61.000 kiến trúc bị rừng che phủ tiết lộ gì về nền văn minh Maya cổ đại?
- Quốc Hùng
- •
Các hình ảnh thu được từ khảo sát LIDAR (Light Imaging, Detection and Ranging, tạm dịch: công nghệ quét laser từ trên không) đã cho thấy sự kết nối giữa các thành phố kiến trúc phục vụ cho chiến tranh được xây dựng quy mô lớn của nền văn minh Maya.
Đầu năm 2018, một nhóm các nhà khảo cổ học đã thông báo phát hiện ra hơn 61.000 công trình bao gồm đường xá, pháo đài, kênh thoát nước, và các tòa nhà thuộc nền văn minh Maya cổ đại nằm ẩn dưới vùng rừng rậm nhiệt đới phía bắc Guatemala.
Phát hiện này là kết quả của khảo sát LIDAR, hay công nghệ quét laser từ trên không, với diện tích thăm dò lên tới 2.144 km2 thuộc Khu Bảo tồn Sinh quyển Maya. Hiện nay, các nhà khảo cổ học đang bắt đầu ghép nối các số liệu khảo sát lại với nhau. Bức tranh chính trị và kinh tế nằm ẩn dưới những tán lá rừng có độ phức tạp lớn hơn khá nhiều những gì chúng ta vẫn hình dung.
“Tháng 2 năm nay, các bạn đã có những ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu các số liệu được kênh National Geographic quay lại. Bài báo chúng tôi đăng trên tạp chí Science này chính là để tổng hợp lại những con số thực tế đằng sau những ấn tượng ban đầu đó,” nhà khảo cổ học Tom Garrison thuộc trường Đại học Ithaca cho hay.
Một hệ thống các thành phố
Garrison cùng với các nhà khảo cổ học Marcello Canuto và Francisco Estrada-Belli thuộc trường Đại học Tulane và các đồng sự đã sử dụng các số liệu từ khảo sát LIDAR. Họ ước tính dân số của nền văn minh Maya rơi vào khoảng từ 7 triệu tới 11 triệu người sống tại trung tâm của Vùng đất thấp Maya (hiện thuộc Yucatan, Guatemala và Belize) trong Thời kỳ Cổ điển Muộn (từ năm 650 tới năm 800 sau Công nguyên).
Với 29 công trình trên một cây số vuông trong khu vực được khảo sát, và số lượng công trình có thể là nhà ở rút ra được từ những lần đào xới trước đây, nhóm nghiên cứu đã tính toán ra có trung bình từ 80 đến 120 người sống trong một cây số vuông. Về tổng thể các con số là phù hợp với ước tính của những nghiên cứu trước đây, mặc dù chúng được tính toán độc lập với nhau.
Vì những hạn chế về quy mô của các cuộc khai quật trước đây, các nhà khảo cổ chưa biết rõ là làm cách nào tất cả số người trên có thể tập trung sinh sống trong các vùng núi đá vôi thoai thoải và các vùng đất ngập lụt theo mùa ở phía Bắc Guatemala. Tuy vậy, với lần thăm dò trên quy mô lớn này, các nhà khảo cố học đã có thể nhìn thấy một hệ thống các thành phố có dân số đông đúc, được kết nối với nhau bởi những mối liên kết thương mại và chính trị vô hình – trên những con đường nền đắp cao nối giữa các khu vực định cư.
>> Hệ thống lịch Maya tương đồng kỳ lạ với lịch Trung Hoa cổ đại: Mối liên hệ sớm về văn hóa?
Hình ảnh này củng cố thêm quan điểm mà các nhà nghiên cứu đã xây dựng trong những năm gần đây: người Maya không phân tán thành những quốc gia-thành phố riêng biệt và không sống bằng canh tác nước rẫy. Họ xây dựng những trung tâm đô thị và thâm canh tại những vùng đất thấp được tưới tiêu tốt, đồng thời xây đắp cẩn thận những công trình tại các vùng đất cao hơn.
Các thành phố lớn nhất có vẻ như được bao quanh bởi những đô thị vệ tinh nhỏ hơn và các khu vực canh tác nông nghiệp. Canuto và các cộng sự nói rằng chúng có thể kết nối về chính trị và kinh tế với nhau.
Vựa lúa của Maya?
Để có thể nuôi sống nhiều thành phố lớn như vậy, người Maya có lẽ đã phải quy hoạch theo những cách thức phức tạp hơn là chỉ đơn giản chặt đi vài cái cây; tưới tiêu cho các vùng đất thấp phục vụ canh tác nông nghiệp chắc chắn là vấn đề trọng tâm. Người Maya có lẽ đã tiền hành thâm canh, nhưng các nhà khảo cổ học không có đủ số liệu để kết luận mức độ phổ biến của điều này.
Tuy nhiên với các hình ảnh thu được từ LIDAR, các con kênh cho thấy những mạng lưới thủy lợi trải khắp các vùng đất trũng, vừa để phục vụ tưới nước, vừa để phục vụ tiêu nước. Hầu hết có bề rộng từ 1-2m, sâu 20-50cm, và những tuyến dài nhất là 1 km chạy dọc theo các vùng đất trũng. Ở vùng đất cao hơn, hình ảnh LIDAR cho thấy các dãy nhà dài và những bức tường thấp.
Tổng kết lại, trung bình khoảng 17% khu vực được khảo sát là đất canh tác. Nhưng tỷ lệ thực tế ở từng khu vực dao động từ dưới 1% cho tới 70% ở xung quanh những thành phố lớn như Tikal. Mặc dù có nhiều đất được canh tác đến vậy, và ngay cả với rất nhiều lao động và cơ sở hạ tầng được đầu tư để tối đa hóa năng suất, nhưng một số thành phố lớn hơn của Maya vẫn phải dựa vào lương thực nhập khẩu để nuôi sống người dân.
Thương mại và giao thông
“Rõ ràng là ở một số những thành phố đông đúc dân cư như Naachtun và Tikal, quỹ đất canh tác không đủ phục vụ người dân tại đây,” Garrison cho biết. “Các vương quốc khác như Holmul, chắc chắn là có lương thực dư thừa. Tôi cho rằng có một mức độ trao đổi lương thực nào đó.” Các cuộc khảo sát LIDAR trong tương lai có thể làm sáng tỏ thêm về các hệ thống nông nghiệp và vương quốc nào kiểm soát vùng đất canh tác nào.
Có bằng chứng cho thấy có những con đường chính kết nối các thành phố trong thời kỳ đầu của lịch sử Maya. Chúng là những con đường được đắp cao hay còn gọi là đường đắp. Những con đường này nối nhiều thành phố lớn với các trung tâm đô thị nhỏ hơn ở xung quanh; trong một số trường hợp, chúng kết nối các thành phố chính với nhau. Đó là những con đường rộng từ 10-20m, và con đường dài nhất lên tới 22km chạy qua một khu vực từng là đất nông nghiệp.
>> Đại hồng thủy: Từ truyền thuyết của người Sumer đến Kinh Thánh
Nhưng hầu hết các đường đắp xuất hiện trên cuộc khảo sát này nối các thành phố phồn vinh vào khoảng giữa năm 1000 trước Công nguyên tới năm 250 sau Công nguyên. Vì các dấu vết khảo cổ học cho thấy phần lớn các thành phố Tiền Cổ điển (năm 1000 TCN tới năm 250 SCN) bị bỏ hoang vào thời kỳ Cổ điển Muộn, nên Garrison nói rằng các con đường đắp giữa chúng cũng không còn được sử dụng. Điều này có thể thấy rõ trên các hình ảnh LIDAR.
“Một trường hợp khá thú vị là khu vực canh tác nông nghiệp của vương quốc thời kỳ Cổ điển Xultun lại được xây dựng trên một con đường đắp của thời Tiền Cổ điển vốn bắt nguồn từ di tích San Bartolo ở gần đó,” ông nói. “Trong trường hợp này, LIDAR đã tiết lộ sự thay đổi quy hoạch qua các giai đoạn lịch sử khác nhau.”
Pháo đài để chống đỡ các cuộc tấn công
Người Maya xây dựng rất nhiều công sự vào thời kỳ Cổ điển Muộn. Các hệ thống phòng thủ như cầu, hào, thành lũy và các dãy tường nằm bên dưới các tán lá với số lượng và quy mô lớn hơn nhiều so với Canuto và các cộng sự dự đoán, tuy nhiên các ghi chép và chứng cứ khảo cổ đều thể hiện người Maya là những người hiếu chiến hay có chiến tranh.
“Những ghi chép của họ thỉnh thoảng cung cấp cho chúng ta những mô tả sống động về chiến trận, có khi họ dùng những cơn lốc để ví von với sự khốc liệt của cuộc chiến, có khi mô tả hậu quả bằng những hình ảnh như “máu chảy thành hồ, đầu lâu chất thành đống,” Garrison nói. Các công tác khảo cổ tại Tikal và một vài di chỉ khác ở phía Tây đã hé lộ một số công sự bằng đất.
Các công trình phòng thủ xuất hiện trong kết quả khảo sát LIDAR là phổ biến và phức tạp hơn nhiều tưởng tượng của các nhà khảo cổ. Điều này cho thấy nền văn minh Maya chắc chắn phải nhiều lần tham dự vào những cuộc chiến với quy mô lớn hơn nhiều so với chúng ta biết. Để làm bằng chứng, Garrison đã chỉ ra từ các hình ảnh LIDAR một pháo đài được xây dựng ở rìa một dốc đứng giữa Tikal và vương quốc El Zotz kế bên.
“Thành trì này được xây dựng bằng những bức tường cao hơn 7,6m và có một công trình nhân tạo lớn trông giống như một bể bơi chuẩn Olympic. Nói cách khác, nơi này (có tên là La Cuernavilla) đã sẵn sàng cho một cuộc vây hãm,” ông nói. “Đây không phải là dạng giao tranh mà chúng tôi từng nghĩ đã xảy ra ở Maya cổ đại.” Garrison đang chuẩn bị bắt đầu một cuộc khai quật kéo dài 3 năm ở La Cuernavilla.
Laser ở trên cao và khảo sát thực địa trên mặt đất
Rất nhiều những kiến trúc xuất hiện trên hình ảnh LIDAR khó có thể trông thấy từ dưới mặt đất. Các con đường đắp, hệ thống thủy lợi và các công trình phòng ngự nhỏ để lại những dấu vết rất không đáng kể trên thực địa chỉ sau vài thế kỷ, và quy mô của chúng vượt quá tầm nhìn của con người trong rừng rậm.
“Kể cả khi đã biết là có con đường đắp ở đó và có những hình ảnh LIDAR được tải vào trong thiết bị GPS hỗ trợ, nhưng tôi vẫn phải nghiên cứu cẩn thận để chắc chắn tôi thực sự nhận ra được các rìa, cạnh của nó.” Garrison cho biết.
Tuy vậy vẫn cần nhiều năm làm việc trên mặt đất để xem những gì nhóm của Canuto đã thấy trên các hình ảnh số có tồn tại thật dưới các tán lá của rừng rậm nhiệt đới hay không, đây là quá trình mà các nhà khảo cổ học gọi là chứng thực thực địa. Quá trình này bắt đầu ngay cả trước khi khảo sát LIDAR được thực hiện; bằng cách chọn ra các khu vực được khảo sát có di chỉ khảo cổ đã biết, nhóm nghiên cứu có thể xác định lại những gì họ nhìn thấy trên hình ảnh. Và nhiều công tác chứng thực thực địa đã bắt đầu từ năm 2017, không lâu sau khi kết thúc các chuyến bay khảo sát.
“Nói chung, LIDAR có độ chính xác cực kỳ cao, nó chỉ bỏ qua những kiến trúc khó thấy nhất. Thỉnh thoảng cũng có sai số, nhưng đó dường như chỉ hạn chế trong một số loại địa hình nhất định,” Garrison nói.
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát đã hé lộ một số di chỉ mới cho giới khảo cổ học, như di chỉ La Cuernavilla mà Garrison sắp đào xới, đồng thời cung cấp những thông tin sâu hơn về những di chỉ đã từng được khai quật nhiều năm trước. Một bức tranh rộng lớn về quy hoạch của người Maya vẫn để lại nhiều câu hỏi chưa được trả lời; có rất nhiều chi tiết cần được điền vào một bức tranh lớn, và những chi tiết đó có thể định hình cách các nhà khảo cổ học diễn giải các hình ảnh LIDAR.
Các cuộc khảo sát quy mô lớn hơn có lẽ sắp được tiến hành trong thời gian tới, vì cuộc khảo sát năm 2016 chỉ mới bao trùm một phần của Khu Bảo tồn Sinh quyển Maya. Tổ chức Di sản Văn hóa và Quốc gia Maya (Pacunam) đã lên kế hoạch khảo sát hết những phần còn lại của khu bảo tồn trong những năm tới.
Từ khóa văn minh cổ đại Guatemala Người Maya công nghệ quét LIDAR nền văn minh Maya