Nhà máy châu Âu đầu tiên của TSMC ở miền đông nước Đức đã tổ chức lễ khởi công vào ngày 20/8. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, với tư cách là công ty đi đầu trong ngành bán dẫn, việc TSMC chọn Đức làm cơ sở sản xuất ở châu Âu có ý nghĩa rất lớn đối với Đức.

p3529341a564402962
Nhà máy wafer bán dẫn Dresden của TSMC tại Đức đã tổ chức lễ khởi công vào ngày 20/8. (Ảnh: CNA Đài Loan)

Trong thông cáo báo chí ngày 20/8, TSMC chỉ ra rằng Nhà máy Sản xuất Chất bán dẫn Châu Âu (ESMC), một liên doanh giữa TSMC và Bosch, Infineon và NXP, đã hoàn thành buổi lễ khởi công nhà máy sản xuất tấm bán dẫn đầu tiên tại thành phố Dresden, Đức trong cùng ngày.

Trong buổi lễ, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Liên minh Châu Âu, thông báo rằng Ủy ban Châu Âu đã thông qua gói trợ cấp trị giá 5 tỷ euro (khoảng 5,57 tỷ USD) của Đức, nhằm hỗ trợ xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất tấm bán dẫn ESMC.

TSMC đang đầu tư khoảng 3,5 tỷ euro (3,9 tỷ USD) vào dự án ở Dresden này và sẽ sở hữu 70% cổ phần, trong khi nhà sản xuất chip Hà Lan NXP, Infineon và Bosch của Đức lần lượt sở hữu 10%.

Ông Ngụy Triết Gia (C.C. Wei), Chủ tịch TSMC, nói rằng năng lực sản xuất tiên tiến của TSMC sẽ được mang đến cho khách hàng và đối tác châu Âu, kích thích phát triển kinh tế địa phương và thúc đẩy phát triển công nghệ trên toàn châu Âu.

TSMC cho biết, sau khi ESMC đi vào hoạt động, dự kiến ​​sẽ sử dụng công nghệ bán dẫn oxit kim loại bổ sung phẳng (CMOS) 28/22nm và Transistor hiệu ứng trường vây 16/12nm (FinFET) của TSMC, với công suất sản xuất hàng tháng là 40.000 tấm bán dẫn wafer 12- inch.

Số tiền đầu tư ước tính vượt quá 10 tỷ euro (khoảng 11,15 tỷ USD), bao gồm việc bơm vốn cổ phần, va và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ EU và Đức.

TSMC cho biết, nhà máy sản xuất tấm bán dẫn mới dự kiến ​​sẽ tạo ra khoảng 2.000 cơ hội việc làm chuyên nghiệp công nghệ cao, và bắt đầu sản xuất trước cuối năm 2027. TSMC và các đối tác của họ có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tấm bán dẫn xanh, tận dụng công nghệ tiên tiến nhằm tăng cường bảo vệ tài nguyên.

Nhà máy ở Dresden sẽ chuyên sản xuất chất bán dẫn cho ngành công nghiệp ôtô hàng đầu của Đức, vốn đang trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất xe điện. Khoảng 10 tỷ euro đã được đổ vào dự án lớn này.

Trong đó, Chính phủ Đức đang hỗ trợ nhà máy Dresden 5 tỷ USD, và đã được EU miễn trừ các quy tắc về trợ cấp nhà nước cho hoạt động này.

Trong bài phát biểu tại lễ khởi công, trước tiên Thủ tướng Đức Olaf Scholz chào đón TSMC. Ông cho biết, với tư cách là công ty đi đầu trong ngành bán dẫn, việc TSMC chọn Đức làm cơ sở sản xuất ở Châu Âu có ý nghĩa rất lớn đối với Đức. Đây là cột mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Đức.

Thủ tướng Scholz chỉ ra rằng chất bán dẫn được mệnh danh là “dầu của thế kỷ 21”, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình số hóa và khử cacbon toàn cầu.

Đối với Đức, một cường quốc công nghiệp, việc đảm bảo vị trí dẫn đầu về các công nghệ chủ chốt trong tương lai là vấn đề chiến lược quốc gia cốt lõi. Vì vậy, việc đầu tư của Chính phủ Đức vào ngành bán dẫn không chỉ cần thiết, mà còn rất quan trọng.

Ông Scholz đặc biệt đề cập rằng thành phố Dresden là khu vực cốt lõi của ngành công nghiệp chip châu Âu. Việc TSMC thành lập nhà máy tại đây sẽ củng cố hơn nữa cụm sản xuất chất bán dẫn ở khu vực này. Nó sẽ giúp tăng cường tính độc lập của Đức và Châu Âu trong sản xuất chất bán dẫn, và giảm sự phụ thuộc của họ vào các khu vực khác.

Ông Scholz nhấn mạnh: “Chúng ta (EU) phụ thuộc vào chất bán dẫn để có các công nghệ bền vững trong tương lai,” nhưng “chúng ta không được phụ thuộc vào nguồn cung chip từ những khu vực khác trên thế giới.”

Thủ tướng Scholz nhắc lại rằng Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển ngành bán dẫn, và mở rộng năng lực sản xuất trong nước thông qua trợ cấp tài chính, nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh của châu Âu trên thị trường bán dẫn toàn cầu.

Công ty ESMC, liên doanh của TSMC với các nhà sản xuất địa phương lớn ở Đức, đã thu hút nhiều sự chú ý từ Liên minh châu Âu (EU). Thật trùng hợp, hai tàu chiến của Đức cũng đang chờ lệnh đi qua eo biển Đài Loan, để thực hiện các nhiệm vụ tự do hàng hải.

Vì vậy, một lượng lớn các nhà máy của Đức tham gia triển lãm có thể được coi là một dấu hiệu cho thấy sự tiến triển của mối quan hệ giữa Đức và Đài Loan.

Tờ Politico đưa tin, việc TSMC thành lập nhà máy là tin vui đối với Đức. Đây là thời điểm quan trọng để châu Âu tăng cường quan hệ với Đài Loan trong các công nghệ chủ chốt, nhưng họ lại phải đối mặt với nguy cơ từ Trung Quốc.

Vùng lãnh thổ Đài Loan có một ngành công nghiệp bán dẫn mạnh mẽ, phần lớn nhờ sự thống trị của TSMC. Nhưng chuỗi cung ứng trong ngành này rất dễ chịu tác động của các diễn biến địa chính trị. Vì thế, TSMC cần phải mở rộng hoạt động của mình bằng cách xây dựng các nhà máy ở những nơi khác trên thế giới.

Bình Minh (t/h)