Sáng 9/11 theo giờ Việt Nam, bốn phi hành gia thực hiện sứ mệnh Crew-2 của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã trở về Trái Đất một cách an toàn trên tàu vũ trụ Crew Dragon của tập đoàn Space X sau 199 ngày làm việc trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).

Trái Đất
Tàu Crew Dragon đã đáp xuống vùng biển Vịnh Mexico ngoài khơi Florida. (Ảnh: NASA)

Cụ thể, tàu Crew Dragon đã đáp xuống vùng biển Vịnh Mexico ngoài khơi Florida theo đúng kế hoạch vào khoảng 10h30 (theo giờ Việt Nam) sau khi bay xuyên qua bầu khí quyển của Trái Đất. Chuyến hành trình trở về Trái Đất của 4 phi hành gia kéo dài 8 tiếng với 90 phút bay quanh ISS để phi hành đoàn chụp một loạt bức ảnh khảo sát. Bốn phi hành gia trên bao gồm 2 người đến từ NASA là Shane Kimbrough (54 tuổi) và Megan McArthur (50 tuổi), phi hành gia Akihiko Hoshide (52 tuổi) của Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản và phi hành gia Thomas Pesquet (43 tuổi) của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu. Cả 4 người này đã được đưa lên ISS hồi tháng 4.

Trong quá trình lưu trú ở ISS, họ thực hiện một loạt các cuộc đi bộ trong không gian để lắp đặt các bảng điện mặt trời nhằm nâng cấp hệ thống năng lượng cho trạm; trồng những quả ớt đầu tiên trong không gian, và thậm chí còn đón tiếp đoàn quay phim Nga.

Nhóm phi hành gia tiếp theo làm nhiệm vụ trong không gian là Crew-3 sẽ lên ISS sau thời gian trên, do tàu vũ trụ chở họ đã phải hoãn phóng 2 lần vì điều kiện thời tiết không thuận lợi. SpaceX hiện dự kiến cho tàu vũ trụ cất cánh sớm nhất vào tối 10/11. Với việc các phi hành gia Crew-2 trở lại Trái Đất trong khi nhóm Crew-3 chưa kịp lên ISS, bàn giao công việc sẽ được NASA thực hiện trực tuyến.

Sứ mệnh Crew-2 và Crew-3 nằm trong dự án hợp tác giữa NASA và Tập đoàn công nghệ SpaceX. Tháng 11/2020, NASA đã chính thức cấp giấy chứng nhận an toàn cho tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX, cho phép tàu này thực hiện các chuyến bay thường xuyên. Tập đoàn SpaceX và công ty Boeing đã được cấp tổng cộng 7 tỷ USD để xây dựng các hệ thống vận chuyển phi hành đoàn riêng biệt theo Chương trình Phi hành đoàn Thương mại – chiến dịch hàng đầu của NASA nhằm huy động doanh nghiệp tư nhân cho các nhiệm vụ của ISS và hạn chế sự phụ thuộc vào tên lửa Soyuz của Nga.

Theo NASA,

Phan Anh 

Xem thêm: