3 dấu hiệu cho thấy Google đang trở nên đen tối
- Quốc Hùng
- •
“Đừng trở nên xấu xa.” – Suốt từ năm 2000 cho đến nay, câu nói này luôn là phương châm cho mọi hoạt động của Google.
Thậm chí để thêm phần nhấn mạnh, người ta đã đặt nó làm câu đầu tiên trong Bộ quy tắc Ứng xử (Code of Conduct) của hãng. Thế nhưng thứ 6 vừa qua, trang công nghệ Gizmodo cho biết vào khoảng cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5, Google đã loại bỏ gần như toàn bộ cụm từ “đừng trở nên xấu xa” ra khỏi Bộ quy tắc Ứng xử của mình, chỉ còn để lại duy nhất ở câu cuối cùng.
Việc này nhìn thì có vẻ không lớn, nhưng nó cũng có thể được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy Google đang thay đổi các ưu tiên đạo đức của mình. Và nếu xét đến chuyện công ty này đang cung cấp quá nhiều thứ chứ không chỉ trả lời các câu hỏi quan trọng nhất (hay ngớ ngẩn nhất) của chúng ta, thì sự thay đổi này có thể đem đến những rắc rối cho tương lai nhân loại.
Hiện nay Google đang ở vị thế có thể chi phối cuộc sống của con người. Liệu công ty này sẽ sử dụng quyền lực đó cho cái tốt hay cái xấu? Dưới đây là ba dấu hiệu cho thấy cán cân đang lệch về vế thứ hai.
Dự án Maven
Giúp các thiết bị bay không người lái giết người thì chắc chắn không thể nằm về phía cái Thiện trong phạm trù đạo đức. Thật đáng tiếc là điều này lại là nội dung chính trong một dự án gần đây của Google.
Tháng 3 vừa qua, các thông tin về việc Google đang giúp Bộ Quốc Phòng Mỹ trong dự án Maven lần đầu xuất hiện trên mặt báo. Đây là sáng kiến sử dụng các thiết bị bay không người lái có cài đặt trí tuệ thông minh nhân tạo trong chiến tranh. Hàng ngàn nhân viên Google đã phản đối sự hợp tác này bằng một lá đơn thỉnh nguyện. Tuần vừa rồi một số thậm chí đã chọn cách nghỉ việc.
Tuy vậy, Google vẫn quyết tâm đi tiếp với dự án Maven. Các nhân viên của hãng đã nói với trang tin Engadget rằng, công ty dường như đang ngày càng quan tâm tới lĩnh vực quân sự trong khi dần bỏ ngoài tai những ý kiến của nhân viên.
Trí tuệ nhân tạo (AI) nói dối
Nói dối lại là một khái niệm đạo đức khác khó mà phân rõ được trắng đen, cũng là khía cạnh mà Google đang ngày càng trở nên phóng túng hơn. Các nhân viên của hãng nói với Engadget rằng Google không chỉ không chân thành với cấp dưới như trước kia, mà hãng còn không minh bạch trong quan hệ với công chúng.
Đầu tháng này, công ty đã cho chạy thử tính năng mới Duplex của trợ lý ảo Google Assistant – cho phép AI có thể thay mặt người dùng gọi điện thoại. Một số cáo buộc cho rằng các cuộc gọi thử có thể đã bị “làm giả” đã xuất hiện. Nhưng kể cả nếu không có chuyện này thì vẫn có những ý kiến cho rằng công nghệ này là lừa đảo, vì AI này chưa bao giờ tự nhận mình không phải là con người trong toàn bộ quá trình gọi thử.
“Thử nghiệm của Google chính xác là được thiết kế ra để lừa người,” Thomas King, một nhà nghiên cứu tại Phòng Thí Nghiệm Đạo Đức Số của Viện Internet Oxford đã nói với trang tin TechCrunch khi đề cập đến lần gọi thử này. “Ngay cả khi họ không có ý định cho phép AI lừa dối, bạn vẫn có thể nói rằng họ đã cẩu thả vì không đảm bảo chắc chắn rằng nó không nói dối.”
Yossi Matias, phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật của Google đã nói với CNET sau cuộc gọi thử rằng máy tính sẽ “có thể” cho mọi người biết rằng nó là một AI khi phần mềm được phát hành ra công chúng. Chúng ta sẽ chờ xem liệu điều này có xảy ra hay không.
>> Nhà đầu tư nổi tiếng George Soros gọi Facebook, Google là hiểm họa cho xã hội
Cuốn sổ cái Ích kỷ
Cuối tuần rồi, trang tin công nghệ The Verge đã tiếp cận được với một video lưu hành nội bộ của Google năm 2016. Với tựa đề “Cuốn sổ cái Ích kỷ“, đoạn video này đã phác họa ra một tương lai trong đó Google không chỉ thu thập thông tin của người dùng, mà còn dùng những dữ liệu đó với mục đích cuối cùng là kiểm soát hành vi con người.
Khi The Verge muốn Google bình luận về chuyện này, người phát ngôn của hãng không phủ nhận hành vi đáng sợ này, nhưng tuyên bố rằng toàn bộ chỉ là trên lý thuyết.
“Chúng tôi hiểu rằng nó gây ra lo lắng – nó vốn được thiết kế như vậy. Đây là một thử nghiệm tưởng tượng của nhóm Thiết kế một năm trước đây. Họ đã sử dụng một kỹ thuật có tên ‘thiết kế suy đoán’ để khám phá những ý tưởng và khái niệm không dễ chấp nhận, từ đó kích thích tranh cãi và thảo luận. Nó không hề liên quan đến bất kỳ sản phẩm hiện tại hoặc tương lai nào của chúng tôi.”
Tuy vậy, thật khó để biết Google làm cách nào để tạo ra Sổ cái Ích kỷ. Thêm vào đó, video kể trên nói rằng mục tiêu của nó là khiến hành động của mọi người tuân thủ theo “các giá trị của Google”, như tôn trọng và bảo vệ môi trường. Nếu các giá trị của Google thay đổi, thì đó cũng sẽ là hướng đi mà Sổ cái Ích kỷ muốn người dùng phải theo.
Tất nhiên, Google vẫn còn có rất nhiều các dự án nghiêng về phía “tốt đẹp” của cán cân: công ty đang ủng hộ tài lực và vật lực cho các dự án bảo vệ môi trường, trao cho trẻ em các cơ hội học tập và hỗ trợ những cộng đồng đang chịu thiệt thòi khó khăn.
Tuy vậy, Google lại quá quyền lực đến nỗi nếu nó quyết định từ bỏ phương châm “Đừng xấu xa”, thì không ai có thể biết được thiệt hại nó có thể gây ra sẽ thảm khốc tới mức độ nào? Lúc này, hãy cùng hy vọng rằng thuận theo đà phát triển, lương tâm của Google sẽ không mai một.
Theo Futurism
Quốc Hùng
Từ khóa mặt tối của công nghệ google đạo đức kinh doanh