Chiến tranh Nga-Ukraine khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt
- Thiên Thanh
- •
Nga và Ukraine đều là hai nước sản xuất lương thực lớn, sau khi chiến tranh bùng nổ, Liên Hợp Quốc từng cảnh báo rằng do chuỗi cung cấp thực phẩm rối loạn, thế giới sẽ đối mặt với tình trạng khủng hoảng lương thực. Trên cơ sở mất đất canh tác, chiến tranh Nga – Ukraine dẫn đến giá lương thực thế giới tăng cao, điều này càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực của Trung Quốc.
Chiến tranh Nga – Ukraine khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt
Hãng tin Bloomberg tại Mỹ đưa tin, cuộc chiến Nga – Ukraine đã khiến cho Ukraine – “kho lương thực của châu Âu” bị tổn thương nghiêm trọng, tác động mạnh đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu và khiến giá lương thực thế giới tiếp tục tăng. Về vấn đề này, Liên Hợp Quốc đã cảnh báo, do việc trồng trọt lương thực bị cản trở và hoạt động buôn bán lương thực toàn cầu bị gián đoạn, giá lương thực cao kỷ lục hiện nay có thể tăng thêm 22% nữa, và có thể dẫn đến khủng hoảng lương thực.
Theo số liệu của Hội đồng Lương thực Quốc tế (International Grains Council, IGC), dự trữ lương thực của thế giới đã giảm năm thứ 5 liên tiếp, Chiến tranh Nga – Ukraine sẽ càng đẩy giá lương thực lên cao, hoặc có thể xảy ra một nạn đói chưa từng có.
Vào ngày 11/3, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã công bố một báo cáo cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2017, 2020 – 2021, Nga và Ukraine chiếm 19% sản lượng lúa mạch toàn cầu, 14% sản lượng lúa mì, và 4 % sản lượng ngô. Năm 2021, Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, chiếm 18% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu. Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm, chiếm 10% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu.
Trong thị trường dầu hướng dương, Nga và Ukraine chiếm thị phần gần 64% trên thế giới.
Nga là nước xuất khẩu phân đạm lớn nhất thế giới vào năm 2021 và cũng là nhà cung cấp phân kali và phân lân lớn thứ hai.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, trong hai năm qua, chỉ số chuẩn của Liên Hợp Quốc đã tăng hơn 40%, cho thấy rõ vấn đề an ninh lương thực ngày càng nghiêm trọng. Ngày 8/3, giá lúa mì lập kỷ lục tại Chicago, Mỹ, giá ngô và đậu nành cũng lên mức cao hiếm thấy trong nhiều năm trở lại đây. Giá lương thực hiện đang ở mức cao kỷ lục và ước tính có khoảng 45 triệu người trên thế giới đang đứng trước nguy cơ đói.
Sau khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ, các nước sản xuất lương thực như Hungary, Argentina và Indonesia bắt đầu áp dụng chính sách hạn chế thương mại xuất khẩu, để đảm bảo vấn đề cung cấp lương thực trong nước và tránh tình trạng giá lương thực tăng cao. Nước xuất khẩu lương thực lớn như Nga cũng ám chỉ rằng họ sẽ thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu một số nguyên liệu thô.
Brazil, một trong những nhà xuất khẩu ngô và đậu tương lớn của thế giới, đã trải qua hạn hán nghiêm trọng; Canada và một số vùng của Mỹ cũng xuất hiện hiện tượng cây trồng nông nghiệp héo úa.
Nga là nước xuất khẩu phân bón hóa học lớn trên thế giới. Hồi đầu tháng Ba, Nga đã có biện pháp giảm xuất khẩu phân hóa học, điều này sẽ gây xáo trộn thị trường phân bón và lương thực thực phẩm trên thế giới. Brazil hiện đang là nước nhập khẩu phân bón lớn nhất thế giới, bởi vì ông Putin nói rằng Nga chỉ xuất khẩu phân bón cho “các nước thân thiện”.
Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đưa tin, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres nói với báo giới ngày 14/3, “Chúng ta phải làm mọi cách để tránh một cơn bão mất mùa và sự sụp đổ của hệ thống lương thực toàn cầu.” “Giá ngũ cốc đã vượt qua mức giá vào đầu thời kỳ Mùa xuân Ả Rập và trong cuộc bạo động lương thực 2007 – 2008”. Do chiến tranh Nga-Ukraine, hoạt động sản xuất của hai cường quốc nông nghiệp này bị cản trở.
Trên toàn cầu, 45 quốc gia châu Phi và các quốc gia kém phát triển nhất, như Burkina Faso, Ai Cập, Cộng hòa Dân chủ Congo, Lebanon, Libya, Somalia, Sudan và Yemen, nhập khẩu lúa mì từ Ukraine hoặc Nga. Tỷ trọng nhập khẩu ít nhất là ⅓, trong đó có 18 quốc gia nhập khẩu ít nhất 50% lượng lúa mì.
Chiến tranh Nga – Ukraine làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực của Trung Quốc
Theo VOA đưa tin, mặc dù bản thân Trung Quốc cũng là một nước sản xuất lương thực lớn, nhưng nước này vẫn chưa đạt đến mức tự cung tự cấp lương thực. Vào năm 2021, Ukraine trở thành nước mà Trung Quốc nhập khẩu nhiều ngô nhất, 30% lượng ngô của Trung Quốc cần được nhập khẩu từ Ukraine, chủ yếu để làm thức ăn chăn nuôi. Trước đây, Mỹ là nước xuất khẩu ngô lớn nhất sang Trung Quốc.
Ông Khâu Vạn Quân (Qiu Wanjun), giáo sư Khoa Tài chính thuộc Đại học Northeastern ở Boston, Mỹ, cho biết theo số liệu từ Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, tỷ lệ tự chủ về ngũ cốc của Trung Quốc hiện là khoảng 76%, trong khi cách đây 20 năm, tỷ lệ này là 100%. Theo báo cáo của Quốc vụ viện Trung Quốc, vào cuối năm 2019, diện tích đất nông nghiệp được sử dụng để trồng trọt ở Trung Quốc tiếp tục giảm, từ năm 2009 đến 2019, diện tích đất canh tác của Trung Quốc đã giảm khoảng 8%. Giờ đây, cuộc chiến Nga – Ukraine đã khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt, Trung Quốc buộc phải ra thị trường quốc tế để mua lương thực.
Theo báo cáo, vào cuối tháng Hai, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo mở cửa nhập khẩu lúa mì từ khắp nước Nga, tuy nhiên lúa mì của Nga đã vướng phải vấn đề nhiễm nấm bệnh. Ngày 14/1, Hải quan Trung Quốc công bố số liệu thương mại xuất nhập khẩu cho thấy năm 2021, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 164 triệu tấn lương thực với trị giá 74,8 tỷ USD, tăng 18% và tăng 49,2% về giá trị so với năm 2020.
Nếu chiến tranh Nga – Ukraine là nguyên nhân bên ngoài dẫn đến khủng hoảng lương thực của Trung Quốc, thì việc Trung Quốc mất đất canh tác là nguyên nhân bên trong. Ông La Khánh Sinh, giám đốc điều hành của Viện Chiến lược Quốc tế Đài Loan, cho biết diện tích đất canh tác bình quân đầu người ở Trung Quốc Đại Lục chỉ là 1,4 mẫu, thấp hơn một nửa so với mức trung bình của thế giới và chỉ bằng ⅓ diện tích đất canh tác bình quân đầu người của thế giới. Diện tích đất canh tác bình quân đầu người của 664 thành phố và huyện đã nằm trong diện cảnh báo dưới 0,8 mẫu do Liên Hợp Quốc quy định.
Ông Khâu Vạn Quân cho rằng nếu Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề thiếu lương thực trong ngắn hạn, thì nên tập trung vào việc tìm kiếm một chuỗi cung ứng lương thực ổn định ở nước ngoài, ký kết các thỏa thuận thu mua lương thực với những nước có nguồn sản xuất lương thực ổn định và ít sâu bệnh, như thế thì có thể làm xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực của Trung Quốc.
Từ khóa Dự trữ lương thực Chiến tranh Nga - Ukraine khủng hoảng lương thực Dòng sự kiện