Theo ước tính sơ bộ, trong 10 tháng năm 2024, các doanh nghiệp Việt Nam đã chi gần 1,38 tỷ USD để nhập khẩu các loại thịt và phụ phẩm chăn nuôi ăn được nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. 

rã đông thịt
(Ảnh minh họa: Ahanov Michael/Shutterstock)

Theo hải quan, các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; thịt trâu tươi đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống; thịt lợn và thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…

Những sản phẩm này được nhập nhiều từ Ấn Độ, Mỹ, Nga, Đức, Úc…

Đáng chú ý, giá thịt và các phụ phẩm chăn nuôi nhập khẩu thấp hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại trong nước. Thậm chí, nhiều loại thịt lợn, gà đông lạnh có giá chỉ bằng một nửa hàng nội địa.

Giá rẻ cộng với mác nhập khẩu nên những loại sản phẩm này khá thu hút trên thị trường.

Riêng đối với nhập khẩu thịt lợn, xu hướng tăng đã diễn ra trong quý II với 27.000 tấn thịt lợn được nhập về, trị giá hơn 60 triệu USD, tăng gấp đôi về cả lượng lẫn giá trị so với quý I.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 716.890 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,43 tỷ USD. Trong các chủng loại thịt nhập khẩu, thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh chiếm phần lớn.

Một số chuyên gia cho rằng, thịt nhập khẩu giá rẻ tràn lan về Việt Nam đang gây ra sức ép không nhỏ lên ngàn chăn nuôi trong nước. Từ đầu năm, dịch tả lợn châu Phi lan rộng đã làm giảm nguồn cung thịt trong nước khiến giá thịt tăng. Vì thế, càng khiến thịt nội địa khó cạnh tranh với thịt ngoại.

Dù hiện tại lượng thịt ngoại mới chiếm thị phần nhỏ, nhưng theo các chuyên gia, nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, thịt nhập ngoại giá rẻ có thể gia tăng áp lực lên ngành chăn nuôi vốn đang nỗ lực phục hồi sau dịch bệnh.

Ngoài ra, thịt nhập ngoại giá rẻ cũng dấy lên lo ngại về an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng. Về vấn đề này, tờ vietnamnet.vn dẫn lời Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, những sản phẩm nhập khẩu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn rất chặt chẽ của Việt Nam.

“Nước ta giờ đã có vị thế, có tiềm lực. Thế nên, không phải bất cứ sản phẩm gì cũng đổ vào được”, Thứ trưởng Tiến cho hay.

Ông Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT đã có Thông tư 04 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn. Văn bản này đã được sửa đổi và bổ sung một số điểm để kiểm soát chặt hơn với các sản phẩm động vật.

Theo đó, từ ngày thông tư có hiệu lực (6/5/2024) đến 25/9, đã phát hiện 55 lô hàng thịt và các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu dương tính với Salmonella (vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, sốt… ) trên tổng số 6.679 lô hàng xét nghiệm Salmonella.

Vị lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết thêm, tới đây, các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục rà soát toàn bộ quy trình nhập khẩu thịt và phụ phẩm chăn nuôi ăn được; đồng thời đẩy mạnh hoạt động chống buôn lậu, ngăn chặn việc vận chuyển gà, lợn nhập lậu về Việt Nam.

Phan Vũ (t/h)