Có lẽ đa số người ta nghĩ rằng cuộc đời sẽ dễ dàng, hạnh phúc và thỏa mãn hơn nếu chúng ta thông minh và có chỉ số IQ cao hơn. Nhưng có phải là như vậy?

phu-nu-thong-minh
(ảnh: Shutterstock)

Câu hỏi “Khi nào thì trí thông minh trở thành lời nguyền?” trên Quora đã nhận được hơn 100 câu trả lời từ người đọc khắp thế giới. Họ chia sẻ về mọi thứ, từ việc kì vọng cao không tưởng của người khác đối với người thông minh, cho tới vấn đề dễ bị cho là kẻ ba hoa khoác lác.

Dưới đây là 6 câu trả lời đáng suy ngẫm nhất từ Quora:

Bạn thường suy nghĩ thay vì cảm nhận

Người dùng Quora tên Marcus Geduld nói rằng anh ta thường hiểu rất rõ cảm xúc của mình và có thể chia sẻ với mọi người về điều đó – nhưng anh không bao giờ cảm thấy giải tỏa sau khi nói ra.

“Đây là một vấn đề thường gặp đối với người thông minh, đặc biệt là người giỏi ăn nói. Họ dùng từ ngữ như một kiểu đánh lạc hướng, đặc biệt hiệu quả khi một số điều họ nói lại là đúng. Người ăn nói kém hơn thì hay dùng đến ngôn ngữ cơ thể. Họ la hét, đấm đá, chạy, khóc, hay nhảy quẫng lên vì vui…Tôi đã giải thích. Và khi nói xong, mọi thứ tôi đã giải thích vẫn còn vướng mắc ở bên trong, chỉ là chúng giờ đã có một cái nhãn ở bên ngoài.”

Chia sẻ của Geduld làm nổi rõ sự khác biệt giữa kĩ năng tư duy và kĩ năng cảm xúc.

Các nhà tâm lý chưa thể khẳng định 2 yếu tố này có liên quan với nhau như thế nào, nhưng một vài nghiên cứu cho thấy trí thông minh cảm xúc cao có thể bù trừ cho khả năng tư duy kém, ít ra là trong môi trường làm việc. Nói cách khác, dường như những người siêu thông minh thì không cần dựa vào kĩ năng cảm xúc để giải quyết vấn đề.

>> Hãy tránh xa 5 việc làm hại đến vận may sau đây

Người ta thường kỳ vọng bạn đạt thành tích cao

(ảnh: Flickr/sadiediane)
(ảnh: Flickr/sadiediane)

“Người ta tự động kỳ vọng rằng bạn sẽ dẫn đầu, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào,” người dùng Roshna Nazir cho biết. “Bạn chẳng có ai để chia sẻ về những khuyết điểm hay nỗi bất an.”

Ngoài ra, bạn hoảng sợ về những điều có thể xảy ra nếu thành tích không được như kỳ vọng.

“Điều làm bạn phải quá cẩn trọng, đó là bạn không dám mạo hiểm bởi vì lo sợ về viễn cảnh thua cuộc,” Saurabh Mehta viết.

Trong bản tóm gọn quyển sách “Cha mẹ thông minh cho nuôi dạy con thông minh” đăng trên trang PsychologyToday, tác giả viết rằng thời điểm cha mẹ lo lắng nhất về thành tích của con cái là khi chúng thông minh và đã đang học tốt ở trường.

“Đôi khi, điều này có thể làm họ quá tập trung vào thành tích chứ không phải cá nhân đứa trẻ,” tác giả viết.

Bạn có thể không hiểu giá trị của nỗ lực

Embed from Getty Images

Theo một vài người dùng Quora, người thông minh cảm thấy họ có thể xoay xở mà không phải nỗ lực nhiều như những người khác. Nhưng IQ cao không phải lúc nào cũng dẫn thẳng đến kết quả mỹ mãn, và người cực kỳ thông minh có thể không bao giờ học được tính kiên trì cần thiết của thành công.

Người dùng Kent Fung viết, “Trí thông minh trở thành vấn đề khi những người sở hữu nó từ bé đã phát hiện ra rằng họ không cần phải nỗ lực như những người khác để theo kịp lớp học, và vì vậy không bao giờ rèn luyện được đạo đức làm việc mạnh mẽ.”

Một nghiên cứu cho thấy, sự ngay thẳng và tận tâm thực ra tỷ lệ nghịch với một vài loại trí thông minh nhất định. Các nhà nghiên cứu đề xuất rằng những người cực kỳ thông minh có thể cảm thấy rằng họ không cần phải làm việc chăm chỉ đến vậy để đạt được mục tiêu.

>> 6 doanh nhân nổi tiếng thế giới từng làm phục vụ, rửa chén, giữ xe…

Người ta khó chịu khi bạn cứ “sửa lưng” họ trong cuộc trò chuyện

Khi bạn biết ai đó vừa nói gì sai, thật khó để cưỡng lại mong muốn sửa sai cho họ.

Nhưng bạn phải cực kỳ nhạy cảm, vì người ta có thể cảm thấy xấu hổ hay cảm thấy bị xúc phạm vì lời nói của bạn, tức là tình hữu nghị giữa đôi bên đang bị đặt vào nguy hiểm.

Thông minh có thể trở thành phiền phức, người dùng Raxit Karramreddy nói, “Khi bạn cứ sửa sai người khác cho đến lúc họ không đi chơi hay nói chuyện với bạn nữa.”

>> 12 nguyên tắc vàng khi giao tiếp với mọi người

Bạn có xu hướng suy nghĩ quá nhiều

Embed from Getty Images

Một chủ đề thường gặp trong câu hỏi này của Quora, đó là cái bẫy của việc dành quá nhiều thời gian để nghiền ngẫm và phân tích.

Bạn có thể trở nên ủy mị khi cứ cố tìm ý nghĩa trong mọi khái niệm và trải nghiệm cuộc sống. “Bạn nhận ra rằng nền văn minh này đang suy tàn và chẳng có gì là có ý nghĩa cả. Bạn đi tìm câu trả lời và điều đó làm bạn phát điên,” Akash Ladha viết.

Quả là vậy, một nghiên cứu sâu rộng năm 2015 cho thấy trí thông minh về mặt ngôn ngữ thực sự có liên quan tới nỗi lo lắng và sự suy tư.

Từ quan điểm thực dụng, tất cả những sự tồn lưu đó làm cho người thông minh không thể ra quyết định. Người dùng Tirthankar Chakraborty viết: “Khi hiểu những suy tư có thể xảy ra khi bạn phải quyết định, đặc biệt là xu hướng phân tích quá kỹ về kết quả, bạn có thể không bao giờ ra quyết định được.”

>> Phiên tòa xét xử một vụ ăn trộm bánh mì ở New York năm 1935

Bạn hiểu rằng mình hiểu ít đến mức nào

Là người siêu thông minh cũng đồng nghĩa với việc hiểu được giới hạn của tư duy. Dù có cố gắng thế nào thì bạn cũng không thể học hay hiểu tất cả mọi thứ.

Người dùng Mike Farkas đã viết: “Trí thông minh là một lời nguyền khi… bạn càng biết nhiều, bạn càng cảm thấy mình biết ít đi.”

Quan điểm này làm gợi nhớ lại nghiên cứu kinh điển của Justin Kruger và David Dunning, rằng bạn càng ít thông minh thì sẽ càng đánh giá quá cao khả năng tư duy của bản thân – và ngược lại.

Ví dụ, trong một thí nghiệm, những sinh viên thuộc nhóm 1/4 điểm thấp nhất trong một bài kiểm tra LSAT hiệu chỉnh, đã đánh giá quá cao số câu hỏi họ làm đúng tới gần 50%. Trong khi những học sinh thuộc nhóm 1/4 điểm cao nhất lại đánh giá quá thấp số câu hỏi họ trả lời đúng.

Theo Business Insider, Quora,
Phong Trần biên dịch