Các nhà phát triển ở Trung Quốc được thông báo rằng họ sẽ bị chặn truy cập các công cụ và phần mềm của OpenAI từ đầu tháng 7/2024. Điều này cho thấy ông chủ của ChatGPT đang có lập trường tích cực hơn bằng cách chặn người dùng từ các nước không cung cấp dịch vụ truy cập vào các công cụ và phần mềm của họ.

chatGPT
(Ảnh minh họa: Rafapress/Shutterstock)

Theo ảnh chụp màn hình được đăng trên mạng xã hội mà các phương tiện truyền thông như từ Thời báo Chứng khoán (the Securities Times) đưa tin hôm thứ Ba (25/6), công ty khởi nghiệp được Microsoft hậu thuẫn này đã gửi cho các nhà phát triển ở nhiều khu vực thông tin về biên bản ghi nhớ hành động sắp tới.

Theo Bloomberg, các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) tại Trung Quốc như Zhipu AI dưới hậu thuẫn của những ‘gã khổng lồ’ như Alibaba và Tencent, đã đưa ra thông báo khuyến khích các nhà phát triển chuyển sang dùng sản phẩm trong nước.

Không rõ điều gì đã thúc đẩy OpenAI thực hiện hành động này, nhưng công ty khởi nghiệp này tiết lộ vào tháng 5 rằng vài tháng qua, họ đã cắt bỏ ít nhất 5 hoạt động gây ảnh hưởng bí mật, cho biết những người tổ chức các hoạt động đó đã khai thác sản phẩm OpenAI để thao túng dư luận.

Bản ghi nhớ từ công ty của Sam Altman được đưa ra trong bối cảnh Washington đang ngày càng gây áp lực lên các công ty công nghệ Mỹ, nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ AI tiên tiến.

Mặc dù OpenAI không được công nhận chính thức ở Trung Quốc, nhưng nhiều nhà phát triển vẫn có thể dùng được công cụ của OpenAI thông qua các phương pháp như mạng riêng ảo (VPN).

Các công ty Trung Quốc, từ Baidu đến các công ty khởi nghiệp như Zhipu AI, đang nỗ lực phát triển các mô hình AI cạnh tranh với ChatGPT và các công ty tiên phong khác trong ngành của Mỹ. Chính phủ Trung Quốc công khai khuyến khích các công ty địa phương đổi mới trong lĩnh vực AI, cho rằng công nghệ này rất quan trọng để củng cố vị thế kinh tế và quân sự của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, Washington đang nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ quan trọng. Bộ Tài chính Mỹ đã đề xuất các quy định nhằm hạn chế dòng chảy ra nước ngoài của các công nghệ mà họ cho là quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ, bao gồm cả chip và AI.

Những biện pháp hạn chế là một phần trong chiến lược của Tổng thống Joe Biden nhằm ngăn phía đối thủ Trung Quốc sở hữu được các công nghệ nhạy cảm đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Lo ngại tình trạng gian lận bằng AI

Trong năm qua, việc công nghệ OpenAI bị lạm dụng đang gây không ít lo ngại. Theo AFP vào ngày 29/3, OpenAI hôm đó đã tiết lộ một công cụ sao chép giọng nói, theo đó họ lên kế hoạch kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn những kẻ gian dùng nó để lừa đảo, gian lận. OpenAI cho biết: “Chúng tôi thừa nhận việc tạo ra giọng nói giống giọng của ai đó gây ra những rủi ro đáng kể, đặc biệt là trong năm bầu cử [Tổng thống Mỹ], chúng tôi cần làm việc với các đối tác Mỹ và quốc tế trong các lĩnh vực từ chính phủ, truyền thông, giải trí, giáo dục, xã hội dân sự… để đảm bảo quá trình thực hiện này có tiếp thu ý kiến ​​​​của các bên”.

Các nhà nghiên cứu thông tin sai lệch lo lắng vấn đề lạm dụng các ứng dụng hỗ trợ AI trong năm bầu cử quan trọng, vì các công cụ sao chép giọng nói ngày càng sẵn có, chi phía bỏ ra thấp, dễ sử dụng và khó phát hiện.

Cách đây vài tháng, một cố vấn chính trị của Đảng Dân chủ Mỹ thừa nhận đã dùng AI mạo danh giọng nói của Tổng thống Biden để thực hiện cuộc gọi thoại tự động, nội dung giống như việc Tổng thống Biden kêu gọi cử tri không bỏ phiếu ở cuộc bầu cử sơ bộ bang New Hampshire vào tháng 1 năm nay. Vụ việc đã khiến các chuyên gia cảnh báo, họ lo lắng về làn sóng tin giả do AI tạo ra trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay, cũng như các cuộc bầu cử quan trọng khác trên khắp thế giới.