Ngày 5/6, Microsoft vừa ra thông báo chính thức mua lại công ty GitHub sau nhiều đồn đoán.

microsoft github love.0
(ảnh qua theverge)

Đây là thương vụ mua lại lớn thứ hai của CEO Satya Nadella, sau khi ông thâu tóm LinkedIn 2 năm trước đây với giá 26,2 tỷ đô la. Năm 2015, GitHub được định giá 2 tỷ đô, và Microsoft sẽ trả 7,5 tỷ đô la dưới dạng cổ phiếu cho công ty này và khép lại thương vụ vào nửa cuối năm nay.

Nếu bạn là một người sành sỏi trong thế giới công nghệ rộng lớn, bạn hẳn sẽ chẳng lạ lẫm chút nào khi nghe tới tên hai công ty này. Nhưng nếu không phải là một lập trình viên, bạn sẽ khó biết được GitHub là ai. Vậy công ty này đang làm gì, và tại sao Microsoft lại bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ để mua lại nó.

Sơ lược về GitHub

github logo
(ảnh qua omgubuntu.co.uk)

Nói đơn giản, GitHub là một trang web và một dịch vụ tập trung cho phép các nhà phát triển phần mềm lưu trữ các đoạn code (mã lập trình) của mình. Hãng cung cấp công cụ để các lập trình viên từ khắp nơi trên thế giới thay đổi các đoạn code được lưu trữ tại đây mà không lo bị dẫm chân lên nhau. Chưa hết, tất cả những tính năng này hoàn toàn miễn phí, chỉ với một điều kiện duy nhất: Bạn phải cho mọi người xem đoạn code của mình một cách công khai, nói cách khác là biến nó thành một nguồn mở (open source).

Cũng giống các sản phẩm sách truyện và phim ảnh kỹ thuật số, người ta có thể dễ dàng vi phạm bản quyền và sao chép các phần mềm. Nhưng rất nhiều các nhà phát triển và công ty phần mềm kiếm tiền bằng cách bán các sản phẩm đã hoàn thiện của mình, vậy nên điều then chốt đối với họ là giữ bí mật được đoạn code – bởi nếu lộ ra thì bất kỳ ai với một số kiến thức cơ bản cũng có thể tạo ra được một bản sao của sản phẩm mà công ty họ đã hoàn thiện. Tất cả những người dùng “chùa” phần mềm đều khiến các công ty này chịu thiệt hại về doanh thu.

Các phần mềm mã nguồn mở cấp tiến hơn nhiều mô hình kinh doanh kiểu truyền thống này, vì một khi công khai đoạn code cho bàn dân thiên hạ, bạn không còn cách nào ngăn ai đó lấy nó về miễn phí rồi dựng lên một bản sao. Tuy nhiên, bạn sẽ bảo vệ nó một cách hợp pháp – GitHub hỗ trợ một loạt các giấy phép (license) cho phép các nhà phát triển phần mềm đặt ra giới hạn cho việc sử dụng đoạn code của họ. Người chủ có thể giới hạn không cho phép người mượn sử dụng đoạn code cho mục đích thương mại, hoặc yêu cầu các phần mềm sử dụng code của họ cũng được chia sẻ miễn phí theo cách tương tự.

Tuy nhiên, không có cách nào kể trên ngăn mọi người học hỏi từ đoạn code của bạn và tự viết nên phiên bản của riêng họ, hoặc ăn cắp hoàn toàn nó. Nếu không muốn điều này xảy ra, bạn phải giữ cho mã nguồn của bạn ở chế độ riêng tư, và GitHub cho phép làm điều này với điều kiện bạn phải trả phí.

>> Tại sao các CEO vĩ đại không bao giờ có người kế vị vĩ đại?

Điều này tạo cho các nhà phát triển phần mềm, đặc biệt là những người không dư dả, một lựa chọn thú vị. Bằng cách đi con đường mã nguồn mở, họ có thể sử dụng GitHub một cách miễn phí. Còn nữa, GitHub cho phép bất kỳ ai trên thế giới đề xuất những thay đổi và sửa lỗi cho bộ code mở của bạn. Bạn không cần phải chấp nhận những thay đổi này nếu không muốn, nhưng rất có thể một người nào đó trên thế giới sẽ tìm ra được một lỗi mà bạn không thể, hoặc thậm chí là thêm một tính năng mới sau khi họ tự mình trải nghiệm phần mềm của bạn. Nhược điểm là bạn mất kiểm soát đối với phần mềm của mình. Bất kể bạn đặt ra các luật lệ như thế nào đi nữa, vẫn sẽ có ai đó tìm ra được cách tạo ra một bản sao của phần mềm đó.

Tuy nhiên, bán phần mềm theo kiểu truyền thống chỉ là một trong nhiều cách để kiếm tiền – và người ta vẫn tranh luận rằng đây là một cách không hay vì nó khiến cho phần mềm của bạn trở nên khan hiếm trên thị trường một cách nhân tạo và đặt bạn vào một cuộc chạy đua vũ trang với “cướp biển” (những tên ăn trộm/bẻ khóa phần mềm).

GitHub, ngược lại, kiếm tiền bằng nhiều cách khác. Công ty này làm chủ một nền tảng nơi các công ty phải trả tiền để đăng bài, và bán các công cụ lập trình mà không phải tất cả mọi người đều cần dùng đến. Ngoài ra còn có một loại “thuế riêng tư” – chính là cái giá mà GitHub sẽ tính lên những nhà phát triển muốn sử dụng các công cụ của trang web nhưng không muốn hoặc không thể đi con đường mã nguồn mở. Thay vì bán một thứ gì đó, GitHub kiếm tiền từ dịch vụ nhờ sở hữu vị thế độc nhất vô nhị trong việc cung cấp một nền tảng đảm bảo và phổ biến cho giới lập trình viên.

Tại sao Microsoft lại muốn công ty này?

microsoft github
(ảnh: Microsoft)

Trong quá khứ, Microsoft không mấy mặn mà với ý tưởng mã nguồn mở, thậm chí là phản đối. Hệ điều hành Windows từ lâu đã là con gà đẻ trứng vàng cho công ty trị giá nhiều tỷ đô này. Bill Gates đã có cách tiếp cận cứng rắn với mô hình mã nguồn mở trong điện toán từ những năm 1976. Khi ấy trong bức thư có tựa đề “Bức thư mở tới Những người yêu thích [máy tính]”, ông đã điểm lại tất cả những lý do việc xài “chùa” mồ hôi công sức lập trình của người khác sẽ khiến mọi thứ phát triển chậm lại.

Nhiều thập kỷ sau sự kiện ấy, bức tranh thế giới điện toán đã thay đổi rất nhiều. Microsoft cũng vậy. Với Windows 10, công ty đã gần như từ bỏ việc tính phí cho sản phẩm phần mềm chủ đạo của mình, một phần là do áp lực của Apple khi cho phép khách hàng nâng cấp hệ điều hành OS X miễn phí, và một phần khác là do áp lực nhỏ hơn nhưng thường trực hơn của những giải pháp hệ điều hành nguồn mở miễn khí khác như Linux. Cùng lúc đó, điện toán đám mây cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn. Rất nhiều việc bạn làm trên máy tính không thực sự diễn ra trong cái thùng máy nằm trên bàn của bạn, mà diễn ra tại một máy chủ cách xa bạn hàng ngàn km.

>> Tương lai của Microsoft sẽ tập trung vào AI và “đám mây”

Khi khả năng kiếm tiền từ việc bán hệ điều hành Windows giảm sút, và khi Windows 10 đang trở thành một hệ điều hành Forerver OS (hệ điều hành mãi mãi) được nâng cấp liên tục thay vì chuyển sang một hệ điều hành “Windows 11” mới, thì tất yếu là Microsoft phải ngày càng hứng thú hơn với những trải nghiệm mã nguồn mở. Và sự thực là họ sớm đã bắt đầu thể hiện sự quan tâm này, khi đối xử nhiệt tình với những nhà phát triển mã nguồn mở và cố gắng tạo điều kiện cho họ sử dụng Azure – hạ tầng điện toán đám mây của mình. Công ty đã khai tử đối thủ của GitHub do chính mình đẻ ra – Codeplex – vào tháng 12 năm ngoái và giờ là một trong những công ty đóng góp nhiều nhất trên GitHub với hơn 1.000 nhân viên thường xuyên gửi code.

ma code
(ảnh: Flickr/Christian Colen)

Sự chuyển dịch này phản ánh một xu hướng mà những công ty như GitHub đã và đang đi – miễn phí các phần mềm, và kiếm tiền bằng dịch vụ từ khách hàng mà Windows mang đến. Còn có những tin đồn cho rằng bản thân hệ điều hành Windows cũng có thể chuyển sang mã nguồn mở.

Khó có thể dự đoán chính xác Microsoft sẽ làm gì với GitHub, và rất nhiều các lập trình viên đang hướng ánh mắt nghi ngại đến thương vụ này. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử mua lại Minecraft và LinkedIn của hãng, thì công ty này sẽ không làm điều gì đó quá đáng tới mức hủy đi những thứ mà mọi người đang sử dụng.

Trong cả hai thương vụ kể trên, Microsoft dường như sẵn sàng để cả hai phần mềm gần như y nguyên, ngoại trừ việc bổ sung một số tính năng mới kết nối người dùng tới một số dịch vụ của  Microsoft.

CEO của Microsoft Satya Nadella vỗ về các lập trình viên: “Khi nói đến cam kết của chúng tôi với mã nguồn mở, hãy đánh giá chúng tôi bằng những hành động chúng tôi đã làm gần đây, những hành động chúng tôi hôm nay, và trong tương lai.”

Minecraft (Microsoft vẫn để cho nó tồn tại trên nền tảng PS4 của Sony và cạnh tranh với chính Xbox One của Microsoft) có thêm một phiên bản mới tối ưu hơn chạy trên Windows 10. LinkedIn chính thức được tích hợp vào một số phần mềm của Microsoft. Với GitHub, dường như mục tiêu của Microsoft sẽ là để kết nối nền tảng phổ biến này với nền tảng lập trình cũng rất phổ biến khác là Visual Studio của chính hãng, từ đó âm thầm lặng lẽ đưa càng ngày càng nhiều người hơn tới hệ sinh thái đang phát triển của mình.

Microsoft đang biến thương vụ này thành bàn đạp cho hệ sinh thái dịch vụ rộng lớn hơn của mình, một dạng khu vườn không có tường bao. Câu hỏi lớn nhất còn lại là Microsoft sẵn sàng đi xa tới đâu trong thế giới mã nguồn mở này.

Theo Popular Mechanics/The Verge
Quốc Hùng tổng hợp