Giải Nobel Y học 2018: Liệu pháp giúp hệ miễn dịch tự tấn công ung thư
- Mai Hoa
- •
Hai nhà khoa học James Allison (người Mỹ) và Tasuku Honjo (người Nhật) đã giành được giải Nobel Y học năm 2018 cho một phương pháp tiên phong trong điều trị bệnh ung thư.
Vì sao hệ miễn dịch không tấn công tế bào ung thư?
Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi nhiều loại bệnh tật. Vậy bạn có bao giờ tự hỏi tại sao hệ thống miễn dịch không tấn công và loại bỏ các tế bào ung thư? Người ta từng cho rằng đó là bởi tế bào ung thư trông giống tế bào thường nên hệ miễn dịch không đáp lại. Nhưng không hẳn vậy, bởi người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch sau thời gian dài sẽ thấy gia tăng khả năng ung thư, cho thấy hệ miễn dịch có tấn công và loại bỏ ung thư, chỉ là vì sao hệ miễn dịch không tấn công hiệu quả đối với ung thư thì trước đây người ta chưa rõ.
Giải Nobel năm nay đưa ra liệu pháp phong tỏa điểm kiểm soát miễn dịch: cho rằng hệ miễn dịch có nhận ra ung thư, nhưng bị vô hiệu hóa trước khi có thể tập hợp để tấn công.
>> Nhà Nobel y học: Kiềm hóa cơ thể là chìa khóa chống ung thư
Giáo sư James P. Allison (70 tuổi) là chủ tịch của Immunology và giám đốc điều hành tại Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas. Ông đã phát hiện ra loại protein CTLA-4 có tác dụng kìm hãm hệ thống miễn dịch, do đó khi kìm chế loại protein này, người ta có thể “mở khóa” – kích thích tế bào miễn dịch tấn công các khối u trong cơ thể.
Giáo sư Tasuku Honjo (76 tuổi) tại trường Đại học Kyoto Nhật Bản, trong 34 năm qua đã phát hiện loại protein PD-1 ở tế bào miễn dịch hoạt động như một chất ức chế, nhưng với một cơ chế hoạt động khác. Liệu pháp dựa trên phương pháp của ông đã chứng tỏ được hiệu quả trong việc điều trị chống ung thư.
Giải thích sơ đồ trên: 2 hệ thống khác nhau được phát triển bởi 2 nhà nghiên cứu thắng giải Nobel năm nay. Ở cả 2 hệ thống, APC là một tế bào miễn dịch có vai trò đưa protein tới tế bào T để nó có thể xác định “mục tiêu” cho hệ miễn dịch. Ở bên trái, nếu CTLA-4 (màu vàng, do GS. Allison nghiên cứu) được gắn vào tế bào T, nó sẽ kìm chế phản ứng miễn dịch. PD-1 (bên phải, do GS. Honjo nghiên cứu) cũng hoạt động tương tự nhưng nó cũng xuất hiện ở cả tế bào ung thư, cho thấy đây là cơ chế để tế bào ung thư “né” bị tấn công bởi hệ miễn dịch.
Ủy ban giải Nobel cho biết nghiên cứu khai thác hệ thống miễn dịch cơ thể để tấn công tế bào ung thư của hai vị bác sĩ này được xem là một “bước ngoặt trong cuộc chiến chống ung thư”. Cách tiếp cận này được gọi là lý thuyết trạm kiểm soát miễn dịch, đã “cách mạng hóa điều trị ung thư và cơ bản đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về việc có thể kiểm soát ung thư như thế nào,” ủy ban cho biết.
Theo GS Allison, ông được ủy ban giải Nobel gọi điện thông báo giải thưởng vào sáng thứ Hai và được cho biết đây là giải thưởng đầu tiên cho liệu pháp điều trị ung thư. “Tôi vẫn còn trong trạng thái hơi sốc và nó còn chưa lắng xuống“, Aliison nói với CNN. “Tôi muốn hét lớn lên với tất cả bệnh nhân ngoài kia, những người đang phải chịu đựng ung thư để họ biết rằng chúng tôi đang có tiến triển.”
Allison cho biết ông là một khoa học gia bình thường và không nghiên cứu thứ này để cố gắng chữa trị ung thư. Ông chỉ muốn biết tế bào T hoạt động như thế nào. Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, tế bào T, một loại bạch cầu, là một phần của hệ thống miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và có thể giúp chống lại ung thư.
“Bệnh ung thư giết chết hàng triệu người mỗi năm và là một trong những thách thức sức khỏe lớn nhất của nhân loại“, Ủy ban Giải Nobel viết trên Twitter.
“Bằng cách kích thích khả năng của hệ thống miễn dịch cơ thể để tấn công các tế bào khối u, những người đoạt giải Nobel năm nay đã thiết lập một nguyên lý hoàn toàn mới để điều trị ung thư”.
Giải Nobel Sinh lý học và Y học được trao 108 lần cho 214 người đoạt giải từ năm 1901 đến 2017.
Mai Hoa
Xem thêm:
Từ khóa Giải Nobel Y học Điều trị ung thư ung thư hệ miễn dịch