Chính sách ‘thuế quan Ngày Giải phóng” của ông Trump làm rung chuyển thế giới như thế nào?
- Hà Thanh Liên
- •
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch “Thuế Quan Ngày Giải Phóng”. Mặc dù mức thuế mới thấp hơn một nửa so với tuyên bố ban đầu về “thuế quan đối đẳng / đối ứng”, nhưng vẫn nặng nề như tảng đá đè lên chân của các quốc gia khác. Các nước châu Á, vốn luôn thấp thỏm hy vọng sẽ được miễn trừ, cuối cùng cũng nhận ra sự thật: trong khối ASEAN +3 (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), trừ Brunei và Singapore, tất cả các nước còn lại đều bị áp thuế bổ sung từ 24% đến 49%. Trung Quốc còn được “chăm sóc đặc biệt” với mức thuế cao nhất. Dư luận quốc tế, bao gồm cả truyền thông theo chủ nghĩa toàn cầu tại Mỹ, đều kịch liệt lên án động thái này. Rất ít người dám đối diện trực tiếp với thực tế rằng: Ngày chính sách “Thuế Quan Ngày Giải Phóng” được thực thi, cũng chính là ngày kết thúc của toàn cầu hóa.
Các nước châu Á đều bị ảnh hưởng bởi “Thuế quan ngày giải phóng”
Chính sách này áp mức thuế tối thiểu 10% lên tất cả hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, và tăng thuế mạnh hơn đối với khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có thặng dư thương mại với Mỹ. Trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, Trung Quốc bị tăng thêm 34% thuế, cộng với hai đợt trước đó là 20%, nâng tổng mức thuế lên đến 54%.
Mexico và Canada – từng được miễn thuế do lý do liên quan đến fentanyl và nhập cư trái phép – thì nay chính sách miễn trừ đó đã hết hạn vào ngày 2/4. Các đối tác lớn khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… vì nằm trong danh sách 60 quốc gia bị cho là có “hành vi thương mại không lành mạnh” (bao gồm cả rào cản thuế và phi thuế, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp Mỹ) cũng bị tăng thuế.
Các quốc gia châu Á bị tăng thuế hơn 40% gồm có:
- Campuchia: 49%
- Lào: 48%
- Việt Nam: 46%
- Myanmar: 44%
- Thái Lan: 36%
- Đài Loan và Indonesia: 32%
- Malaysia: 24%
Phản ứng từ các nước ASEAN không gay gắt như phản ứng của các đồng minh truyền thống của Mỹ. Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết Chính phủ hiểu lý do Mỹ điều chỉnh thuế để cân bằng thương mại và sẽ sớm có biện pháp đối phó. Việt Nam cử một phái đoàn do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu sang Mỹ vào ngày 5/4 để đối thoại. Trong khi đó, Đài Loan – luôn cho rằng mình là “đồng minh được ưu ái” – cả Chính phủ và phe đối lập ở Đài Loan, vốn luôn tin rằng mình là đối tượng được Hoa Kỳ bảo vệ đặc biệt – đều tỏ ra buồn bã và tức giận một cách khó hiểu và đưa ra phản ứng mạnh mẽ hiếm có.
Ông Trump có ý định chấm dứt hệ thống WTO
Nếu nghĩ rằng sức ép từ dư luận quốc tế có thể khiến ông Trump thay đổi lập trường thì có lẽ là quá lạc quan. Ngoài nhóm theo chủ nghĩa toàn cầu như thời Obama, Mỹ còn có truyền thống “chủ nghĩa quốc gia hành động độc lập” – một tư tưởng từng bị chủ nghĩa toàn cầu đè nén trong hàng thập kỷ. Chính sách thuế quan lần này của ông Trump chính là sự phản công của chủ nghĩa quốc gia đối với toàn cầu hóa.
Tính đến nay, chỉ có Hồng Kông, Trung Quốc và sắp tới là Brazil gửi đơn khiếu nại lên WTO. Tuy nhiên, nhiều học giả đã chỉ ra rằng: Việc thi hành các phán quyết của WTO không phải lúc nào cũng đảm bảo mang lại lợi ích quốc gia. Yêu cầu “thuế quan đối đẳng” của ông Trump thực chất là một cuộc đảo ngược đối với WTO – tổ chức được thành lập dưới thời Tổng thống Clinton, vốn là người khởi xướng toàn cầu hóa.
Nguyên tắc cốt lõi của WTO là “đối ngộ tối huệ quốc” – các quốc gia thành viên phải áp dụng cùng một mức thuế với mọi đối tác. Tuy nhiên, trong thực tế, ngoài Mỹ, hầu hết các quốc gia đều áp dụng thêm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế carbon và nhiều rào cản phi thuế khác. Mỹ là quốc gia hiếm hoi thực sự mở cửa thị trường.
Ông Trump phàn nàn rằng các nước đều lợi dụng Mỹ – điều này không hoàn toàn sai. Trong khuôn khổ WTO, các nước đang phát triển được hưởng “đối xử đặc biệt và khác biệt”, để bảo vệ các ngành công nghiệp địa phương, các thị trường mới nổi như Ấn Độ và Brazil thường áp dụng mức thuế cao hơn Mỹ. Ngay cả các nước EU cũng áp thuế lên ô tô Mỹ cao hơn nhiều so với mức 2,5% mà Mỹ áp cho ô tô châu Âu (EU đánh thuế 10%).
Ông Trump cho rằng đã đến lúc thay đổi, các quốc xuất khẩu ô tô nhiều sang Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mexico và Canada hiện đều đã bước vào chế độ “báo động”.
Nói một cách ngắn gọn, Mỹ thúc đẩy thành lập WTO và áp dụng điều khoản tối huệ quốc đối với hầu hết các quốc gia là vì Mỹ muốn đóng vai trò lãnh đạo trong các vấn đề thương mại tự do; giờ đây, Trump đã tuyên bố rõ ràng rằng ông là Tổng thống Mỹ, nhiệm vụ hàng đầu là chịu trách nhiệm với nước Mỹ, nên tự nhiên không còn cần đến WTO như một công cụ kinh tế toàn cầu hóa nữa.
Lực lượng thực sự thách thức chính sách thuế quan của ông Trump đến từ trong nước Mỹ
Một trong những thách thức lớn nhất là thuyết phục người tiêu dùng Mỹ rằng việc áp thuế không làm giá cả leo thang.
Nhưng rất nhiều nhà phê bình đều cho rằng việc tăng thuế sẽ khiến giá cả của hàng tiêu dùng tăng cao hơn. Ví dụ:
- Việt Nam là nơi sản xuất giày thể thao lớn nhất thế giới. Khoảng 50% giày Nike và 39% giày Adidas được sản xuất tại Việt Nam với tổng doanh thu hàng năm vượt quá 20 tỷ USD. Người trong ngành cho rằng do giày thể thao đòi hỏi dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp nên việc chuyển giao chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong thời gian ngắn gần như là không thể. Kết quả cuối cùng sẽ chỉ dẫn đến giá cao hơn trên thị trường tiêu dùng.
- Campuchia hiện là nhà cung cấp quần áo lớn thứ 6 cho Mỹ, giày dép và các sản phẩm du lịch của nước này cũng chiếm vị trí quan trọng trên thị trường Mỹ.
Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (NRF) cho biết: “Những khoản thuế này cuối cùng sẽ được chuyển sang các hộ gia đình bình thường, làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát”.
Vào ngày 18/2 năm nay, dự báo do Phòng thí nghiệm Ngân sách Đại học Yale của Mỹ công bố đã liệt kê những tác động mà người tiêu dùng Mỹ sẽ phải đối mặt sau khi áp dụng “thuế quan đối đẳng”:
- Thuế hiệu quả của Mỹ sẽ tăng thêm 13 điểm phần trăm, lên mức cao nhất từ năm 1937.
- Lạm phát tăng thêm 1,7 – 2,1%, tương đương trung bình mỗi hộ gia đình mất khoảng 2.700 – 3.400 USD/năm.
- Tăng trưởng GDP năm 2025 có thể giảm từ 0,6 – 1 điểm phần trăm.
- Về lâu dài, nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục suy giảm từ 0,3% đến 0,6%, tương đương với mức suy giảm hàng năm từ 1.000 đến 1.750 tỷ USD trong năm 2024.
- Thuế quan là một loại thuế lũy thoái, và các gia đình thuộc tầng lớp thấp sẽ chịu thiệt hại từ 1.000 đến 1.300 USD. Các sản phẩm quần áo và điện tử sẽ chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, trong khi giá của xe cơ giới và dược phẩm cũng sẽ tăng cao hơn mức trung bình.
Hiện nay, nhiều người ủng hộ Trump vẫn tin rằng thuế quan là điều “ác cần thiết”, sẵn sàng chịu đựng khó khăn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, một khi cuộc chiến thuế quan bắt đầu, Mỹ chỉ là bên dẫn dắt, còn phản ứng của các quốc gia khác cùng những thay đổi theo thời gian thực có rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên. Nếu kéo dài, việc giá cả tăng không có điểm dừng sẽ khiến áp lực trong nước gia tăng, và khả năng này không thể xem nhẹ.
Thuế quan với tư cách là “công cụ ngoại giao chiến lược của Mỹ” còn có ý nghĩa khác
Ông Trump và các thành viên nội các nhiều lần khẳng định thuế quan không chỉ là biện pháp tài chính mà còn là công cụ chiến lược phục vụ cho chính sách đối ngoại Mỹ, với hai mục tiêu chính: Phục hồi ngành sản xuất Mỹ và tái thiết lại cấu trúc địa chính trị.
Giới kinh tế học Mỹ nghi ngờ tính hiệu quả của thuế quan trong việc khôi phục sản xuất. Ngày 2/4, ông Trump một lần nữa nhấn mạnh rằng các mức thuế đối đẳng này sẽ khiến “ngành công nghiệp Mỹ tái sinh”. Ông mô tả ngày này là “Ngày Giải phóng”, đánh dấu sự tái sinh của ngành công nghiệp Mỹ và ngày đất nước lấy lại quyền kiểm soát vận mệnh của mình. Ông nói với tất cả các công ty hoặc quốc gia đang phàn nàn: “Nếu muốn mức thuế quan của các bạn bằng 0, thì hãy sản xuất sản phẩm của các bạn tại Mỹ.”
Tờ Wall Street Journal trong bài viết ngày hôm sau có tựa đề “Hành động thuế quan mới nhất của Trump tuyên bố sự chấm dứt của kỷ nguyên toàn cầu hóa” đã phản hồi về vấn đề này, cho rằng điều đó đánh dấu sự kết thúc của sự ủng hộ từ Mỹ đối với quá trình toàn cầu hóa tốc độ cao – vốn đã thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu trong vài thập kỷ qua.
Tuy nhiên, việc đưa ngành sản xuất chế tạo trở lại Mỹ không phải là điều dễ dàng – phân tích này nhìn chung không sai. Từ thời ông Obama, qua 3 đời tổng thống, việc đưa ngành sản xuất trở lại Mỹ luôn được coi là chính sách quốc gia, nhưng do vấn đề tái cấu trúc chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất quá phức tạp, các giải pháp chỉ dừng lại ở việc áp dụng “gần bờ” (nearshoring, các nước lân cận có chung đường biên giới) và “chuyển sản xuất sang nước đồng minh” (friendshoring, là hoạt động sản xuất và tìm nguồn cung ứng từ các quốc gia là đồng minh địa chính trị), chuyển sản xuất sang Mexico, Ấn Độ và các nơi khác, nhưng kết quả không lý tưởng. Hiện nay ông Trump dùng chiến tranh thuế quan để gây áp lực lên các doanh nghiệp, hiệu quả của nó có thể không hoàn toàn rõ ràng trong nhiệm kỳ của ông.
Thuế quan, với vai trò là “công cụ chiến lược quan trọng phục vụ chính sách ngoại giao của Mỹ”, bao gồm cả việc tái định hình cục diện địa chính trị. Lần này, nhiều quốc gia Đông Nam Á cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc đều bị áp thuế bổ sung, nhưng phản ứng của họ tương đối ôn hòa, phần lớn hy vọng thông qua đàm phán với Mỹ để giảm mức thuế. Sự cân nhắc này là sáng suốt.
Mỹ nếu đã tuyên bố sẽ tập trung toàn lực để đối phó với sự cạnh tranh từ Trung Quốc và dồn sức mạnh chính vào khu vực Thái Bình Dương, thì điều này đòi hỏi phải có các đồng minh. Nếu là chiến lược châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các quốc gia Đông Nam Á chắc chắn sẽ là những đối tượng được lôi kéo; còn nếu là chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, thì Ấn Độ và Úc trở thành không thể thiếu. Trong nhiều năm qua, các quốc gia này luôn kỳ vọng “an ninh chính trị dựa vào Mỹ, phát triển kinh tế dựa vào Trung Quốc”, dao động không ngừng giữa hai cường quốc. Nay ông Trump áp đặt thuế quan nặng lên tất cả, như một hình phạt; các nước muốn duy trì lợi ích kinh tế thì phải mang lại lợi ích chính trị cho Mỹ. Cái cốt lõi của việc thuế quan trở thành công cụ chiến lược quan trọng trong ngoại giao Mỹ nằm chính ở điểm này.
Trong nhiều năm qua, chỉ có Mỹ thực sự theo đuổi chủ nghĩa toàn cầu, trong khi các quốc gia khác đều lấy chủ nghĩa toàn cầu làm vỏ bọc, còn bên trong là chủ nghĩa dân tộc. Cái giá của việc theo đuổi chủ nghĩa toàn cầu là ông Trump đã tiếp nhận một gánh nặng gồm 36.000 tỷ USD nợ quốc gia khổng lồ và 1.211,7 tỷ USD thâm hụt thương mại – một cục diện thâm hụt kép về tài chính và thương mại.
Để cứu vãn nước Mỹ, chỉ có thể áp dụng những biện pháp mạnh như sấm sét. Nhưng trong 30 năm gần đây, thế giới đã quen nghe những lý thuyết toàn cầu hóa hoa mỹ của cánh tả phương Tây, cùng với lớp vỏ đạo đức bao bọc các lý thuyết đó (nhân quyền vượt trên chủ quyền, bảo vệ môi trường, bảo vệ lợi ích của các nhóm thiểu số yếu thế, v.v.). So với điều đó, chủ nghĩa Trump, vốn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết một cách trần trụi và được thể hiện quá cứng nhắc, nên trong nhất thời khó được chấp nhận.
Hà Thanh Liên
(Bài viết thể hiện lập trường và quan điểm của cá nhân tác giả, bản gốc được đăng trên trang web cá nhân của tác giả)
Từ khóa Recommend Hà Thanh Liên Thuế quan Mỹ Donald Trump Dòng sự kiện
