Một câu hỏi có thể là một dấu hiệu của sự khôn ngoan, nhưng cố hỏi những câu hỏi không thể trả lời có thể là dấu hiệu của sự ngớ ngẩn, như Kurt Gödel từng nói: “Lý trí con người cực kỳ vô lý khi hỏi những câu hỏi không thể trả lời, trong khi khẳng định dứt khoát chỉ có lý trí mới có thể trả lời những câu hỏi đó.” Và câu hỏi: Ai tạo ra Đấng Sáng tạo? thuộc loại đó…

Câu hỏi “Ai tạo ra Đấng Sáng tạo?” là một câu hỏi đã được nhiều người hỏi, và đã được trả lời trong một bài viết nhan đề “Who created the Creator? Ai tạo ra Đấng Sáng tạo?”, trên PVHg’s Home ngày 19/09/2016. Nhưng một số người vẫn tiếp tục hỏi câu hỏi đó, dường như họ chưa đọc bài viết nói trên, hoặc bài viết đó không đủ thuyết phục.

Bài viết hôm nay hy vọng đưa ra một câu trả lời rõ ràng, đầy đủ hơn, để không bao giờ cần hỏi lại câu hỏi này nữa.

1. Câu trả lời của Kurt Gödel 

Trong thời đại ngày nay, khi khoa học và công nghệ đạt được những thành tựu giống như những phép lạ, tư duy toán học, tư duy logic, tư duy lý lẽ thể hiện sức mạnh vượt trội, và chủ nghĩa duy lý (rationalism) nghiễm nhiên lên ngôi chúa tể trong vương quốc nhận thức – tư duy duy lý được coi là dạng nhận thức đáng tin cậy nhất, thậm chí là dạng tư duy duy nhất đúng.

Trong bối cảnh ấy, tư duy siêu hình ngày càng lép vế và có nguy cơ mất chỗ đứng. Niềm tin vào Đấng Sáng tạo bị chất vấn bởi một câu hỏi vĩnh viễn không có câu trả lời nhưng lại được nhiều người hưởng ứng: Nếu Đấng sáng tạo ra mọi thứ thì “ai tạo ra Đấng Sáng tạo?”

Những người nêu câu hỏi này tỏ ra đắc chí vì đinh ninh rằng câu hỏi của mình sẽ là đòn quyết định dồn tư duy siêu hình vào chỗ bế tắc, và do đó sẽ tự động bác bỏ niềm tin vào mọi thứ không thể giải thích hoặc chứng minh được bằng logic.

Nhưng…  đó là cái đắc chí ngây ngô, để lộ cho thấy sự thiếu hiểu biết về tính chất hạn chế của tư duy logic mà Pascal [1] đã khẳng định từ thế kỷ 17 và Gödel đã chứng minh trong thế kỷ 20.

Cái vô minh ấy dường như đã trở nên phổ biến đến nỗi Kurt Gödel, cha đẻ Định lý Bất toàn nổi tiếng, từ lâu đã phải thốt lên những lời giáo huấn nhắc nhở người đời, rằng:

● “Không thể giải thích mọi thứ được!” [2].

● “Nếu quả thật có những bài toán toán học không thể quyết định được bởi trí óc con người thì điều đó ngụ ý rằng lý lẽ của con người là hoàn toàn vô lý khi hỏi những câu hỏi không thể trả lời, trong khi khẳng định dứt khoát chỉ có lý lẽ mới có thể trả lời những câu hỏi đó” [3].

Thiết tưởng giáo huấn của Gödel đã quá rõ:

Nếu trong toán học (hệ logic mạnh nhất) tồn tại những sự thật không thể quyết định được là đúng hay sai, thì trong thế giới nói chung càng có nhiều sự thật không thể giải thích được. Ai đó nghĩ rằng lý lẽ của con người có thể giải thích được mọi thứ thì người ấy chắc chắn phải là người rất ngây thơ, ấu trĩ, kém hiểu biết − không biết những bài học về triết học nhận thức mà Pascal trong thế kỷ 17 và Gödel trong thế kỷ 20 đã khai sáng cho nhân loại. Một khi đã không biết nhưng lại cố nêu lên những câu hỏi vĩnh viễn không thể trả lời bằng logic, rồi nhất định đòi phải trả lời bằng logic, thì như Gödel đã nói, đó là sự cực kỳ vô lý của lý trí con người, nếu không muốn nói là ấu trĩ, ngớ ngẩn.

Trong thời đại ngày nay, rất nhiều người thích tranh cãi bằng lý lẽ logic, tưởng rằng mọi thứ đều có thể đặt lên bàn cân của chiếc cân logic để làm rõ trắng đen, phải trái, đúng sai, lại không hề biết rằng trong khoa học và trong thế giới quanh ta, có hàng đống sự thật không thể giải thích hoặc chứng minh được. Cụ thể, triết học toán học của Pascal trong thế kỷ 17 vả Định lý Bất toàn của Gödel trong thế kỷ 20 đã chỉ ra rằng tư duy logic không thể chứng minh HỆ TIÊN ĐỀ của toán học. Và vì toán học là hệ logic mạnh nhất, nên có thể mở rộng kết luận này cho mọi hệ logic khác, rằng tư duy logic không thể giải thích hoặc chứng minh NGUYÊN NHÂN ĐẦU TIÊN hoặc NGUỒN GỐC của mọi hệ thống tuân thủ logic nói chung.

Khốn thay, khát vọng của con người luôn luôn hối thúc con người đi tìm nguyên nhân đầu tiên hoặc nguồn gốc của các hệ thống thế giới mà con người chứng kiến: Nguồn gốc vũ trụ, Nguồn gốc sự sống, Nguồn gốc các loài, Nguồn gốc loài người,…

Khát vọng ấy cháy bỏng trong tâm can con người từ hàng trăm năm nay, nếu không phải từ hàng ngàn năm nay, nhưng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có câu trả lời chung cuộc bằng logic đối với những câu hỏi về nguồn gốc.  

Đây chính là điểm giới hạn của tư duy lý lẽ, do chính lý lẽ chỉ ra cho chúng ta thấy, như Blaise Pascal đã từng mô tả:

Điểm kết thúc của tư duy lý lẽ là chỉ ra giới hạn của tư duy lý lẽ” [4].

Để vươn tới sự thật ở phía bên kia giới hạn, con người buộc phải vận dụng trực giác, tức là “phải nhờ cậy đến Chúa trong việc khám phá chân lý“, như Blaise Pascal đã nhấn mạnh trong tác phẩm “Về nghệ thuật thuyết phục” (De l’art de persuader) của ông [5].

Tóm lại, câu hỏi “ai tạo ra Đấng Sáng tạo?” không phải là một câu hỏi khôn ngoan. Ngược lại, đó là một câu hỏi kém hiểu biết, vì nó không hiểu 2 quy luật sau đây:

Một, nhận thức lý trí có giới hạn – nó không thể giải thích nguyên nhân đầu tiên, hoặc nguồn gốc của các hệ thống tự nhiên.

Hai, chính sự bế tắc về logic trong việc trả lời những câu hỏi về nguyên nhân đầu tiên hoặc nguồn gốc đã buộc con người phải tìm đến những cách tiếp cận không duy lý.

Đấng Sáng tạo
Câu hỏi “Ai tạo ra Đấng Sáng tạo?” không phải là một câu hỏi khôn ngoan. (Ảnh minh họa: Agsandrew/Shutterstock)

Nhưng phải chăng chúng ta đã từng được nghe nói đến các lý thuyết về nguồn gốc, như nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc sự sống, nguồn gốc các loài, nguồn gốc loài người,… trong đó đã có những câu trả lời rõ ràng, dứt khoát và thuyết phục?

2. Sự thật các lý thuyết về nguồn gốc

2.1 Lý thuyết nguồn gốc vũ trụ

Cho đến nay không có một lý thuyết khoa học nào liên quan đến vấn đề nguồn gốc vũ trụ được đa số các nhà khoa học ủng hộ hơn Lý thuyết Big Bang. Lý thuyết đa vũ trụ cũng có tham vọng giải thích nguồn gốc vũ trụ, nhưng còn quá xa để có thể coi là một lý thuyết khoa học thực sự, bởi nó hoàn toàn chỉ là một giả thuyết không thể kiểm chứng. Vì thế chúng ta chỉ cần thảo luận về Lý thuyết Big Bang.

Vậy Lý thuyết Big Bang có trả lời được câu hỏi nguồn gốc vũ trụ không?

Câu trả lời là KHÔNG! Để biết rõ điều này, xin đọc:

● Nan đề Sáng Thế (Genesis Problem)

● Big Bang’s Challenge / Thách thức của Big Bang

● The Most Beautiful Explanation of Creation / Lời giải thích đẹp nhất về sự Sáng tạo

Tại sao Lý thuyết Big Bang không hề trả lời được nguồn gốc của vũ trụ? Đơn giản vì nó dừng lại ở điểm kỳ dị (singularity) – điểm khởi đầu của vũ trụ, từ đó vũ trụ bùng nổ và giãn nở dần dần thành vũ trụ ngày nay. Không ai biết “điểm kỳ dị đó từ đâu mà ra?”, “ai gây ra vụ nổ lớn?”, và “trước vụ nổ lớn là gì?”. Những câu hỏi này được coi là THÁCH THỨC LỚN đối với khoa học hiện đại. Chừng nào không trả lời được những câu hỏi này, chừng ấy không thể nói là đã trả lời được câu hỏi về nguồn gốc vũ trụ. Đã có một số cố gắng trả lời, nhưng đều ở mức giả thuyết viển vông, không được đông đao giới khoa học ủng hộ.

Thậm chí nhiều nhà khoa học có uy tín lớn còn coi Lý thuyết Big Bang như một bằng chứng xác nhận Thuyết Sáng tạo của Kinh Thánh. Điều này đã được trình bày rõ trong bài “Nan đề Sáng thế”, trong đó dẫn lời của Robert Jastrow, một nhà khoa học nổi tiếng của NASA, trong cuốn “Chúa và các nhà thiên văn” rằng:

Đối với nhà khoa học sống bằng niềm tin vào lý lẽ, câu chuyện kết thúc giống như một giấc mơ buồn. Anh ta đã leo lên ngọn núi vô minh; sắp chinh phục được đỉnh cao nhất; nhưng khi trèo lên tảng đá cuối cùng, anh ta lại được chào đón bởi một nhóm các nhà thần học đã ngồi ở đó từ hàng thế kỷ nay“…

Có nghĩa là sau bao nhiêu công lao khó nhọc của các nhà toán học và thiên văn trong nhiều thế kỷ, cuối cùng các nhà khoa học trong thế kỷ 20 lại đi đến kết luận giống y như Sách Sáng thế trong Kinh Thánh rằng vũ trụ ắt phái có một sự khởi đầu, thay vì vũ trụ là một cái gì đó có sẵn từ muôn thủa và cố định, không thay đổi.

Chú ý rằng trước khi có Lý thuyết Big Bang thì tư tưởng của Aristotle về một vũ trụ tĩnh, có sẵn từ muôn thủa, và cố định không thay đổi đã thống trị trong tư duy của các nhà khoa học, bao gồm cả Isaac Newton, Albert Einstein. Tư tưởng này trái với Kinh Thánh, vì Kinh Thánh nói rằng Chúa sáng tạo ra vũ trụ trong 6 ngày, từ chỗ không có gì cả, có nghĩa là phải có sự khởi đầu. Mặc dù Newton là người rất sùng đạo, nhưng ông không thể hình dung nổi một vũ trụ vật lý có sự khởi đầu và một lịch sử biến đổi. Mô hình vũ trụ của ông là một không gian tuyệt đối và một thời gian tuyệt đối. Mặc dù Einstein khám phá ra rằng không gian và thời gian không tuyệt đối, nhưng ông cũng quan niệm vũ trụ xét trên tổng thể là tĩnh. Nhưng chính phương trình của Thuyết Tương đối Tổng quát của ông lại chỉ ra rằng vũ trụ không tĩnh, mà có thể co giãn.

Khi Alexandre Friedman, nhà vũ trụ học người Nga, phát hiện ra tính co giãn này từ phương trình của Thuyết Tương đối Tổng quát, Einstein đã phải tìm cách chống lại sự co giãn đó bằng cách thêm vào phương trình của mình một hằng số vũ trụ. Không ngờ Edwin Hubble, bằng những quan sát thiên văn, khám phá ra hiện tượng vũ trụ giãn nở là có thật!

Đến lượt George Lemaître, một thầy tu Công giáo người Bỉ, công bố một lý thuyết hoàn chỉnh mang tên “Giả thuyết về Nguyên tử Nguyên thuỷ” (Hypothesis of Primeval Atom), tức Lý thuyết Big Bang sau này, thì khoa học lần đầu tiên đã thực sự thừa nhận rằng vũ trụ không tĩnh như mô hình Aristotle, mà giãn nở, và do đó ắt phải có điểm khởi đầu và một lịch sử biến đổi. Ban đầu Einstein phản đối lý thuyết của Lemaître, đơn giản vì lý thuyết này ủng hộ Kinh Thánh (Einstein tin vào Đấng Sáng tạo nhưng không tin vào Chúa của Kinh Thánh – một đấng quan phòng đến xã hội loài người). Tuy nhiên, sau khi gặp Lemaître tại Pasadena năm 1932 và trực tiếp nghe Lemaître thuyết trình, Einstein đã thốt lên:

Đây là lời giải thích tuyệt vời và thỏa đáng nhất về sự sáng tạo mà tôi từng được nghe.” [6]

Câu nói ấy chỉ nói lên sự thán phục của Einstein đối với lý thuyết của Lemaître, thay vì giải thích được nguồn gốc của vũ trụ một cách logic. Mọi phân tích khoa học vẫn phải dừng lại ở điểm kỳ dị, mà Lemaître gọi là nguyên tử nguyên thuỷ”. Bản thân Lemaître, mặc dù là một thầy tu Công giáo sùng đạo, không hề khẳng định rằng Chúa tạo ra “nguyên tử nguyên thuỷ.” Để tránh hiểu lầm, ông nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng “điểm kỳ dị ban đầu không phải là “sự sáng tạo” (theo nghĩa thần học) mà chỉ là ‘sự khởi đầu tự nhiên’“.

Chú ý rằng trong những năm 1968 – 1970, Roger Penrose, Stephen Hawking, và George Ellis lần lượt công bố những công trình nghiên cứu chứng minh một cách toán học rằng sự khởi đầu của vũ trụ là điều không thể tránh khỏi.

Chua sang tao vu tru shutterstock 1641752695
(Ảnh minh họa: Kris L/Shutterstock)

Quả thật, vũ trụ không thể cố định và vĩnh hằng. Bởi nếu vũ trụ đã có sẵn từ muôn thủa thì theo Định luật Entropy, vũ trụ đã bị tan rã từ lâu rồi.

Nhiều thí nghiệm vật lý và thiên văn cũng xác nhận Lý thuyết Big Bang, chẳng hạn như năm 1964, Arno Penzias và Robert Wilson khám phá ra những “tiếng ồn vi sóng” vũ trụ, vết tích của những vi sóng phát đi từ vũ trụ nóng bỏng lúc sơ sinh sau Big Bang. Nhờ đó hai người này được tặng Giải Nobel vật lý năm 1978.

Với cơ sở logic toán học chính xác và được xác nhận bởi nhiều hiện tượng thiên văn vũ trụ, Lý thuyết Big Bang đến nay vẫn được coi là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của khoa học. Murray Gell-Mann, nhà vật lý đoạt Giải Nobel năm 1969, ca ngợi Lý thuyết Big Bang như “một cuộc phiêu lưu bền bỉ và vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, nhằm hiểu vũ trụ vận hành ra sao và từ đâu tới” [7].

Vậy dù bạn tin hay không tin, đứng trước Lý thuyết Big Bang, bạn chỉ có thể có một trong hai lựa chọn:

Một, thừa nhận sự bế tắc của tư duy lý trí trong việc giải thích nguồn gốc vũ trụ, vì tư duy lý trí hoàn toàn bất lực trước việc giải thích nguồn gốc của “nguyên tử nguyên thuỷ” và vụ nổ lớn.

Hai, tán thành Robert Jastrow, thừa nhận “nguyên tử nguyên thuỷ” và vụ nổ lớn đều do Chúa sáng tạo!

2.2 Lý thuyết Nguồn gốc sự sống

Trong lịch sử 160 năm, kể từ khi thuyết tiến hoá ra đời, đã xuất hiện rất nhiều lý thuyết về nguồn gốc sự sống với rất nhiều tên gọi khác nhau, chẳng hạn:

  • Lý thuyết về “cái ao ấm áp” (warm pond) của Charles Darwin;
  • Lý thuyết về “nồi súp nguyên thuỷ” (primitive soup) hoặc “nồi súp tiền sinh thái” (pre-biotic soup);
  • Thuyết tiến hoá hoá học (Chemical Evolution);
  • Thuyết tiến hoá vũ trụ (Cosmic Evolution);
  • Giả thuyết RNA (RNA Hypothesis);
  • V.v. và v.v.

Dù tên gọi khác nhau, chứa đựng nội dung hơi khác nhau, nhưng tất cả các lý thuyết nói trên đều có những điểm chung mà bất kỳ ai muốn tìm hiểu sự thật thuyết tiến hoá cũng nên biết:

  • Tất cả đều chỉ là GIẢ THUYẾT, không hề có một giả thuyết nào biến thành hiện thực;
  • Tất cả đều được gọi chung là “Abiogenesis” (Lý thuyết phi tạo sinh), vì tất cả đều cố gắng chứng minh tiên đoán của Darwin, rằng sự sống đầu tiên đã ra đời một cách tình cờ từ sự kết hợp ngẫu nhiên của các vật chất không sống.

Xin nhấn mạnh một lần nữa rằng cho đến nay không hề có một sự kiện thực tế nào hoặc một thí nghiệm nào chứng minh cho các giả thuyết phi tạo sinh.

Tên gọi của Thuyết Phi Tạo sinh (Abiogenesis) mang ý nghĩa đối lập với tên gọi của Thuyết Tạo sinh (Biogenesis) do Louis Pasteur nêu lên năm 1862. Lý thuyết của Pasteur dựa trên một định luật cơ bản nói rằng “Sự sống chỉ ra đời từ sự sống”. Lý thuyết này đã trở thành cơ sơ của khoa học tế bào, trong đó mọi sinh viên học môn này đều phải thuộc lòng ghi nhớ một định luật bất di bất dịch: “Tế bào chỉ sinh ra từ tế bào”.

Vậy mà các nhà tiến hoá nêu lên một giả thuyết phản lại định luật đó, rằng sự sống đầu tiên có thể ra đời một cách ngẫu nhiên từ vật chất không sống!

Nói cách khác, lý thuyết nguồn gốc sự sống của thuyết tiến hoá chống lại một định luật khoa học đã được thừa nhận và đã được áp dụng phổ biến trong khoa học tế bào.

Trong khoa học, một khám phá mới lật đổ một lý thuyết cũ là chuyện bình thường. Nhiều người bám vào chỗ này để biện minh cho sự mâu thuẫn giữa thuyết Abiogenesis với Biogenesis. Nhưng đó là nguỵ biện mà thôi. Có hàng loạt lý do khoa học để bác bỏ Abiogenesis. Xin đọc:

● DNA, the knell for Darwinism / DNA, điềm cáo chung đối với thuyết tiến hóa

● Probability of Life’s Spontaneous Generation / Xác suất để sự sống hình thành tự phát

● Chemical Evolution is Impossible / Tham vọng tổng hợp sự sống thất bại

● Abiogenesis… dead in the water / Thuyết phi tạo sinh… chết cứng

● EVOLUTION 2.0 PRIZE – Giải thưởng 5 triệu USD cho thuyết tiến hóa

Những bài viết nói trên chỉ ra rằng:

Không có “mã DNA” – mã lệnh chỉ huy việc sáng tạo sự sống – thì không thể có sự sống. Khi đó, dù có thời gian dài vô hạn, vật chất vô sinh không thể ngẫu nhiên tập hợp lại thành sự sống. Điều này cho thấy rõ ràng Abiogenesis là một ảo tưởng. Darwin không biết gì về “mã DNA” nên ảo tưởng của ông về “cái ao ấm áp” có thể thông cảm được. Nhưng những con người thời nay, khi đã biết rõ vai trò của “mã DNA” mà vẫn còn tiếp tục nuôi ảo tưởng giống như Darwin thì chẳng phải là tăm tối quá ư?

Thực ra, không nhất thiết phải biết “mã DNA” thì mới tránh được ảo tưởng như Darwin. Điển hình là Lord Kelvin, người khám phá ra Định luật Entropy, từng giữ chức chủ tịch Hội Hoàng gia Anh cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, sống cùng thời với Darwin, nhưng với con mắt tinh đời và đầu óc triết học sắc sảo, ông đã sớm bác bỏ lý thuyết nguồn gốc sự sống của Darwin ngay từ thế kỷ 19. Đây, ông nói:

Tôi cần phải nói công khai rằng sự khởi đầu và sự duy trì sự sống trên trái đất hoàn toàn vượt quá phạm vi của mọi phỏng đoán hợp lý trong khoa học động lực. Đóng góp duy nhất của khoa học động lực cho sinh học lý thuyết là sự phủ định tuyệt đối về sự khởi đầu tự động hoặc sự duy trì tự động của sự sống.[8].

Dưới ánh sáng của “mã DNA”, chúng ta thấy Kelvin hoàn toàn đúng! Thật vậy, nếu không có “mã DNA” hướng dẫn thì dù có hàng tỷ tỷ phản ứng hoá học xảy ra cũng không thể tạo ra sự sống được. Đó là lý do để các thí nghiệm “tiến hoá hoá học” trong hơn một thế kỷ qua liên tiếp thất bại và thất bại, không tài nào tạo ra sự sống được. Làm sao một phản ứng hoá học có thể tạo ra “mã DNA”? Đó là điều không tưởng! Kelvin đáng được coi là tiên tri khi ông khẳng định rằng vấn đề nguồn gốc sự sống VƯỢT QUÁ khả năng của các khoa học động lực (vật lý, hoá học).

Một thí nghiệm động lực học nổi tiếng về vấn đề nguồn gốc sự sống là thí nghiệm Urey-Miller, năm 1953, được nhiều báo chí rầm rộ đưa tin như một thành tựu vĩ đại vì đã chế tạo ra được acid amin, một mầm mống của sự sống. Ngày nay chúng ta biết rõ đây là một thông tin lừa bịp, hoặc dốt nát, vì thực tế Urey-Miller chỉ chế tạo được một số acid amin đối xứng, vi phạm Định luật Bất đối xứng của sự sống do Louis Pasteur khám phá ra năm 1848. Nói cách khác, cái mà Urey-Miller chế tạo ra không phải là thành phần của sự sống, vì nó không thoả mãn một điều kiện bắt buộc của sự sống là phân tử phải bất đối xứng. Hiện nay, giới tiến hoá đã thừa nhận rằng họ không hiểu vì sao phân tử của sự sống lại bất đối xứng. Chừng nào không hiểu thì chừng ấy không thể chế tạo ra sự sống. Ngày nay, không ai còn bị đánh lừa bởi thí nghiệm Urey-Miller nữa, trừ những người cố tình tự đánh lừa mình.

Đấng sáng tạo
Sản phẩm thu được từ thí nghiệm Miller-Urey, hóa ra là Phoóc-môn và Xyanua – những chất độc. (Ảnh: Gstraub/Shutterstock)

Thách thức quá lớn đối với lý thuyết nguồn gốc sự sống hiện nay là câu hỏi “nguồn mã DNA?”. Nói cách khác, mã DNA xuất phát từ đâu? Ai viết ra nó?

Không ai nghi ngờ gì nữa rằng mã DNA là một dạng thông tin, thậm chí là một dạng thông tin cao cấp, vượt xa mọi thông tin do con người tạo ra. Theo Lý thuyết Thông tin, mọi thông tin đều có nguồn trí tuệ thông minh. Vậy nguồn trí tuệ thông minh nào viết ra thông tin của sự sống, tức mã DNA? Đó là lý do của Giải thưởng 5 triệu USD mang tên “Evolution 2.0”, do Perry Marshal cùng một nhóm cộng sự ở Mỹ đặt ra.

Đây là giải thưởng khoa học lớn nhất (gấp 5 lần Giải Nobel) dành cho thuyết tiến hoá, nhưng các nhà tiến hoá IM LẶNG!

Tại sao họ im lặng, nếu không phải vì họ biết đó là câu hỏi không thể trả lời? Hoặc nói như Kelvin, câu hỏi đó VƯỢT QUÁ XA khả năng giải thích của các khoa học động lực.

3/ Kết luận

Lý trí suy luận logic có giới hạn. Nói cách khác, tồn tại nhiều sự thật nằm ngoài vương quốc logic. Đấng Sáng tạo là một khái niệm nằm ngoài và nằm trên logic. Chúng ta chỉ có thể nhận biết Đấng Sáng tạo bằng cảm xúc chứ không bởi lý luận.

Trong thế kỷ 17, thần đồng toán học Blaise Pascal đã nói:

Chính trái tim nhận biết Chúa chứ không phải lý lẽ. Đó chính là đức tin: Chúa được cảm nhận bởi trái tim chứ không bởi lý luận.” [9]

Trong thế kỷ 18, nhà triết học trứ danh Immanuel Kant cũng nói:

Chúng ta không thể hiểu Chúa; chúng ta chỉ có thể tin Ngài.” [10].

Cả Pascal lẫn Kant từng bị coi là duy tâm, nhưng dưới ánh sáng của Định lý Gödel, chúng ta thấy các ông có lý. Đơn giản vì tư duy lý trí không bao giờ đủ để nhận thức thế giới. Trực giác giúp chúng ta bù khuyết, bởi nó có khả năng nhận thức được những sự thật mà lý trí bất lực, như Pascal đã khẳng định trong cuốn PENSÉES của ông:

Trái tim có những lý lẽ của nó mà lý trí chẳng hiểu gì cả.” [11]

Cái mà lý trí không thể nhận thức trong khi trực giác có thể ắt phải là thứ vô cùng quý giá. Vì thế Chúa Jesus mới nói với tông đồ của Ngài rằng:

“…Phúc cho ai không thấy mà tin.” [12]

Vì không hiểu những lẽ thật mầu nhiệm đó nên những người mắc bệnh duy lý mới đặt câu hỏi ngây ngô rằng “ai tạo ra Chúa?”.

 GS. Phạm Việt Hưng, viết tại Sydney 19/02/2019

(Bài gốc của GS. Phạm Việt Hưng ở đây)


[1] Xem “Blaise Pascal”: https://viethungpham.com/2019/02/05/blaise-pascal-1623-1662/

[2] “To explain everything is impossible!”

Gödel Quotations http://kevincarmody.com/math/goedel.html

[3] “If it were true [that there are mathematical problems undecidable by the human mind] it would mean that human reason is utterly irrational in asking questions it cannot answer, while asserting emphatically that only reason can answer them.”

Gödel Quotations http://kevincarmody.com/math/goedel.html

[4] “The end point of rationality is to demonstrate the limits of rationality.”

https://quotefancy.com/quote/776789/Blaise-Pascal-The-end-point-of-rationality-is-to-demonstrate-the-limits-of-rationality

[5] Xem “Blaise Pascal”: https://viethungpham.com/2019/02/05/blaise-pascal-1623-1662/

[6] “Einstein and Lemaître: two friends, two cosmologies…” http://inters.org/einstein-lemaitre

[7] IDEAS that shaped our world, Marshall Editions Developments Ltd, The Big Bang, p.186.

[8] “I need scarcely say that the beginning and maintenance of life on earth is absolutely and infinitely beyond the range of all sound speculation in dynamical science. The only contribution of dynamics to theoretical biology is absolute negation of automatic commencement or automatic maintenance of life”. https://www.azquotes.com/quote/818279

[9] “C’est le cœur qui sent Dieu, et non la raison. Voilà ce que c’est que la foi: Dieu sensible au cœur, non à la raison.”  http://www.linternaute.com/citation/6537/c-est-le-c-ur-qui-sent-dieu–et-non-la-raison—blaise-pascal/

[10] “We cannot comprehend God; we can only believe in Him.”

https://en.wikiquote.org/wiki/Immanuel_Kant

[11]  “Le cœur a ses raisons que la raison ne connaît point.”

http://www.linternaute.com/citation/4184/le-c-ur-a-ses-raisons-que-la-raison-ne-connait–blaise-pascal/

[12] Jesus said to him, “Because you have seen Me, you have believed; blessed are those who have not seen and yet have believed.” (John 20:29)