Ứng dụng Tìm kiếm mới của Google: Phát triển ở Cali, sử dụng tại Trung Quốc
- Quốc Hùng
- •
Google thật khéo léo khi bỏ câu phương châm nổi tiếng “Đừng xấu xa” ra khỏi Bộ quy tắc ứng xử chính thức của mình, vì họ chuẩn bị làm những việc rất xấu trong tương lai không xa, nếu chúng ta tin vào một tin tức mới bị rò rỉ trên tờ The Intercept sau đây nói về ứng dụng tìm kiếm mới của hãng này.
Google đã dành hơn một năm nghiên cứu một ứng dụng Tìm kiếm mới cho các thiết bị chạy Android tại thị trường Trung Quốc, nhưng theo cách mà chính phủ Trung Quốc muốn. Nói cách khác, sau khi rút ra khỏi Trung Quốc vì không muốn chấp nhận những quy định kiểm duyệt ngày một tồi tệ tại đây, Google dường như đã sẵn sàng quay lại và phục tùng những yêu cầu của giới chức.
Dự án này có biệt hiệu là Chuồn chuồn (Dragonfly), nó được bí mật phát triển từ mùa xuân năm 2017 và tăng tốc sau tháng 12, thời điểm cuộc gặp giữa CEO của Google Sundar Pichai và “Kissinger Trung Quốc” – ông Vương Hộ Ninh – cố vấn ngoại giao hàng đầu của chủ tịch Tập.
>> 3 dấu hiệu cho thấy Google đang trở nên đen tối
Chỉ có vài trăm nhân viên của Google biết đến dự án này, một người sẵn lòng nói về dự án cho biết. Nguồn tin nói với tờ Intercept rằng “họ có những lo lắng về luân lý và đạo đức” liên quan tới vai trò của Google trong kiểm duyệt.
“Tôi phản đối việc các công ty lớn và các chính phủ bắt tay với nhau để đàn áp người dân, và cảm thấy công chúng có quyền được minh bạch những gì đang diễn ra,” nguồn tin cho biết, “những gì diễn ra ở Trung Quốc sẽ trở thành điển hình tiêu biểu cho nhiều quốc gia khác.”
Google muốn kiếm thêm nhiều tiền từ công cụ Tìm kiếm. Và với thị trường 750 triệu người dùng Internet ở Trung Quốc, phần lớn thông qua điện thoại di động với Android là hệ điều hành chủ yếu (chiếm 80% thị phần), thì việc Google muốn quay trở lại thị trường này là điều dễ hiểu. Nhưng không thể coi đây là một lý do hợp lý để Google giải thích cho sự nhượng bộ của hãng trước cường quyền.
Google thực ra đã làm ăn kinh doanh ở Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2010. Khi đó hãng cũng cúi đầu trước các quy định kiểm duyệt tại đây, và phải hứng chịu những chỉ trích nặng nề từ giới chức Mỹ quốc.
Ứng dụng mới đã được trình lên cho chính phủ Trung Quốc và đang chờ phê duyệt. Nó được phát triển ở California với sự trợ giúp từ các nhóm nhân viên Google đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Nhưng mỉa mai thay, một thành tựu của trí tuệ khắp nơi trên thế giới và được tạo ra tại Mỹ, lại sẽ phục tùng mọi ý chỉ của chính quyền Trung Quốc và kiểm duyệt bất kỳ nội dung nào không có lợi cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hệ thống Vạn lý Tường lửa nổi tiếng của chính phủ Trung Quốc đã lọc đi nhiều thông tin nhạy cảm ở các lĩnh vực khác nhau, trong số đó bao gồm các thông tin của người bất đồng chính kiến, tự do ngôn luận, các nội dung giới tính không lành mạnh, các sự kiện lịch sử quan trọng như cuộc Thảm sát Thiên An Môn năm 1989, màn xâm lược Tây Tạng, vấn đề Đài Loan, cuộc đàn áp lên các học viên Pháp Luân Công bắt đầu từ năm 1999, cũng như các công ty Hoa Kỳ như Instagram, Facebook, Twitter, báo New York Times và Wall Street Journal.
Ứng dụng tìm kiếm mới của Google sẽ tự động xác minh và lọc bỏ những nội dung bị chặn bởi tường lửa này. Các kết quả sau đó sẽ được hiển thị với dòng ghi chú “một số kết quả có thể bị loại bỏ nhằm tuân thủ các quy định của pháp luật.” Với một số từ khóa nhất định thậm chí chẳng có kết quả nào xuất hiện. Tính năng này sẽ được áp dụng xuyên suốt trên toàn bộ nền tảng Tìm kiếm của Google.
Tổ chức Ân xá Quốc tế lo ngại rằng động thái này của Google sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho Trung Quốc. Thêm vào đó, khả năng tạo ra các công cụ tìm kiếm có kiểm duyệt cho từng quốc gia của Google có thể gợi ý cho các chính phủ khác cũng yêu cầu được Google đối xử tương tự nếu muốn hoạt động tại đất nước họ.
Hiện vẫn chưa rõ khi nào ứng dụng này sẽ chính thức đi vào hoạt động, nhưng trưởng bộ phận tìm kiếm của Google Ben Gomes đã nói với các nhân viên tháng trước rằng họ phải chuẩn bị sẵn sàng để phát hành nó ngay khi nhận được thông báo, nếu “tình hình thế giới thay đổi đột ngột hay Tổng thống Donald Trump quyết định người bạn tốt nhất của ông ấy là Tập Cận Bình.”
Tuy nhiên cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã làm chậm kế hoạch phát hành của hãng, vì ứng dụng tìm kiếm này vẫn chưa được giới chức ở Bắc Kinh phê duyệt.
Vậy là sau khi Apple quỳ gối dâng dữ liệu người dùng iCloud Trung Quốc cho chính phủ, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg bợ đỡ giới chức để được mở văn phòng chi nhánh tại đây, giờ cũng tới lượt Google bị sóng cuốn theo dòng.
Đứng trước lợi ích quá lớn, cái gì là tự do ngôn luận, nhân quyền hay bảo mật cá nhân cũng đều không đáng một xu. Các ông lớn công nghệ như Apple, Google cuối cùng cũng không giữ nổi mình khỏi những yêu cầu phi nhân quyền của giới chức.
Điểm sáng duy nhất của câu chuyện này có lẽ là việc vẫn còn có một nhân viên của Google không thẹn với lòng mình mà dám đứng lên nói ra sự thật. Trong đoạn cuối phương châm hoạt động của mình, Google vẫn còn sót lại một chút thiện tâm mà viết rằng: “Hãy nhớ… đừng xấu xa, và nếu các bạn thấy điều gì đó không đúng – hãy lên tiếng!”
Đúng vậy, hãy lên tiếng trước những xấu xa, nếu không, chúng sẽ không bao giờ dừng lại.
Từ khóa google Android bộ máy tìm kiếm kiểm duyệt tại Trung Quốc