Cảnh giác với “tiến bộ” trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc
- Tuyết Mai
- •
Vừa qua, vấn đề trí tuệ nhân tạo (AI) đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Internet Thế giới được tổ chức ở Ô Trấn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Có nhận định cho rằng những tiến bộ về lĩnh vực này được thể hiện tại Hội nghị khiến người ta có lý do chính đáng để cảnh giác đến sự an nguy của nhân loại.
Tờ Tin Sáng Bắc Kinh đưa tin, Hội nghị Internet Thế giới lần này đã mời hơn 400 doanh nghiệp nổi tiếng tham dự. Ứng dụng kỹ thuật về trí tuệ nhân tạo (AI) là vấn đề được các công ty nhấn mạnh.
“Hệ thống mắt trời đô thị” của kỹ thuật Face++ là một trong những ứng dụng nhận diện khá nổi bật. Chỉ cần khuôn mặt của một người xuất hiện trong khu vực thu nhận của camera là sẽ được quét và kiểm tra, cơ bản là thông tin về người này đã được ghi vào cơ sở dữ liệu và sẽ ngay lập tức xác định được danh tính. Được biết, độ chính xác của hệ thống nhận diện khuôn mặt này đạt hơn 96%.
Thời báo New York chỉ ra, Face ++ cũng đưa công nghệ này tham dự hội nghị. Trên một màn hình lớn trong gian hàng, phần mềm xác định được giới tính, chiều dài tóc và màu sắc cũng như những bộ quần áo của người được xác định.
China Unicom công khai thảo luận cách công ty của họ sử dụng dữ liệu được thu thập nhờ Face ++. Theo đó, người phụ trách thảo luận công khai của China Unicom cho biết kỹ thuật giám sát và thu thập dữ liệu này đã được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc.
Một vấn đề khác đáng cảnh giác là công ty trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc iFlyTek. Theo thông tin, iFlyTek đã là doanh nghiệp hàng đầu thế hệ mới về nền tảng trí tuệ nhân tạo, đã cho ra đời 8 sản phẩm trí tuệ nhân tạo. CEO Hồ Úc của iFlyTek cũng tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Trí tuệ nhân tạo tại Ô Trấn, đã cùng những lãnh đạo khác thảo luận “Lý luận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo”.
Thời báo New York còn cho biết, iFlyTek không chỉ là một công ty sáng tạo đổi mới, còn có quan hệ với bộ phận an ninh quốc gia của Trung Quốc, phòng thí nghiệm của công ty này là trợ thủ đắc lực cho an ninh Trung Quốc.
iFlyTek đã cho biết công nghệ nghe trộm của họ có thể tập trung nghe trộm đối tượng ở trong một chiếc xe nhỏ chật kín người, hoặc nhận ra âm thanh mục tiêu trong một gian phòng đông kín, và ghi lại tất cả những gì người đó nói.
Tháng 10 năm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đã viết trong một báo cáo rằng công ty iFlyTek này đang giúp chính quyền Trung Quốc xây dựng cơ sở dữ liệu sinh trắc học giọng nói của công dân Trung Quốc, cơ sở dữ liệu này có thể được sử dụng để theo dõi người mà họ muốn theo dõi.
Đã có thông tin cho rằng iFlyTek đã xây dựng được kho cơ sở dữ liệu với 70.000 voiceprint (vân âm thanh) tại trụ sở chính của họ ở tỉnh An Huy. Hơn nữa, cảnh sát Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng voiceprint này giống như đã làm khi thu thập dấu vân tay.
Không ai biết làm thế nào để iFlyTek có được voiceprint của nhiều người như thế, nhưng đáng chú ý là China Mobile là một trong những cổ đông của iFlyTek, có hơn 800 triệu người sử dụng sản phẩm của họ. Thời báo New York cho biết iFlyTek gắn sản phẩm của họ trên hàng triệu điện thoại di động Trung Quốc, và giúp China Mobile kinh doanh.
Bên cạnh đó, hãng sản xuất xe hơi Volkswagen của Đức cũng thông qua nhà cung cấp bên thứ ba, trang bị hàng trăm ngàn thiết bị kỹ thuật nhận dạng âm thanh của iFlyTek trong số 4 triệu xe hơi được tiêu thụ ở Trung Quốc. Người phụ trách về ô tô Lưu Tuấn Phong của iFlyTek cũng cho hay, năm tới công ty xe này cũng lắp đặt cho một số xe Jeep của họ bán ở Trung Quốc.
Trong báo cáo được công bố vào tháng 10 năm nay, người phụ trách về tình hình Trung Quốc của Human Rights Watch là Sophie Richardson nói: “Chính phủ Trung Quốc đã thu thập được kho dữ liệu với hơn triệu voiceprint, và dự án này hầu như không có sự minh bạch, không có quy định pháp luật rõ ràng cho biết ai sẽ là mục tiêu của bộ sưu tập này, hoặc chính phủ sẽ sử dụng dữ liệu này như thế nào.”
Thời báo New York bình luận rằng, những tiến bộ này “mang đến cho mọi người lý do để cảnh giác.”
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Human Rights Watch Nhận diện giọng nói Công nghệ nhận diện khuôn mặt trí tuệ nhân tạo Hội nghị Internet Thế giới