Google Earth: Nhiều công trình cổ đại nổi tiếng trên Trái Đất đều nằm trên một đường thẳng
Đảo Phục Sinh, các kim tự tháp Ai Cập, các hình vẽ trên cao nguyên Nazca ở Peru, quần thể đền đài Ăng-co-vát (Angkor Wat)… Hãy tưởng tượng một đường thẳng địa lý kỳ bí kết nối nhiều địa danh trọng yếu của thế giới cổ đại. Trên thực tế, khi các địa danh chủ chốt được đánh dấu trên quả địa cầu, một vòng tròn gần như hoàn hảo sẽ xuất hiện, cho thấy một bí ẩn vẫn chưa có lời giải thông qua khám phá khảo cổ.
Một danh sách đáng kinh ngạc các di chỉ văn hóa quý báu của Trái Đất có thể được tìm thấy trên vòng tròn bí ẩn này khi nó đi qua các hòn đảo nhỏ, một số lục địa, và ngay cả các vị trí tiềm năng của những địa danh trong huyền thoại.
Ở châu Phi, vòng tròn này đi qua cao nguyên Tassili trên sa mạc Sahara, các kim tự tháp Ai Cập, và lên phía trên qua các địa danh chủ chốt dọc theo các con sông Tigris, Euphrates và Nin—ba dòng sông có ảnh hưởng lớn nhất thời cổ đại. Khi tiếp tục lần theo đường vòng cung này, bạn sẽ đến kinh đô Persepolis của Đế quốc Ba Tư cổ đại, thành phố cổ Mohenjo-Daro, đền thờ thần Ammon trên ốc đảo Siwa, và thành phố bị thất lạc Petra—một trong bảy kỳ quan mới của thế giới cổ đại.
Tiếp tục đi dọc theo con đường này bạn sẽ đến thành phố Ur của nền văn minh Sumer cổ đại, quần thể đền đài Ăng-co-vát (Angkor Wat) ở Campuchia và Thái Lan, vùng Biển Chết ở gần Địa Trung Hải, dãy núi Himalaya, sông Tiền Đường ở tỉnh Chiết Giang – Trung Quốc, và khu di tích được một số người nhìn nhận là lục địa Atlantis trong huyền thoại. Điều đáng kinh ngạc là đường tròn bí ẩn này đã liên kết các địa danh này trong một khoảng sai số không vượt quá 1/10 của một độ vĩ độ, với tâm vòng tròn đặt ở miền đông nam bang Alaska, Mỹ.
Trong bài viết “Trật tự sắp xếp của các kỳ quan thế giới thời tiền sử”(“The Prehistoric Alignment of World Wonders”), tác giả Jim Alison đã mô tả rất chi tiết nhiều cách hoán vị toán học được tìm thấy bên trong vòng tròn lớn này và các địa danh liên kết với nhau trong đó. Ông viết: “Có thể dễ dàng quan sát trật tự sắp xếp của các địa danh này trên một quả địa cầu mô phỏng Trái Đất thông qua một đường tròn chân trời. Kết nối hai địa danh bất kỳ trên đường tròn chân trời, ta sẽ đồng thời kết nối tất cả các địa danh này trên đường tròn đó. Có thể sử dụng các chương trình phần mềm vẽ bản đồ thế giới 3D để vẽ minh họa vòng tròn lớn này quanh Trái Đất”.
Vậy vòng tròn này biểu thị điều gì?
Nhiều người nói rằng những kết nối này cho thấy người cổ đại đã sở hữu một lượng tri thức rộng lớn hơn nhiều so với hiểu biết hiện nay của chúng ta. Những người khác lại cho rằng vì tâm vòng tròn đặt ở Alaska (trên Canada, gần Bắc cực), nên trật tự sắp xếp của nó có thể đã miêu tả vị trí các cực của Trái Đất trước khi chúng được dịch chuyển đến vị trí hiện tại.
Ngoài các giả thuyết và phỏng đoán, một điểm chung giữa các địa danh này là tại mỗi khu vực đều tọa lạc các công trình kiến trúc rất tinh xảo. Một số địa danh trên vòng tròn này biểu thị một trình độ công nghệ vượt bậc mà cho đến nay các nhà nghiên cứu hiện đại vẫn chưa thể giải thích.
Các kim tự tháp Ai Cập, thành phố Petra, pháo đài Ollantaytambo, và những nơi khác trên vòng tròn này thể hiện những kỹ nghệ điêu luyện tiếp tục làm chấn động và truyền cảm hứng cho nhân loại ngày nay. Hiệu ứng tương tự cũng có thể được tìm thấy trên cao nguyên Nazca, Peru. Ngôi làng cổ đại này vẫn tiếp tục làm chấn động các nhà nghiên cứu trước cách thức và nguyên nhân những thổ dân thời kỳ tiền Colombo tạo ra hơn 300 hình vẽ khổng lồ trên vùng đất Peru. Cũng giống như chính vòng tròn liên kết khổng lồ, các hình vẽ biểu thị các loài khỉ, chim, nhện, và các loài động vật khác được phát hiện trên cao nguyên Nazca nổi tiếng chỉ có thể được quan sát rõ ràng tại một độ cao đáng kể so với mặt đất. Trong hoàn cảnh không có những cỗ máy bay hiện đại, làm thế nào và vì lý do gì những con người cổ đại này đã tạo nên những mẫu hình to lớn đến như thế?
Và những đường thẳng khác…
Vào những năm 1920, nhà sưu tầm đồ cổ nghiệp dư Alfred Watkins đã quan sát thấy các địa danh linh thiêng ở Anh nằm đúng trên một chuỗi các đường thẳng liên kết với nhau, mà ông gọi là “các đường Ley” (“ley lines”). Khi được vẽ trên một tấm bản đồ, các vòng tròn đá, đài tưởng niệm, và các khu vực định cư cổ đại được xếp ngay ngắn thành hàng dọc khắp đất nước. Kết quả quan sát đã khiến một số người tin rằng những đường thẳng này tượng trưng cho một hệ thống phong thủy được con người cổ đại sử dụng để xác định vị trí xây dựng các công trình kiến trúc khác nhau.
Rất giống với các đường kinh mạch trong cơ thể, những người nghiên cứu các đường Ley này đã nhấn mạnh rằng Trái Đất cũng có hệ thống kinh mạch của riêng mình.
Nếu những con người cổ đại đã thực sự sử dụng một hệ thống như vậy để thiết lập vị trí xây dựng, thì bằng cách nào họ xác định được vị trí đặt các đường thẳng? Hơn nữa, phải chăng vị trí của các địa danh được tìm thấy trên vòng tròn lớn này cũng chịu nhận ảnh hưởng của các nguyên lý phong thủy kỳ bí, nhưng trên một phạm vi rộng lớn hơn? Bởi vì các địa danh trên có liên quan đến một số nền văn hóa vốn không đươc biết có bất kỳ mối liên hệ nào với nhau, chúng ta sẽ phải xem xét đến khả năng chúng chỉ đơn thuần phản ứng trước một hệ thống vượt quá sự hiểu biết hiện tại.
Bạn có thể xem vòng tròn đi qua 4 điểm chính: Đảo Phục Sinh, kim tự tháp Ai Cập, các hình vẽ trên cao nguyên Nazca ở Peru, quần thể đền đài Ăng-co-vát rõ hơn trong video dưới đây: (từ đầu đến 2:46)
Từ khóa Angkor Wat Petra kim tự tháp Ai Cập cao nguyên Nazca Google Earth Những di chỉ đá kể câu chuyện về các nền văn minh cổ đại bí ẩn văn minh cổ đại