Vì sao ‘Bom mẹ’ thả xuống Afghanistan lại được kích nổ cách mặt đất 2m?
Thứ Năm, ngày 13/4, Hoa Kỳ đã ném một quả bom khổng lồ có biệt danh “Bom mẹ” vào một khu vực của IS ở Afghanistan.
Trái bom “khổng lồ” này được quân đội Mỹ gọi là GBU-43 hay MOAB (Massive Ordnance Air Blast Bomb) nặng tới gần 10 tấn và có khả năng tạo ra bán kính vụ nổ tới 1,6 km. Theo trang thông tin quân sự Deagel, mỗi quả MOAB trị giá khoảng 16 triệu đôla.
Quá trình kích hoạt nổ “Bom mẹ”
Bom MOAB được bọc trong một lớp bảo vệ, và đưa lên máy bay vận tải như C-130. Khi khoang hàng hóa mở ra trên không, dù sẽ bung ra kéo quả bom rời khỏi máy bay và rơi tự do xuống đất.
Trong quá trình rơi, “bom mẹ” sẽ nhanh chóng tách ra khỏi lớp bảo vệ và mở các vây định hướng dạng lưới ở phần đuôi. Được điều khiển bởi máy tính và hệ thống GPS, những vây này giúp quả bom bay đúng hướng nhắm tới mục tiêu đã định trước. Trong trường hợp vừa qua, mục tiêu là hệ thống đường hầm ngầm của IS, theo thông tin từ Bộ quốc phòng Hoa Kỳ.
Nhưng quả bom chưa rơi xuống đến mặt đất thì đã phát nổ rồi. Điều này không phải quá xa lạ trong giới khoa học vũ khí, các vũ khí lớn khác, như bom nguyên tử, cũng được cho phát nổ trên không trước khi chạm tới mặt đất. Quả bom MOAB rơi xuống cách mặt đất khoảng 2m thì được cho nổ và giải phóng sức công phá tương đương với 11 tấn TNT.
Vì sao không để “Bom mẹ” phát nổ khi chạm mặt đất?
“Một yếu tố quan trọng của bom MOAB là nó gây ra siêu áp suất,” Adam Lowther, giám đốc Trường nghiên cứu Ngăn chặn Hạt Nhân Cao cấp thuộc Không Lực Hoa Kỳ cho biết.
“Siêu áp suất” là một thuật ngữ chỉ sự tăng vọt áp suất không khí mà sóng xung kích của quả bom gây ra. Sự thay đổi áp suất phát ra từ quả bom theo mọi hướng, phá hủy tất cả mìn, đường hầm hay cơ thể người trong phạm vi của vụ nổ.
Nếu bom MOAB phát nổ ngay trên mặt đất, rất nhiều sóng xung kích sẽ được đất hấp thụ, và hố bom sẽ rất nhỏ. Đất khó dịch chuyển hơn không khí rất nhiều, vì thế năng lượng sẽ bị tản mất trước khi có thể lan tỏa đi xa.
Tất nhiên, một quả bom có sức công phá khổng lồ như MOAB thì vẫn sẽ gây rất nhiều thiệt hại cho dù được phát nổ trên mặt đất, nhưng các kỹ sư vũ khí đã vận dụng các nguyên lý sóng phản xạ để tăng cường khả năng hủy diệt của các loại bom này.
Khi một quả bom phát nổ trong không khí, sóng xung kích sẽ vẫn phát ra theo mọi hướng, kể cả hướng đi xuống. Nhưng các sóng đi xuống này sẽ dội trở lại khi chúng gặp mặt đất, sau đó di chuyển trở lại qua khu vực chân không nóng bỏng ở tâm quả bom mà vụ nổ vừa tạo ra tíc tắc trước.
Trong vùng chân không nóng, sóng xung kích sẽ di chuyển nhanh hơn, và sóng dội lại có thể bắt kịp với các sóng tỏa lên trên và theo hướng ngang do vụ nổ ban đầu gây ra. Khi kết hợp lại, chúng tạo ra sóng kép (Mach Stem) có thể nhân đôi sức công phá của vụ nổ ban đầu.
Tác động này mở rộng đáng kể phạm vi sát thương của quả bom và tạo ra áp suất lớn hơn lên mặt đất, có thể gây sập hầm hoặc kích nổ mìn dưới đất mà không bị phí phạm năng lượng vào việc đào hố bom.
Bom MOAB không phải là chất nổ duy nhất được kích hoạt trong không trung, các quả bom nguyên tử cũng được kích hoạt hàng km phía trên mục tiêu.
Phải tốn rất nhiều nghiên cứu và tính toán chi li để tạo ra những vũ khí hủy diệt lớn như vậy.
Video về quá trình khai nổ “Bom mẹ”:
Theo Business Insider,
Phong Trần tổng hợp
Xem thêm:
Từ khóa vụ khí quân sự bom mẹ bom MOAB