Hơn 50 năm qua, sam biển (còn gọi là cua móng ngựa) đã được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp dược phẩm để thử nghiệm độc tố trong vắc-xin và các loại thuốc tiêm khác. Tuy nhiên, theo các nhà bảo tồn động vật, việc sản xuất vắc-xin phòng ngừa COVID-19 sẽ làm suy giảm số lượng của loài này và gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Sam biển
Sam biển. (Ảnh: Wikipedia)

Năm 1956, nhà nghiên cứu Fred Bang đã phát hiện thấy một đặc điểm kỳ lạ trong máu sam biển. Đó là khi chúng tương tác với nội độc tố endotoxin (một thành phần của màng ngoài tế bào) thì các tế bào amebocyte lysate có trong máu sam sẽ vón cục lại ở thể đặc. Ông cho biết thêm rằng các tế bào amebocyte lysate này là một phần thuộc hệ thống miễn dịch tự nhiên của sam, có thể nhận diện các vi khuẩn nguy hiểm trong quá trình chúng đi vào mạch máu của người bệnh.

Do đó, máu sam đã được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) phê chuẩn để sử dụng làm chất thử trong các cuộc thử nghiệm về thuốc và vắc-xin từ năm 1977. Cho đến nay, hầu hết tất cả các công ty dược phẩm trên thế giới đều dựa vào máu sam để thử nghiệm các loại thuốc mới.

Được biết, giá trị thị trường của máu sam biển có thể lên tới 200.000 USD/lít.

   

Mỗi năm, ước tính có khoảng nửa triệu con sam bị bắt để phục vụ cho ngành công nghiệp dược phẩm. Với mỗi con sam, người ta chỉ khai thác khoảng 30% lượng máu. Trong vòng 72 giờ, sam được đưa trở lại về biển và một tuần sau lượng máu của chúng sẽ phục hồi. Dù vậy, tỷ lệ sam chết trong quá trình khai thác máu lên đến 10-30%. Ngoài ra, việc khai thác quá mức để làm mồi câu cá cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái của loài sam.

Năm 1990, các nhà sinh vật học ước tính rằng có chừng 1,24 triệu con sam trong độ tuổi sinh sản ở vịnh Delaware và nguồn sam biển dồi dào này đã đem lại nhiều lợi nhuận cho các công ty dược. Tuy nhiên, đến năm 2002, con số đó đã giảm xuống chỉ còn 333.500 con. Đến năm 2019, số lượng sinh sản của con sam ở vịnh Delaware cũng chỉ dao động xung quanh khoảng 335.000 con.

Bên cạnh đó, sam biển còn là nguồn thức ăn quan trọng đối với các loài sinh vật, đặc biệt tại khu vực bờ Đông nước Mỹ. Số lượng cá bơn, cá vược sọc (vốn ăn trứng sam) cũng giảm mạnh trong nhiều năm qua do số lượng cá thể sam biển giảm mạnh. Sam biển cũng là thức ăn của một loài rùa lớp bò sát quý hiếm đang trên bờ tuyệt chủng có tên là Diamondback Terrapin và các loài chim di cư như dẽ lưng nâu hay dẽ khoang. Vậy nên, việc cá thể sam biển giảm mạnh cũng ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 30.000 con chim dẽ lưng nâu. Ước tính con số này sẽ còn gia tăng nếu số lượng sam biển vẫn tiếp tục giảm mạnh như những năm gần đây.

>> Báo cáo LHQ: 1 triệu loài (25% số loài còn lại) có nguy cơ tuyệt chủng

Vắc-xin phòng ngừa Covid-19 trong thời điểm hiện tại đang được rất nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm. Trên thực tế, việc tiến hành các cuộc thử nghiệm endotoxin cũng dẫn đến tình trạng chiết xuất máu sam “quá đà”. Cụ thể, công ty đa quốc gia hóa chất và công nghệ sinh học Lonza (trụ sở tại Thụy Sĩ) sẽ bắt đầu sản xuất vắc-xin COVID-19 bắt đầu từ tháng 7/2020 cho các thí nghiệm lâm sàng ở người. Họ cũng sẽ dùng amebocyte lysate để thử nghiệm. Vì vậy, ước tính theo dân số thế giới, sẽ cần khoảng 5 tỷ liều vắc-xin và thực hiện 600.000 xét nghiệm nhằm đáp ứng được lượng lysate được tạo ra trong một ngày. Rõ ràng, điều này có thể dẫn đến việc tuyệt chủng loài sam biển.

Sam bien 2 image
Máu sam biển đang bị chiết xuất “quá đà” nhằm điều chế vắc-xin phòng ngừa Covid-19. (Ảnh: Đại học Melbourne, Úc)

Hơn nữa, việc thu hoạch máu sam biển tốn rất nhiều thời gian và công sức, với khoảng 60.000 USD/gallon lysate. Để bảo vệ sam biển và và các loài sinh vật khác phụ thuộc vào chúng, các nhà bảo tồn và một số doanh nghiệp đã thúc đẩy những cuộc thử nghiệm nhằm tìm ra chất thay thế cho máu của sam biển. Năm 2016, công ty Lonza đã sử dụng nhân tố tái tổ hợp C (rFC) để sản xuất sản phẩm thử nghiệm thay thế máu sam. Họ cũng đăng ký bản quyền cho phát minh rFC của mình và đặt tên là PyroGene. Tuy nhiên, dược điển Mỹ (USP) lại không công nhận hợp chất trên bởi nó chưa đáp ứng được các yếu tố về độ an toàn như máu sam có trong tự nhiên.

Có thể khi chưa tìm ra giải pháp thay thế, các công ty dược vốn rất giàu có nên chăng bắt đầu đầu tư vào các dự án bảo tồn sam biển để tăng số lượng loài này lên? Bởi nếu sam biển quá khan hiếm, giá máu của chúng cũng sẽ tăng mạnh và rốt cuộc cả hệ sinh thái cũng như ngành dược phẩm sẽ lao đao.

>> Chuyên gia: Không dễ để thoát khỏi đại dịch COVID-19, kể cả có vắc-xin

Theo National Geographic,
Phan Anh