38 tiểu bang Mỹ đệ đơn cáo buộc độc quyền chống lại Google
- Phan Anh
- •
Hôm 17/12 vừa qua, 38 tiểu bang của Mỹ đã cùng nhau đệ đơn kiện chống lại Google, trong đó cáo buộc tập đoàn công nghệ này lạm dụng lợi thế về tìm kiếm để loại bỏ sự cạnh tranh một cách phi pháp, qua đó gây tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng và các nhà quảng cáo. Đây là vụ kiện chống độc quyền thứ 3 của Chính phủ Mỹ mà Google phải đối mặt trong 2 tháng qua.
Đơn kiện được nộp lên tòa liên bang ở thủ đô Washington DC, nguyên đơn là tổng chưởng lý của các tiểu bang thuộc cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, và được thông báo bởi tổng chưởng lý Phil Weiser của tiểu bang Colorado.
Tại cuộc họp báo, tổng chưởng lý Phil Weiser cho biết: “Người tiêu dùng bị tước đoạt lợi ích từ cạnh tranh, bao gồm khả năng được hưởng các dịch vụ chất lượng cao hơn và bảo vệ quyền riêng tư tốt hơn. Các nhà quảng cáo bị ảnh hưởng bởi chất lượng giảm và giá cả tăng cao. Những thiệt hại này lại tiếp tục được chuyển cho người tiêu dùng.”
Đơn kiện chủ yếu tập trung vào việc cáo buộc Google sử dụng một số cơ chế bổ sung nhằm duy trì sức mạnh độc quyền một cách bất hợp pháp. Cáo trạng liệt kê 3 phương thức mà tập đoàn công nghệ này dùng để củng cố quyền lực độc quyền của mình. Cụ thể:
Thứ nhất, Google duy trì “tính độc quyền thực tế” (de facto exclusivity) trong hầu hết các kênh phân phối tìm kiếm, bắt ép người dùng phải đồng ý với các điều khoản trong “hợp đồng hạn chế giả tạo” (artificially restrictive contracts).
Thứ hai, không cho các nhà quảng cáo tiếp cận với các công cụ hay đối thủ cạnh tranh, gây bất lợi cho việc chạy quảng cáo.
Thứ ba, lạm dụng “hành vi phân biệt đối xử”, bằng cách hạn chế khả năng tiếp cận người tiêu dùng của các nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm như Yelp và Tripadvisor.
Các Tổng chưởng lý đã nộp đơn kiện này đến từ Alaska, Arizona, Connecticut, Delaware, Hawaii, Iowa, Idaho, Illinois, Kansas, Maine, Maryland, Massachusetts, Minnesota, Nebraska, Nevada, New Hampshire, New Jersey, New Mexico, North Dakota, Ohio, Oklahoma, Oregon, Pennsylvania, Rhode Island, South Dakota, Vermont, Virginia, Washington, West Virginia, Wyoming, District of Columbia, Guam và Puerto Rico.
Đây là vụ kiện lớn thứ 3 chống lại Google trong hai tháng qua. ông Weiser cho biết, họ sẽ tiến tới hợp nhất vụ kiện này với vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ.
Vào ngày 20/10 vừa qua, Bộ Tư pháp và Tổng chưởng lý của 11 bang thuộc Đảng Cộng hòa đã đệ đơn kiện tương tự, trong đó cáo buộc Google sử dụng mạng lưới độc quyền liên kiết nhau nhằm ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh có được các kênh phân phối tìm kiếm, nhằm duy trì thế độc tôn là “kẻ gác cổng Internet” của mình.
Chính phủ cũng cáo buộc Google sử dụng hàng tỷ USD từ doanh thu quảng cáo trên nền tảng của mình, trả cho các nhà sản xuất, nhà khai thác và trình duyệt điện thoại di động nhằm duy trì việc để Google làm công cụ tìm kiếm mặc định cho họ. Nhờ vậy, Google có lợi thế tuyệt đối trong lĩnh vực tìm kiếm trên hàng trăm triệu thiết bị của Mỹ, khiến cho gần như không có cơ hội cho bất kỳ đối thủ nào chen chân vào.
Ngoài ra, đơn kiện cũng giải quyết vấn đề việc ứng dụng tìm kiếm của Google được cài đặt sẵn trên điện thoại di động chạy hệ điều hành Android và không thể xóa được ứng dụng này.
Vào ngày 16/12 vừa qua, 10 tiểu bang, trong đó bao gồm Texas, Arkansas, Indiana và Kentucky đã đệ đơn kiện Google. Tiểu bang Texas yêu cầu thẩm phán ra phán quyết rằng Google đã vi phạm luật chống độc quyền và ra lệnh cho Google ngừng các hoạt động bất hợp pháp. Vụ kiện cũng cáo buộc Google hợp tác với Facebook trong một nỗ lực nhằm tăng cường hoạt động kinh doanh quảng cáo trực tuyến vốn đã mang tính thống trị của họ và kìm hãm sự cạnh tranh.
Ở một diễn biến khác, hôm 9/12 vừa qua, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đã đệ đơn kiện Facebook. Các vụ kiện cáo buộc Facebook lạm dụng trái phép quyền lực của mình trong hơn một thập kỷ nhằm cạnh tranh không lành mạnh với các đối thủ, và thậm chí còn mua lại nhiều công ty. Đáng chú ý nhất là thương vụ “bom tấn” mua lại hai ứng dụng nổi tiếng WhatsApp và Instagram.
Các Tổng Chưởng lý cáo buộc, Facebook mua lại Instagram và WhatsApp một cách phi pháp và đang yêu cầu tòa án liên bang can thiệp, có thể buộc ông lớn công nghệ này bán bớt các ứng dụng đó. Đơn kiện cũng yêu cầu tòa án ngay lập tức ngăn chặn Facebook thực hiện bất kỳ thương vụ mua lại nào trị giá hơn 10 triệu USD khi vụ việc đang chờ xử lý.
Hôm 16/12, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) đã đệ trình các thủ tục lên Tòa án Liên bang Úc, trong đó cáo buộc Facebook có hành vi sai trái, gây hiểu lầm và lừa đảo đối với người tiêu dùng nhằm trục lợi khi quảng cáo ứng dụng di động Onavo Protect.
Có thể thấy, 2020 là một năm đầy bê bối của cả 2 ông lớn công nghệ là Google và Facebook khi 2 tập đoàn này liên tiếp dính vào những vụ kiện liên quan đến hành vi độc quyền, thao túng, kiểm soát một cách phi pháp, không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh mà còn liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang diễn ra hết sức căng thẳng và kịch tính.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Google bị kiện google Facebook