Công nhân nhà máy Boeing ở Bờ Tây Hoa Kỳ đình công
- Hải Đăng
- •
Công nhân nhà máy Boeing ở Bờ Tây Hoa Kỳ đã đình công vào sáng sớm thứ Sáu (13/9, giờ địa phương) sau khi 96% bỏ phiếu ủng hộ đình công, dừng sản xuất máy bay phản lực bán chạy nhất của hãng. Cuộc đình công này xảy ra trong thời điểm Boeing đang phải vật lộn với tình trạng chậm trễ sản lượng kinh niên và nợ nần chồng chất.
Cuộc đình công đầu tiên của công nhân Boeing kể từ năm 2008 bắt đầu chỉ vài tuần sau khi ông Kelly Ortberg được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành (CEO) mới trong tháng Tám để khôi phục niềm tin vào hãng sản xuất máy bay hàng đầu này sau khi xảy ra sự cố một tấm cửa của một chiếc máy bay 737 MAX gần như mới bị thổi bay giữa không trung vào tháng Một.
Khoảng 30.000 thành viên của Hiệp hội Công nhân Cơ khí và Hàng không Vũ trụ Quốc tế (IAM) sản xuất máy bay phản lực 737 MAX và các máy bay phản lực khác của Boeing tại khu vực Seattle và Portland đã bỏ phiếu về hợp đồng tập thể đầu tiên của họ sau 16 năm, phần lớn từ chối thỏa thuận này và ủng hộ đình công.
“Đây là về sự tôn trọng, đây là về việc giải quyết quá khứ và đây là về việc đấu tranh cho tương lai của chúng ta“, ông Jon Holden, người đứng đầu các cuộc đàm phán cho công đoàn lớn nhất của Boeing và là người đồng ý với thỏa thuận thất bại này, cho biết trước khi công bố kết quả bỏ phiếu vào tối thứ Năm (12/9).
“Chúng tôi đình công vào lúc nửa đêm“, ông Jon Holden nói, khi các thành viên trong hội trường công đoàn reo hò và hô vang: “Đình công! Đình công! Đình công!”
Boeing cho biết vào cuối ngày thứ Năm (12/9) rằng cuộc bỏ phiếu đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng thỏa thuận tạm thời mà họ đạt được với ban lãnh đạo IAM là không được các thành viên chấp nhận.
“Chúng tôi vẫn cam kết thiết lập lại mối quan hệ của mình với nhân viên và công đoàn, và chúng tôi sẵn sàng quay lại bàn đàm phán để đạt được một thỏa thuận mới“, Boeing phát đi tuyên bố cho hay.
Thỏa thuận thất bại vừa rồi bao gồm mức tăng lương chung là 25%, tiền thưởng khi ký kết là 3.000 USD và cam kết chế tạo máy bay thương mại tiếp theo của Boeing tại khu vực Seattle, với điều kiện chương trình được triển khai trong vòng bốn năm của hợp đồng.
Mặc dù ban lãnh đạo IAM hôm Chủ Nhật tuần trước đã khuyến nghị rằng các thành viên công đoàn này đã chấp nhận hợp đồng tập thể, nhưng nhiều công nhân đã phản ứng giận dữ, yêu cầu phải tăng lương 40% như kiến nghị ban đầu và than thở về việc mất tiền thưởng hàng năm.
“Chúng tôi sẽ quay lại bàn đàm phán nhanh nhất có thể“, ông Holden nói với các phóng viên, nhưng không nói ông nghĩ cuộc đình công sẽ kéo dài bao lâu hoặc khi nào các cuộc đàm phán sẽ được nối lại. “Đây là việc mà chúng tôi sẽ thực hiện từng ngày, từng tuần một“, ông Holden nói về việc đàm phán hợp đồng lao động tập thể.
Công nhân hiện đã đang biểu tình suốt tuần tại các nhà máy của Boeing ở khu vực Seattle, nơi lắp ráp máy bay MAX 777 và MAX 767 của Boeing.
Cổ phiếu Boeing hôm thứ Năm (12/9) đóng cửa tăng 0,9% trước khi kết quả bỏ phiếu được công bố nhưng tính chung trong cả năm nay đã giảm 36% do lo ngại về vấn đề an toàn, sản xuất và gánh nặng nợ 60 tỷ USD.
Theo một lưu ý trước cuộc bỏ phiếu từ TD Cowen, một cuộc đình công kéo dài 50 ngày có thể khiến Boeing thiệt hại khoảng 3 tỷ đến 3,5 tỷ USD tiền mặt.
Cuộc đình công gần đây nhất của công nhân Boeing vào năm 2008 đã đóng cửa các nhà máy trong 52 ngày và khiến doanh thu ước tính của hãng giảm 100 triệu USD mỗi ngày.
Từ khóa Boeing Dòng sự kiện Công nhân Boeing đình công