sau khi tới Mỹ, tôi mới phát hiện ra, với các trường học ở Mỹ, thành tích của mỗi học sinh đều xem là những thông tin cá nhân, riêng tư của học sinh đó. Khi giáo viên đem bài về nhà chấm điểm hoặc các bài kiểm tra trả cho học sinh, nhất định không được để người khác nhìn thấy điểm số của học sinh đó.
Trừ khi bản thân học sinh đó không để ý, nếu không thì kết quả của học sinh đó sẽ không ai có thể biết được. Bởi vì người Mỹ cho rằng công khai chuyện khiến một người nào đó vì không bằng người khác mà cảm thấy xấu hổ, nhục nhã là một hành vi phi đạo đức, hơn nữa không ai có quyền công khai thông tin cá nhân của người khác.
Lúc tôi mới bắt đầu làm giáo viên tại Mỹ, rất muốn dùng phương pháp “khích lệ” của người Trung Quốc để tạo nên sự cạnh tranh lẫn nhau giữa học sinh, tạo cho học sinh có sự vươn lên, nhưng không được. Ở Mỹ, giáo dục gia đình hay giáo dục trường học đều không yêu cầu các bé phải so sánh với người khác, bất luận là ở nhà hay ở trường. Họ nói rằng, Thượng Đế sinh ra mỗi người là không giống nhau, cho dù thế giới này có bao nhiêu người, không có dấu vân tay của người nào giống với người nào, vì vậy không có cách nào để đem người này so sánh với người khác.
Tôi đã từng nghĩ rằng người Mỹ bảo vệ con cái yếu đuối như vậy nhất định sẽ không cần các bé phải vươn lên, sẽ để các bé sống yên bình. Nhưng thực tế lại không phải như vậy. So sánh với các quốc gia khác trên thế giới, tỷ lệ người thành công trên nhiều lĩnh vực tại Mỹ luôn rất cao, tại sao lại như vậy?
Sau đó, dần dần tôi đã phát hiện ra, trẻ em Mỹ từ nhỏ đã được dạy không cần phải đem mình so sánh với người khác, nhưng phải tự so với chính mình. Lúc nào cũng cần phải nỗ lực, khiến cho bản thân luôn có được sự tiến bộ, tôi của ngày hôm nay phải làm tốt hơn tôi của hôm qua, phải trí tuệ, hiểu biết, trưởng thành, khỏe mạnh, có bản lĩnh, ưu tú hơn….
“Không được từ bỏ”, “làm hết sức mình” là phương châm của mọi đứa trẻ Mỹ. Những đứa trẻ Mỹ đều biết rằng, chỉ cần cố gắng hết sức, cho dù có thế nào cũng không được từ bỏ, như vậy, dù đạt được kết quả như thế nào cũng đều là kết quả xuất sắc nhất. Có học sinh nỗ lực hết mình đạt được 100 điểm, có học sinh dù đã cố gắng hết sức mới chỉ đạt được 60 điểm, trong mắt của các thầy cô giáo, trong suy nghĩ của các bậc phụ huynh, cả 2 trường hợp trên đều rất ưu tú, giỏi giang.
Chính bởi vì như vậy, hầu hết người Mỹ dù làm việc ở ngành nghề nào, làm công việc gì cũng thấy rất vui vẻ, không có sự phân biệt sang hèn cao thấp. Mỗi người đều sẽ lựa chọn làm những việc có thể phát huy tối đa năng lực của mình, vì vậy ai cũng đều có được cảm giác thành tựu, bất luận công việc của họ là gì đi nữa.
Những người đạt giải Nobel khoa học hay những người dọn vệ sinh ở McDonald đều sẽ cảm thấy công việc của bản thân rất danh giá, nhận được sự ca ngợi và tôn trọng của mọi người như nhau.
Ở Mỹ, có rất ít người vì thua kém người khác mà cảm thấy khó chịu, hay cảm thấy thỏa mãn vì thành công hơn người khác. Niềm vui trong cuộc sống của người Mỹ không tới từ “cuộc chiến” với trời, với đất, với những người khác – mà tới từ việc học tập, tiến bộ không ngừng, tự làm phong phú và nâng cao khả năng của bản thân.
Yến Nhi
Xem thêm:
Từ khóa Người Trung Quốc Giáo dục Trung Quốc người Mỹ Giáo dục trẻ Giáo dục Mỹ