Pháp khánh thành con đường năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới
- hoàng vũ
- •
Bộ trưởng Bộ Môi trường Pháp Ségolène Royal đã chính thức khai trương con đường năng lượng mặt trời dài 1 km đầu tiên trên thế giới vào ngày 22/12, với 2.880 tấm pin mặt trời lát trên đường ở ngôi làng Tourouvre-au-Perche vùng Normandy.
Áp dụng công nghệ Wattway của công ty xây dựng Colas, con đường này được thiết kế để cung cấp điện chiếu sáng đường phố cho 3.400 cư dân của ngôi làng.
Pháp đã mạnh tay chi 5 triệu Euro, tương đương khoảng 5,2 triệu USD cho việc xây dựng con đường năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới này. Có 5 lớp silicon bao phủ trên những tấm pin năng lượng mặt trời để đảm bảo tính đàn hồi và chịu được trọng tải nặng.
Nhóm phát triển Wattway cho biết họ hy vọng con đường lát pin năng lượng mặt trời này sẽ cung cấp 280 MWh điện mỗi năm, tuy sản lượng theo ngày có thể dao động theo điều kiện thời tiết. Công ty dự đoán sản lượng hằng ngày là 767 kWh, và có thể lên đến khoảng 1.500 kWh trong mùa hè.
Con đường lát pin năng lượng mặt trời này sẽ được thử nghiệm trong thời gian 2 năm, chủ yếu là về tuổi thọ và sản lượng. Giám đốc Wattway Jean-Charles Broizat tuyên bố một cách lạc quan nhưng cẩn trọng: “Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Việc xây dựng thử nghiệm quy mô cỡ này là một cơ hội thực sự cho sáng kiến của chúng tôi. Thử nghiệm này cho phép chúng tôi cải thiện quá trình lắp đặt cũng như chế tọa tấm năng lượng mặt trời để tiếp tục tối ưu hóa sản phẩm của mình”.
Nhưng không phải ai cũng vui mừng về con đường năng lượng mặt trời này. Một số người nghĩ rằng chính phủ đã chi quá nhiều tiền.
Phó chủ tịch Mạng lưới Chuyển tiếp Năng lượng Marc Jedliczka nói trên tờ Le Monte: “Đây không nghi ngờ gì là một tiến bộ kỹ thuật, nhưng trong lĩnh lực phát triển năng lượng tái tạo có nhiều thứ ưu tiên khác hơn là một thiết bị có thể hoạt động nhưng quá đắt đỏ.”
Mục tiêu dài hạn của Pháp là trải các tấm năng lượng mặt trời trên 1.000 km đường bộ.
Theo Inhabitat
Hoàng Vũ
Xem thêm:
Từ khóa phát minh nước Pháp năng lượng mặt trời