Vì sao nhiều trẻ em TQ thay đổi thành người khác sau khi đến Mỹ?
- Trường Quân
- •
Nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài đã đăng tải lại bài viết có tiêu đề “Vì sao nhiều trẻ em Trung Quốc thay đổi thành người khác sau khi ra nước ngoài?” của tờ China Youth Daily.
Tác giả của bài viết, ông Tần Xuân Hoa đã đề cập trong bài viết rằng ông nhận thấy một hiện tượng phổ biến – đó là có rất nhiều trẻ em đã trở thành người khác sau khi đến Mỹ, cả về tính cách và tư duy đều có sự thay đổi rõ rệt. Ông suy ngẫm: “Rốt cuộc là vì sao? Chúng ta nên suy nghĩ như thế nào về điều này?”
Trong bài viết tác giả có nói rằng gần đây ông đã gặp lại nhiều người bạn cũ ở Mỹ, họ đều mới chuyển đến Mỹ trong vòng 2 năm trở lại đây với mục đích là cho con đi học.
Đối với một gia đình thì chi phí phải trả khi làm điều này là rất cao. Một mặt là chi tiêu trong gia đình sẽ tăng vọt, mặt khác vợ chồng phải sống trong tình cảnh mỗi người một nơi. Thế nhưng hầu như tất cả mọi người đều nghĩ rằng điều này là xứng đáng, nguyên nhân đó là con cái của họ được đi học vui vẻ lành mạnh hơn trước kia.
Ông Tần cho biết, ông cảm thấy rất thích thú với hiện tượng này: Vì sao cùng một đứa trẻ mà khi ở Trung Quốc và lúc ở Mỹ lại khác biệt, thậm chí là tương phản đến thế?
Ông cho hay thông qua khảo sát, ông nhận thấy rằng quan điểm giáo dục của Mỹ và Trung quốc có sự khác biệt vô cùng to lớn, có lẽ điều này có thể giải thích cho vấn đề mà ông đưa ra.
Mục đích giáo dục của Mỹ: Bồi dưỡng trẻ em trở thành công dân xã hội đáp ứng đủ tiêu chuẩn hoặc xuất sắc
Mục đích giáo dục của người Mỹ đó là bồi dưỡng học sinh trở thành công dân xã hội đáp ứng đủ tiêu chuẩn hoặc xuất sắc, đây là lối giáo dục công dân.
Tất cả các trường công lập đều nhận được sự hỗ trợ tài chính từ chính quyền bang, mục tiêu của họ đều là để nâng cao tố chất văn minh của người dân trong bang.
Giáo viên thường xuyên khích lệ học sinh bày tỏ suy nghĩ của mình một cách thành thật, chính xác và cởi mở, chứ đừng giữ kín trong lòng. Vì thế, đại đa số học sinh Mỹ khá thẳng thắn và tươi sáng. Thích ai, không thích ai, có thái độ ra sao đối với một sự việc nào đó và ý kiến của bản thân là gì, ngay từ nhỏ các em đều sẽ trực tiếp thể hiện ra ngoài.
Ngoài ra, nhà trường còn thông qua các buổi hội họp, hoạt động và tổ chức khác nhau để cung cấp các kênh, tạo cơ hội để học sinh được giao tiếp, trao đổi với người khác. Giáo viên cũng sẽ áp dụng nhiều phương pháp để huấn luyện học sinh cách thể hiện bản thân một cách chính xác và cách hiểu người khác một cách đúng đắn.
Bên cạnh đó, họ còn cho phép học sinh phạm lỗi. Người Mỹ cho rằng bất cứ ai cũng đều sẽ phạm lỗi. Đối với người Mỹ, điều quan trọng không phải là không được phạm lỗi, mà là thái độ đối với lỗi lầm, phải dũng cảm thừa nhận sai lầm và chịu trách nhiệm với hậu quả gây ra, chân thành xin lỗi người bị tổn thương do sai lầm của mình – xin lỗi là điều vô cùng quan trọng trong văn hóa Mỹ.
Nền giáo dục của Mỹ khiến những người tuyệt vọng trở nên có hy vọng
Họ cố gắng hết sức để phát hiện ra đặc điểm và ưu thế của mỗi học sinh, nhằm giáo dục nhắm đúng trọng tâm, không ngừng nâng cao lòng tự tin của các em.
Tác giả Tần Xuân Hoa có viết rằng, con của một người bạn của ông từ nhỏ chẳng những học lực kém mà hầu như không có chỗ nào để người khác cảm thấy tốt cả. Ngoại hình của cậu bé quá mập, tính tình lại nóng nảy, không thể hòa đồng được với bất cứ ai. Đặc biệt là khi vừa mới đến Mỹ thì tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn do bất đồng ngôn ngữ.
Chính vào lúc mà cả phụ huynh và cậu bé đều sắp tuyệt vọng thì có một ngày, giáo viên dạy nhạc ở trường đã tìm đến cậu và nói rằng, thầy cảm thấy âm vực của em rất rộng và âm sắc cũng rất tốt, em có muốn học Opera cùng thầy không? Dần dần, cậu bé đã yêu thích bộ môn này, bởi vì cậu phát hiện ra rằng khi hát, cậu có thể dùng cách của riêng mình để cảm nhận thế giới.
Điều quan trọng hơn đó là quá trình hát Opera khiến cậu tìm được sự tự tin. Cậu nghĩ rằng mình hát được tốt Opera thì những thứ khác vì sao không thể làm được cơ chứ? Kết quả là đầu tiên khả năng tiếng Anh của cậu tăng rất nhanh, sau đó điểm số các môn văn hóa khác cũng dần tăng theo.
Có một ngày cậu nói với bố rằng lý tưởng của mình là được theo học đại học tại Học viện âm nhạc Juilliard ở New York, bạn của tác giả đã vô cùng ngạc nhiên, đó là học viện âm nhạc hàng đầu thế giới đấy! Ông chưa từng có hy vọng rằng con của mình sẽ có thể đạt được thành tựu như vậy.
Thật ra, có rất nhiều những đứa trẻ khi đi học ở Trung Quốc có vẻ như chẳng biết cái gì cả lại gần như thay đổi thành người khác khi ra nước ngoài. Trên thực tế, đây chính là sức hấp dẫn và giá trị của giáo dục, đó là khiến người tuyệt vọng trở nên có hy vọng, làm cho cuộc sống của mọi người trở nên tốt đẹp hơn.
Mục đích giáo dục của người Trung Quốc: Nhằm thay đổi số mệnh của bản thân và gia đình, để mạnh hơn người khác.
Ngược lại với giáo dục Mỹ, giáo dục Trung Quốc vô cùng xem trọng việc tạo nên ý thức chính trị của học sinh, đảm bảo rằng sau này các em sẽ trung thành với Đảng. Giáo viên Trung Quốc thích những em học sinh biết nghe lời hơn để giữ trật tự và dễ quản lý, họ ít khi khích lệ học sinh mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ của mình.
Vì vậy mà có rất nhiều em học sinh khi lên giảng đường đại học vẫn không dám công khai thể hiện quan điểm của mình, thậm chí còn rụt rè xấu hổ. Đây chính là lý do vì sao nếu so sánh với học sinh Mỹ đồng trang lứa, kiến thức cơ bản của học sinh Trung Quốc lại cực kỳ vững nhưng rất ít ai có thể đưa ra ý kiến độc lập, cũng như luôn tỏ ra theo lề lối cũ, thiếu đi sự hoạt bát và tự tin cần có.
Từ góc độ của người được giáo dục thì mục đích giáo dục của 2 nước Trung Quốc và Mỹ cũng khác nhau. Có rất nhiều người Mỹ đi học là để tìm thấy điều mà mình thích, khám phá bản thân, khiến mình trở thành người nên trở thành. Họ tin rằng mỗi cá nhân đến với thế giới này đều có sứ mệnh đặc biệt cũng như giá trị tồn tại riêng.
Tác giả Tần Xuân Hoa cho biết, con gái của một người bạn ông luôn được khen ngợi trong bất cứ việc gì ở trường, đến mức mà bản thân cô bé cũng cảm thấy ngại, thường xuyên hỏi bố: “Con thật sự giỏi như vậy sao ạ?”. Ở Trung Quốc, cô bé chưa từng được giáo viên khen ngợi, bởi vì điểm số không tốt. Nhưng người Mỹ cho rằng chỉ cần bạn làm tốt hơn lần trước thì chính là “Làm tốt lắm!”
Họ không giả tạo. Tại trường học ở Mỹ, đặc biệt là trường mẫu giáo và tiểu học, nhà trường không bao giờ để học sinh và phụ huynh có bất cứ cơ hội so sánh nào, mỗi em học sinh đều là một cá thể giỏi nhất theo nghĩa cá nhân. Đây là nguyên nhân quan trọng lý giải cho việc vì sao học sinh Mỹ, thậm chí là người Mỹ thường có sự tự tin rất mạnh mẽ.
Ngược lại, mục đích đi học của người Trung Quốc là để thay đổi số mệnh của bản thân và gia đình, tìm chỗ đứng, mạnh hơn người khác, bước lên vị trí cao hơn. Kỳ vọng của phụ huynh đối với các con của họ cũng vậy, sự mong chờ đối với bản thân mình của học sinh cũng thế. Hơn nữa càng xuất thân từ gia đình nghèo khó, nguyện vọng này càng mãnh liệt hơn.
Vì vậy, khi đi học, chúng rất ít xem trọng cảm nhận của bản thân, mà còn rất xem trọng ý kiến của người khác về mình, “tự mình nỗ lực chẳng có gì ghê gớm cả, nhất định phải mạnh hơn người khác mới được”.
Dù con trẻ có không hứng thú thì cũng nhất định phải cho con đi học đàn, học múa, vẽ và Taekwondo v.v…, như vậy thì khi tám chuyện với bạn thân mới có thể đắc ý khoe con mình ưu tú ra sao, dạy con thành công thế nào.
Ở Trung Quốc, học sinh phải đứng đầu cả lớp, toàn trường, thậm chí là thành phố hay tỉnh, chứ xếp thứ hai là sự thất bại không thể tha thứ được. Trường mẫu giáo, tiểu học, trung học phải là trường tốt nhất, lên đại học phải thi vào Bắc Đại, Thanh Hoa, sau đó còn nhất định phải vào Harvard. Các gia đình Trung Quốc phấn đấu hoàn thành việc giáo dục con trẻ bằng việc thực hiện những mục tiêu như thế này.
Sau khi đi làm, mục tiêu chính là trở thành khoa trưởng, sở trưởng, cục trưởng (hoặc giám đốc bộ phận, phó tổng, tổng giám đốc) v.v… Nếu xem bản lý lịch của người Trung Quốc sẽ có thể thấy quỹ đạo cuộc đời của họ được xây dựng dựa trên từng bậc thang chức vụ như thế này, nhưng lại ít khi nhìn thấy được thành tích mà họ đạt được, sự cống hiến cho xã hội, sự phát triển và tiến bộ của bản thân họ ở mỗi chức vị và từng giai đoạn.
Văn hóa cạnh tranh như thế này đã tạo ra sự tác động và dấu ấn rất sâu sắc trong quá trình đi học của một con người.
Khi thấy người khác giỏi hơn mình thì sẽ không vui, dù cho giữa bạn thân mới nhau cũng sẽ có sự đố kỵ. Những buổi hội họp bạn học cũ là đại hội so bì sự giàu có, nếu làm không tốt thì sẽ xấu hổ khi tham gia. Xã hội trở thành yến tiệc của những người thành công, giáo dục cũng không phải là ngoại lệ. Người ta chỉ quan tâm đến trường tốt nhất, giáo viên giỏi nhất, học sinh điểm cao nhất, mà lại rất ít khi suy nghĩ rằng những ngôi trường không tốt, giáo viên không giỏi, học sinh điểm không cao thì không hề có giá trị và ý nghĩa gì chăng?
Tác giả Tần Xuân Hoa viết, trên thực tế thì trong một xã hội, người thành công chỉ là “thiểu số”, những nhân tài có vẻ như không thành công lại là “đa số”. Một khi xã hội bị phân hóa thành hai nhóm lớn – thành công và không thành công – nếu không thể giải quyết sự mất cân bằng về tâm lý của những người “có vẻ không thành công” thông qua giáo dục hiệu quả và cơ chế xã hội thì có thể họ sẽ sử dụng những cách cực đoan để loại bỏ những người mà họ cho là thành công. Đây chính là bài học tàn khốc mà những vụ án đầu độc ở trường Phúc Đán, Thanh Hoa dạy cho chúng ta.
Theo Secret China
Trường Quân
Xem thêm:
Từ khóa người Trung Quốc di cư Giáo dục Trung Quốc Trẻ em Trung Quốc Giáo dục Mỹ Trẻ em Mỹ