Bloomberg: Tòa án cấp cao London phán quyết Vietjet phải trả nợ từ ngày 15/5
- Tùng Lâm
- •
Tòa án cấp cao London đã bác bỏ đơn xin hoãn trả nợ của Vietjet và ra phán quyết hãng hàng không này phải trả khoảng 181,5 triệu USD cho công ty cho thuê máy bay của FitzWalter. Số tiền phải trả chia thành 3 lần thanh toán đều nhau từ 15/5 đến 28/11/2025.
FitzWalter Capital Ltd., được đồng sáng lập bởi cựu giám đốc điều hành Macquarie Group Ltd. Ben Brazil và được hỗ trợ bởi quỹ hưu trí Anh và Úc, đã chiến thắng Vietjet tại tòa án nhiều năm trước sau khi hãng hàng không này chậm trả tiền 4 chiếc máy bay. FitzWalter từ lâu đã lập luận rằng Vietjet dường như có tiền để trả nhưng đơn giản là họ không chọn cách đó.
Thẩm phán Tòa án cấp cao London trong phán quyết ngày 1/5 đã đồng ý và tuyên bố “với mục đích thực tế, tôi không nghi ngờ gì khi bị đơn có thể, nếu muốn, tìm nguồn tài chính để thực hiện phán quyết tòa án, cũng như cách mà bị đơn có thể, rõ ràng tìm được nguồn tài chính để mua máy bay hoặc ký kết các hợp đồng liên quan tới hoạt động kinh doanh“.
Trong bản tuyên bố làm chứng ngày 27/4, Vietjet liệt kê tất cả các lý do chứng minh hãng này không thể trả tiền. Bản tuyên bố đã vẽ nên một bức tranh thảm khốc về một hãng hàng không dùng đòn bẩy quá mức, có không quá 2 tuần tiền mặt và gần như cạn kiệt mọi nguồn tín dụng.
Trong một tuyên bố gửi tới Bloomberg, Vietjet cho biết hãng “vẫn lạc quan có thể lật lại phán quyết ban đầu dự kiến diễn ra vào cuối tháng này”. FFW Aviation từ chối bình luận.
Trong tuyên bố hôm 27/4, Vietjet cho biết hãng “không thể trả toàn bộ khoản nợ theo phán quyết nếu không phải sắp xếp lại hoạt động kinh doanh và rất có thể phải giải thể một số bộ phận“. Tình hình tài chính của Vietjet đã yếu đi đáng kể kể từ đại dịch và ngay cả khi hãng quay trở lại hoạt động bình thường thì hãng “vẫn tiếp tục có những căng thẳng tài chính.”
Số tiền mặt 45 triệu USD cần thiết để duy trì các hoạt động hàng ngày, như trả lương và trả cho nhà cung cấp. Công ty cũng không có tài sản cố định có thể bán để trả tiền theo phán quyết. Tất cả đội bay 110 chiếc máy bay đều phải tuân thủ các thỏa thuận đi thuê bằng cách này hay cách khác – Vietjet cho biết.
Hạn thanh toán 15/5 sẽ là một sự tính toán của người sáng lập và cũng là cổ phần lớn nhất của Vietjet – Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, người có tài sản ròng lên tới 1,5 tỷ USD, theo bảng xếp hạng của Bloomberg.
Bà Thảo đã cho ra mắt hãng hàng không giá rẻ Vietjet năm 2011, sau 5 năm đã niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE. Hãng hàng không Vietjet hiện được định giá khoảng 1,9 tỷ USD.
Vietjet có trụ sở tại Hà Nội, phục vụ các đường bay nội địa và một số đường bay trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc. Hãng hàng không này đã có tham vọng lớn khi đặt hàng 200 chiếc Boeing 737 Max và khoảng 120 chiếc Airbus SE, tuy nhiên đến nay chưa tiếp nhận chiếc nào.
Vietjet đã lập luận tại tòa, nếu cho dừng một số trong đội bay 110 chiếc máy bay đang vận hành, hãng sẽ phải hủy đáng kể số lượng chuyến bay. Mà theo Luật pháp Việt Nam, hãng sẽ phải hoàn lại tiền cho hành khách, khoản nợ phải trả lên tới 600 triệu USD.
“Hệ quả trực tiếp của phán quyết sẽ đẩy Vietjet tới phải thanh lý công ty” – Vietjet cho biết.
Vietjet cho biết việc vỡ nợ cũng sẽ xóa sổ 500 triệu USD thanh toán trước cho đơn đặt hàng 318 chiếc máy bay mới của Airbus và Boeing mà hãng không thể được bồi hoàn.
Các khoản trả trước này được tài trợ bởi trái phiếu và các thỏa thuận tài chính khác và việc không thực hiện được các khoản thanh toán liên tục cho máy bay cũng gây ra tình trạng vỡ nợ chéo, dẫn đến trái chủ và những người cho vay được nợ khoản gốc, điều mà “Vietjet không có khả năng chi trả”
Theo lịch thanh toán nêu trong phán quyết tòa án, Vietjet phải trả cho FitzWalter Capital Aviation Services 60,5 triệu USD vào ngày 15/5, khoản 60,5 triệu USD vào ngày 31/7 và khoản cuối cùng trong tổng số 181,5 triệu USD vào 28/11.
Ngày 16/5, Jonty Nel,Tổng giám đốc điều hành FitzWalter Capital cho biết trong một tuyên bố qua email rằng FitzWalter Capital Aviation Services Ltd. “có thể xác nhận rằng VietJet đã không thực hiện thanh toán theo lệnh của Tòa án cấp cao Anh”.
Trên sàn HOSE, cổ phiếu Vietjet (mã VJC) đã giảm 3,2% vào hai ngày cuối tuần, sau khi có phán quyết của tòa án cấp cao London.
Từ khóa Hàng không Vietjet
