Theo hãng tin Nikkei, hãng Apple cho biết mới đây rằng phía hải quan Trung Quốc đang bắt đầu thực thi nghiêm ngặt việc kiểm tra xem các lô hàng từ Đài Loan đến Trung Quốc có dán nhãn “Taiwan, China (Đài Loan, Trung Quốc)” hoặc “Chinese Taipei (Đài Bắc Trung Hoa)” hay không. Nếu không tuân thủ, các nhà cung cấp có thể bị phạt tiền hoặc bị trả lại hàng. Động thái trên được diễn ra sau chuyến thăm gần đây của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan, qua đó làm dấy lên lo ngại về việc gia tăng các rào cản thương mại.

các nhà cung cấp
(Ảnh minh họa: Robert Way/Shutterstock)

Cụ thể, gã khổng lồ ngành công nghệ của Mỹ kêu gọi các nhà cung cấp nhanh chóng xử lý vấn đề khẩn cấp này để tránh những gián đoạn có thể xảy ra do hàng hóa và linh kiện bị giữ để giám sát. Đây là thời điểm nhạy cảm đối với Apple, do các nhà cung cấp của họ đang chuẩn bị những thành phần sẽ được đưa vào dòng iPhone 14 sắp được ra mắt và các sản phẩm mới khác dự kiến ​​ra mắt vào mùa thu năm nay.

Việc sử dụng cụm từ “Made in Taiwan (Xuất xứ từ Đài Loan)” trên bất kỳ tờ khai nhập khẩu, tài liệu hoặc thùng giấy nào có thể khiến các lô hàng bị hải quan Trung Quốc giữ lại và kiểm tra. Một trong những nguồn tin cho biết rằng nếu vi phạm quy định này, thì hình phạt sẽ là phạt tiền lên tới 4.000 nhân dân tệ (592 USD) hoặc trong trường hợp xấu nhất là lô hàng bị từ chối.

Tuy nhiên, điều này đưa ra một tình huống khó xử đối với các nhà cung cấp cần vận chuyển vật liệu, linh kiện hoặc bộ phận từ Đài Loan đến Trung Quốc, vì hòn đảo này cũng yêu cầu tất cả các mặt hàng xuất khẩu phải được dán nhãn sản phẩm có xuất xứ, có nghĩa là chúng phải mang dòng chữ “Taiwan (Đài Loan)” hoặc “Republic of China (Trung Hoa Dân Quốc)”, theo các nhà cung cấp và công ty về logistics.

Cảnh báo của Apple được đưa ra sau khi các lô hàng từ Đài Loan đến một trong những cơ sở của nhà lắp ráp iPhone Pegatron tại Trung Quốc đã bị giữ lại để kiểm tra vào ngày 4/8 để xem liệu tờ khai nhập khẩu hoặc thùng carton có dán nhãn “Taiwan” hay “Republic of China” hay không.

Chính quyền Bắc Kinh từ lâu đã coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và phản đối mạnh mẽ việc các quan chức cấp cao của Mỹ như Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi thực hiện các chuyến thăm ngoại giao chính thức tới hòn đảo này.

Để tránh bất kỳ sự hỗn loạn trong khâu vận chuyển và làm gián đoạn chuỗi cung ứng, Apple cũng đã yêu cầu các nhà cung cấp lập kế hoạch dự phòng hoặc nhanh chóng xem xét và sửa đổi nhãn của họ trên các thùng và biểu mẫu cho các chuyến hàng từ Đài Loan đến Trung Quốc nếu cần.

Việc tăng cường giám sát các chuyến hàng đến cơ sở Tô Châu của Pegatron diễn ra một ngày sau khi một Giám đốc điều hành cấp cao của Pegatron và các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp chip Đài Loan khác gặp bà Pelosi tại Đài Loan trong một bữa ăn trưa do Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tổ chức.

Phan Anh

https://trithucvn2.net/doi-song/trai-dat-con-bao-nhieu-dau-mo-va-than-da.html