Các cuộc đàm phán lao động của Boeing đã đi vào bế tắc. Hôm thứ Tư (18/9), công ty thông báo để tiết kiệm chi phí, sẽ cho hàng chục ngàn nhân viên luân phiên nghỉ phép không lương.

r shutterstock 726791473
Nhà máy Everett tại Mỹ sản xuất máy bay Boeing, ngày 30/1/2015. (Ảnh: First Class Photography / Shutterstock)

Khoảng 30.000 nhân viên Boeing đã đình công kể từ thứ Sáu tuần trước, dẫn đến việc đình chỉ sản xuất chiếc 737 MAX bán chạy nhất của công ty và các loại máy bay khác.

Theo Reuters, CEO Boeing Kelly Ortberg thông báo rằng sẽ tạm cho một số nhân viên nghỉ phép trong thời gian đình công.

Ông Ortberg cho biết trong một email gửi tới nhân viên: “Trong vài ngày tới chúng tôi sẽ bắt đầu cho nghỉ phép tạm thời… Chúng tôi dự định cho một số nhân viên nghỉ phép luân phiên cứ làm 4 tuần lại nghỉ 1 tuần”.

Ortberg cũng cho biết ông và các lãnh đạo khác của Boeing “sẽ thực hiện cắt giảm lương tương ứng trong thời gian đình công”.

Không có tiến triển đột phá trong đàm phán

Boeing và tổ chức công đoàn Hiệp hội thợ máy và Công nhân hàng không vũ trụ quốc tế (IAM) đã đàm phán trong 2 ngày trước các nhà hòa giải liên bang. IAM cho biết hôm thứ Ba rằng ngày hòa giải đầu tiên đã thất bại. Đến tối thứ Tư khi kết thúc ngày đàm phán thứ hai, công đoàn cho biết “không có tiến bộ đáng kể nào đạt được”.

Họ nói: “Mặc dù chúng tôi vẫn sẵn sàng thảo luận thêm nhưng lúc này chưa có ngày (thảo luận) nào khác được ấn định, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để bảo vệ quyền lợi hợp đồng mà các hội viên xứng đáng nhận được”.

Boeing đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters về tuyên bố của IAM.

Việc nghỉ phép trên diện rộng của Boeing cho thấy CEO Ortberg đang chuẩn bị cho một cuộc đình công kéo dài.

Giới phân tích tin rằng tranh chấp lao động kéo dài có thể khiến Boeing thiệt hại hàng tỷ USD, làm tăng thêm gánh nặng tài chính và đe dọa xếp hạng tín dụng của hãng.

Người phụ trách về hàng không vũ trụ tại S&P Global Ratings – một tổ chức phân tích tài chính có uy tín thế giới ở New York, ông Ben Tsocanos cho biết: “Việc cắt giảm lương không thể bù đắp chi phí cho một cuộc đình công kéo dài”.

Trong cuộc đàm phán lao động toàn diện đầu tiên với Boeing sau 16 năm, IAM đã yêu cầu tăng lương 40% trong vòng 4 năm, cao hơn nhiều so với mức 25% do Boeing đề xuất nên chưa được chấp nhận.

Chủ tịch Brian Bryant của IAM cho biết: “Đây chỉ là một phần trong kế hoạch của họ (Boeing) để cảm giác có vẻ như họ đang cố gắng tiết kiệm tiền”.

Ông Ortberg cho biết trong một email gửi tới nhân viên rằng công ty sẽ không thực hiện bất kỳ “hành động nào cản trở khả năng phục hồi hoàn toàn của chúng tôi”, và “tất cả các hoạt động quan trọng đối với an toàn, chất lượng, hỗ trợ khách hàng và các chương trình chứng nhận quan trọng của chúng tôi sẽ được ưu tiên và tiếp tục, bao gồm cả việc sản xuất máy bay 787”.

Boeing có khoảng 150.000 nhân viên tại Mỹ. Hiện chưa rõ chính xác nhóm nhân viên nào sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách luân phiên cho nghỉ phép tạm thời. Một công đoàn đại diện cho các kỹ sư của Boeing cho biết, các thành viên của họ sẽ không bị ảnh hưởng.

Embed from Getty Images

Cảnh nhân viên Boeing đình công ngày 16/9/2024 bên ngoài nhà máy Boeing ở Renton – Washington. (Ảnh: YEHYUN KIM/AFP/Getty)

Đình công khiến sản xuất ngừng hoạt động

Cuộc đình công đã làm ngừng hoạt động sản xuất máy bay thân hẹp 737 MAX cùng máy bay thân rộng 777 và 767 của Boeing, làm trì hoãn việc giao hàng của công ty cho các hãng hàng không.

Tuy nhiên, một nhà cho thuê lớn của Trung Quốc hôm thứ Tư cho biết họ đã đặt hàng lại 50 máy bay phản lực MAX, sẽ được giao hàng trong khoảng thời gian từ năm 2028 – 2031. Điều này cho thấy nhu cầu dài hạn đối với máy bay Boeing không có thay đổi.

Hôm thứ Hai, công ty Boeing cho biết họ đang tạm dừng tuyển dụng để cắt giảm chi phí khi nợ của công ty đã lên tới 60 tỷ USD.

Cuộc đình công đã kéo dài 6 ngày. Điều đó cũng khiến mạng lưới rộng lớn nhà cung cấp của Boeing gặp rủi ro. Một số nhà cung cấp nói với Reuters rằng cũng đang xem xét việc cho nhân viên của họ nghỉ việc tạm thời.

Boeing đã tạm dừng hầu hết các đơn đặt hàng linh kiện cho tất cả các chương trình máy bay của Boeing, trừ 787 Dreamliner.

CEO Nikki Malcom của Liên minh Hàng không Vũ trụ Tây Bắc Thái Bình Dương cho biết: “Nếu (cuộc đình công) kéo dài, sẽ tác động đáng kể đến các nhà cung cấp”.

Giá cổ phiếu của Boeing đã giảm khoảng 40% trong năm nay.