Khi nào thì Tổng thống Mỹ có thể kích hoạt bom nguyên tử?
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, và kể cả sau khi Donald Trump đã giành phần thắng, một câu hỏi xuất hiện phổ biến trên mạng (kèm theo nhiều lo lắng), đó là: “Có cơ chế nào để ngăn cản tổng thống Mỹ khởi động một cuộc chiến tranh hạt nhân hay không?”
Thật ra, câu hỏi này đã hiểu nhầm logic của hệ thống ra lệnh kích hoạt bom nguyên tử của Mỹ. Hoàn toàn bị ngược.
Phát ngôn dưới đây của Không lực Hoa Kỳ (USAF) ngày 17/11/2016 đã tóm gọn quy tắc trong vấn đề bom nguyên tử:
“‘Trong việc cung cấp cho tổng thống Hoa Kỳ khả năng phóng tên lửa xuyên lục địa, ‘luôn luôn sẵn sàng’ là một câu nói giảm nhẹ.”
Mục đích chính của hệ thống ra lệnh và kiểm soát của Mỹ là để đảm bảo rằng tổng thống, và chỉ có tổng thống có thể ra lệnh chiến tranh hạt nhân, bất cứ khi nào ông cần. Vấn đề là trao quyền lực cho ông, chứ không phải là kiểm soát và hạn chế ông.
Cựu Phó tổng thống Dick Cheney năm 2008 đã nói:
“Tổng thống Hoa Kỳ trong 50 năm nay được theo sát 24/7, bởi một sĩ quan mang quả bóng chứa mã của bom nguyên tử mà tổng thống có thể dùng và được trao quyền để dùng trong trường hợp có tấn công hạt nhân vào nước Mỹ.
Ông có thể phát động một đòn tấn công hủy diệt mà thế giới chưa từng thấy. Ông không cần phải hỏi lại ai, không cần gọi cho Quốc hội, không cần qua tòa án.”
Điều này không hề mới, nó đã được thông qua từ thập niên 1940. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cảm thấy sốc khi nghe tới, thậm chí cả trong tầng lớp trí thức.
Vì sao chỉ một mình tổng thống?
Theo tác giả Alex Wellerstein của trang nuclearsecrecy.com, tài liệu Nuclear Command Authority (tạm dịch: Quyền chỉ huy bom nguyên tử) cho thấy tổng thống Mỹ sẽ được Bộ quốc phòng, quân đội… cố vấn tối đa. Nhưng đó cũng chỉ dừng lại ở việc cố vấn, toàn bộ hệ thống được thiết lập sao cho một khi lệnh của tổng thống đã được xác nhận chính xác, sẽ chỉ tốn vài phút để phóng tên lửa.
Vậy tại sao chỉ có một mình tổng thống? Sao không là một hội đồng hay ít ra là hai người? Sao không thông qua giấy tờ gì đó trước khi ra lệnh?
Để hiểu vấn đề này, chúng ta cần nhìn lại lịch sử một chút. Vấn đề nằm ở quyền lực theo Hiến pháp và bản chất chính trị hoàn toàn của quả bom. Giữa 1945, tranh cãi nổ ra trong các tướng Hoa Kỳ về việc chốt lại mục tiêu cuối cùng để thà 2 quả bom nguyên tử ở Nhật Bản. Khi đó, tổng thống Truman đã quyết định rằng văn phòng của ông sẽ chịu trách nhiệm về quả bom và việc sử dụng chúng, chứ không phải quân đội. Đó không phải là “vũ khí quân sự,” mà là vũ khí chính trị hoàn toàn, và cần được quyết định bởi văn phòng chính trị hoàn toàn: tổng thống. Người ta tin rằng chỉ một công dân được bầu lên mới có quyền dùng đến vũ khí này. Như Truman đã viết năm 1948:
“Tôi không nghĩ chúng ta nên dùng thứ này trừ khi thực sự bị bắt buộc. Phải ra lệnh dùng nó là một điều kinh khủng, sức tàn phá kinh khủng, tàn phá vượt xa bất kì điều gì từng tồn tại. Anh phải hiểu rằng đây không phải là vũ khí quân sự. Nó dùng để xóa sổ phụ nữ và trẻ em và người không có vũ khí, và không phải dành cho quân sự. Vì thế chúng ta phải đối xử với thứ này khác biệt so với súng trường và đại bác hay những vũ khí bình thường khác.”
>> Nội tình cuộc chiến “hạt nhân” Tập Cận Bình: Từ “hạt nhân” đến tổng thống?
“Quả bóng” và người sĩ quan canh giữ
Đến thời Kennedy, để tăng thêm sự kiểm soát khi bắt đầu xử lý tranh chấp bằng hạt nhân, chính quyền đã yêu cầu vũ khí này phải có bộ phận điều khiển điện tử tiên tiến, người không có mật mã sẽ không thể khởi động. “Sự kiểm soát” ở đây chủ yếu là để đảm bảo rằng tổng thống, và chỉ có tổng thống mới là người cuối cùng ra quyết định về quả bom.
Cũng có người đặt câu hỏi: lỡ người sĩ quan mang “quả bóng” tự ý ra lệnh khai hỏa tên lửa hạt nhân thì sao? Nhất là khi không có ai khác giám sát anh ta.
“Quả bóng” thật ra là một máy tính đặc biệt, khi nhập “mã” vào, nó sẽ bắt đầu quá trình đếm ngược để khai hỏa vũ khí.
Nhiệm vụ của người giữ quả bóng là giúp cho tổng thống Mỹ thực hiện cuộc tấn công hạt nhân. Người sĩ quan này sẽ không xét đoán để hiểu “bức tranh toàn cảnh”, lý do mà tổng thống muốn sử dụng vũ khí này – anh ta không phải tướng lĩnh quân đội hay người hoạch định chính sách. Anh ta cứ làm việc của mình mà thôi, đó là điều mà anh ta được chọn để thực hiện.
Vậy người lính này có đặt câu hỏi hay bất tuân mệnh lệnh của tổng thống hay không? Điều này có thể xảy ra. Năm 1973, thiếu tá Harold Hering bị sa thải vì đã hỏi, “Làm sao tôi biết mệnh lệnh khai hỏa tên lửa đến từ tổng thống với tâm thần bình thường?”
Lý do cho nghỉ việc không phải là anh dám nghi ngờ sức khỏe tâm thần của tổng thống, mà là vì, khi anh bắt đầu nghi ngờ về mệnh lệnh thì sự khả tín của cả hệ thống nguyên tử bị lung lay. Toàn bộ logic của hệ thống này, đó là ý chí của tổng thống là mệnh lệnh. Nếu người giữ “quả bóng” đặt câu hỏi mệnh lệnh, toàn bộ kế hoạch chiến lược tinh xảo này sẽ sụp đổ.
Tóm lại, nếu có cơ chế nào để hạn chế tổng thống khỏi vũ khí hạt nhân, thì đó chính là cuộc bầu cử tổng thống: Đừng bầu cho người bạn không tin tưởng. Đây cũng là một chủ đề được đưa ra trong nhiều cuộc tranh cử ở Mỹ, kể cả cuộc tranh cử 2016.
>> Thế giới chọn Clinton, người Mỹ chọn Trump
Dù sao đi nữa, chúng ta có thể hy vọng, ngay cả một người ít hiểu về chính trường, chiến lược quân sự… cũng sẽ nhận thức ra được rằng lợi ích của nước Mỹ, hay cả nhân loại, sẽ tốt đẹp hơn nếu Mỹ không bao giờ dùng đến nước cờ hạt nhân này.
Từ khóa bầu cử tổng thống Mỹ bom hạt nhân lịch sử Tổng thống Mỹ