Gần đây, Công ty Công nghệ Vệ tinh Yuanxin Thượng Hải đã phóng 18 vệ tinh, mở đầu dự án “Chòm sao Ngàn cánh buồm” (千帆星座). Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rất lo ngại các hệ thống vệ tinh Starlink và StarShield của Mỹ, các nhà nghiên cứu quân sự của họ đang khám phá các kế hoạch phá hoại. Giới chuyên gia chỉ ra, Trung Quốc đang đẩy mạnh cạnh tranh tài nguyên không gian, hy vọng thách thức Mỹ, nhưng “Starlink Trung Quốc” còn nhiều trở ngại kỹ thuật.

Ve tinh Trung Quoc
Hãng công nghệ vệ tinh SSST do nhà nước Trung Quốc sở hữu (Shanghai Spacecom Satellite Technology) đã đưa một lô 18 vệ tinh lên quỹ đạo vào hôm Thứ Ba 6/8/2024. (Ảnh chụp màn hình video CCTV)

Công ty Công nghệ Vệ tinh Yuanxin Thượng Hải (gọi tắt là Vệ tinh Yuanxin) ngày 6/8 đã phóng lô 18 vệ tinh mạng thương mại đầu tiên của “Chòm sao Ngàn cánh buồm” (Kế hoạch Starlink G60) vào quỹ đạo đã định trước, theo đó chính thức ra mắt “phiên bản vệ tinh Trung Quốc”.

Vụ phóng diễn ra ngày 6/8 tại Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây, sử dụng phương tiện phóng Long March 6 đã được sửa đổi. Công ty thực hiện Vệ tinh Yuanxin là một công ty cổ phần thuộc Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Thượng Hải được thành lập vào tháng 3/2018 bởi United Investment Thượng Hải.

Vệ tinh Yuanxin chính thức khởi động kế hoạch “Chòm sao Ngàn cánh buồm” vào năm 2023, bao gồm cả 3 hệ thống vệ tinh. GEN1: Triển khai mạng lưới 648 vệ tinh trước cuối năm 2025 để cung cấp dịch vụ phủ sóng mạng khu vực; GEN2: Triển khai mạng lưới 648 vệ tinh trước cuối năm 2027 để cung cấp dịch vụ phủ sóng mạng toàn cầu; GEN3: Dự kiến xây dựng hệ thống 14.000 vệ tinh (có tin là 15.000 vệ tinh), cung cấp dịch vụ tích hợp đa dịch vụ như kết nối trực tiếp điện thoại di động.

Hiện tại Starlink của Mỹ là kế hoạch chùm vệ tinh Internet có giá trị thương mại nhất và lớn nhất thế giới. Ngày 2/8/2024, SpaceX đã phóng lô vệ tinh Starlink thứ 183, nâng tổng số vệ tinh của họ lên 6829. Trong tương lai, dự kiến ​​tổng số vệ tinh trong Starlink sẽ lên tới 40.000.

Dự án Starlink Mỹ ra mắt năm 2018 đã giúp ĐCSTQ thấy thị trường tiềm năng to lớn cho mạng thế hệ 6G, đồng thời cũng khiến ĐCSTQ lo sợ về mối đe dọa tiềm tàng đối với hệ thống tường lửa kiểm duyệt thông tin tại Trung Quốc. Do đó tháng 9/2020 chính quyền ĐCSTQ đã đệ trình kế hoạch chùm băng thông rộng lên Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) với tên gọi GW (Mạng lưới Vệ tinh Trung Quốc), với mục tiêu phóng 12992 vệ tinh quỹ đạo thấp, phân bố phạm vi quỹ đạo quỹ đạo thấp trong khoảng từ 590 km – 1145 km so với mặt đất, nằm trên Starlink của Mỹ.

Mark – người dẫn chương trình bình luận quân sự “Mark Time and Space” nói với Epoch Times rằng sau sự ra đời của Starlink Mỹ, đặc biệt là vai trò của Starlink trong cuộc chiến Nga-Ukraine, ĐCSTQ đã lo ngại, đặc biệt là giá trị ứng dụng quân sự, vì vậy đã học theo và tạo ra “Starlink Trung Quốc”.

Giáo sư Lin Tsung-nan tại Khoa Kỹ thuật Điện và Viện Kỹ thuật Viễn thông – Đại học Quốc gia Đài Loan, nói với Epoch Times rằng ĐCSTQ bất chấp tình hình kinh tế tồi tệ vẫn chi nguồn vốn khổng lồ để xây dựng “Starlink Trung Quốc” và xây dựng hệ thống thông tin vệ tinh quỹ đạo thấp. Thứ nhất, ĐCSTQ muốn thể hiện khả năng “tự cung tự cấp”, nhằm “đi tắt đón đầu”; thứ hai, ĐCSTQ đang dùng đến chủ nghĩa quân phiệt để chuẩn bị cho chiến tranh với Mỹ.

Làm chủ tài nguyên quỹ đạo và băng tần để sử dụng cho quân sự

Dự án “Chòm sao Ngàn cánh buồm” là chòm sao vệ tinh quỹ đạo thấp lớn thứ hai của Trung Quốc. Hiện nay ĐCSTQ chủ yếu lên kế hoạch cho ba dự án “Chòm sao Vạn cánh”, ngoài “Chòm sao Ngàn cánh buồm” và “Chòm sao GW”, còn có “Thiên nga-3” (Honghu-3).

“Chòm sao GW” được dẫn dắt bởi Satellite Network và “Thiên nga-3” được dẫn dắt bởi Blue Arrow Hongqing, từ thông tin trước khi phát hành (API) được gửi đến Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) cho thấy, Honghu-3 có kế hoạch phóng 10.000 vệ tinh trên 160 mặt phẳng quỹ đạo.

Mark cho biết, hai nhóm lớn “Chòm sao Ngàn cánh buồm”“Chòm sao GW” lần lượt thuộc phe Thượng Hải và phe Bắc Kinh, đồng thời giữa hai nhóm cũng có những xung đột về lợi ích và nguồn lực. “Chòm sao GW” bắt đầu sớm nhưng tiến triển chậm; trong khi “Chòm sao Ngàn cánh buồm” bắt đầu muộn nhưng lại đi lên trước.

Dự án “Chòm sao Ngàn cánh buồm” được coi là Starlink để ĐCSTQ chống lại Mỹ và thách thức các dịch vụ mạng lưới toàn cầu của Mỹ. Đồng thời ĐCSTQ cũng đang chiếm giữ quỹ đạo và tần số Trái đất thấp để xây dựng hệ thống mạng riêng nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu.

Trong vấn đề đối với các băng tần vệ tinh và quy hoạch quỹ đạo, ITU tuân theo nguyên tắc “đến trước được phục vụ trước”. Khi băng tần và quỹ đạo bị hạn chế nhưng số lượng vệ tinh được nối mạng lớn và tăng nhanh, tần số và quỹ đạo đã trở thành nguồn tài nguyên chiến lược khan hiếm trong không gian. Hiện nay ngoài băng tần KA, các nước đang bắt đầu phát triển các băng tần Q và V cao hơn, vấn đề thông tin vệ tinh phát triển từ băng tần thấp lên băng tần cao đã trở thành xu hướng.

Hiện tại, bộ phận Starshield do SpaceX của tỷ phú công nghệ Elon Musk thành lập vào tháng 12 năm ngoái đang phát triển mạng lưới vệ tinh cho Văn phòng Trinh sát Quốc gia Mỹ (NRO). Những vệ tinh này có thể nhanh chóng ghi lại những hình ảnh liên tục về các hoạt động trên mặt đất ở hầu hết các khu vực trên thế giới, từ đó hỗ trợ các cơ quan tình báo và quân sự của quân đội Mỹ, cải thiện đáng kể khả năng phát hiện các mục tiêu đe dọa tiềm tàng.

StarShield là một dự án của SpaceX đặc biệt phục vụ chính phủ, các cơ quan quốc phòng và tình báo Mỹ. Hệ thống này độc lập với Starlink nhưng sử dụng Starlink, công nghệ vệ tinh và khả năng phóng để cung cấp cho chính phủ dịch vụ đường truyền dữ liệu được mã hóa, thông tin chiến trường. Dự án StarShield có kế hoạch triển khai ít nhất 15.000 vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất thấp và sẽ mất ba năm (khoảng đến cuối năm 2025) để hoàn thành tất cả các lần phóng vệ tinh và kết nối mạng.

Các dịch vụ do StarShield cung cấp cho quân đội Mỹ bao gồm quan sát hình ảnh trái đất, thông tin liên lạc và tải trọng được lưu trữ trên máy chủ (hosted payloads).

Viện trưởng Si-Fu Ou Viện Nghiên cứu Khái niệm Chính trị, Quân sự và Hoạt động của ĐCSTQ tại Viện Quốc phòng và An ninh Đài Loan, nói với Epoch Times: “Starlink là phiên bản thương mại, trong khi Starshield là phiên bản quân sự có khả năng bảo mật cao hơn. Dù Trung Quốc còn khoảng cách nhất định với Mỹ, nhưng việc phóng vệ tinh Yuanxin cho thấy họ đang bắt kịp”.

Ông cho hay ĐCSTQ đã phát triển “mạng lưới vệ tinh Trung Quốc” để đối trọng Starlink của Mỹ trong chiếm giữ các tài nguyên quỹ đạo và băng tần, đồng thời sử dụng chúng cho mục đích quân sự. Tuy nhiên Starlink Mỹ có thể phóng cùng lúc 60 vệ tinh, trong khi Trung Quốc hiện chỉ có thể mang tối đa 28 vệ tinh và tốc độ phóng còn chậm hơn. Theo quy định của Liên minh Viễn thông Quốc tế, để đăng ký các đơn vị tần số liên quan, việc phóng vệ tinh và xác minh tín hiệu phải được hoàn thành trong vòng 7 năm. Vì vậy “mạng lưới vệ tinh Trung Quốc” của ĐCSTQ phải hoàn thành công việc trước ngày 9/11/2027.

Ông Si-Fu Ou nhấn mạnh rằng chương trình StarShield của Mỹ sẽ tiết lộ ngay bí mật quân sự của ĐCSTQ. Mặc dù kế hoạch xây dựng “mạng lưới vệ tinh Trung Quốc” của ĐCSTQ có vẻ đầy tham vọng, nhưng nó vẫn gặp phải những trở ngại như công nghệ và hoạt động phóng.

Mark cũng cho biết vấn đề phóng vệ tinh của Trung Quốc không chỉ có chi phí cao, khả năng phóng yếu, mà còn gặp vấn đề về tốc độ.

Chuyên gia: Không phương tiện kỹ thuật nào có thể phá hủy được hệ thống Starlink Mỹ

Cục trưởng Satzman của Cục Tác chiến Không gian Mỹ năm ngoái đã cảnh báo trong Hội nghị An ninh Munich rằng, vấn đề không gian đã trải qua những thay đổi cơ bản chỉ trong vài năm, và ĐCSTQ là mối đe dọa thách thức nhất. Các đối thủ chiến lược đang sản xuất nhiều loại vũ khí, bao gồm tên lửa chống vệ tinh, đánh chặn quỹ đạo, và trong một số trường hợp đã đưa chúng vào sử dụng.

Ngay từ năm 2020, Lực lượng Không gian và các cơ quan tình báo Mỹ đã cảnh báo ĐCSTQ và Nga đều đang phát triển vũ khí chống vệ tinh bằng laser trên mặt đất cũng như các khả năng chống vệ tinh khác, gây ra mối đe dọa cho hệ thống không gian Mỹ và thế giới. Quân đội ĐCSTQ cũng đã triển khai tên lửa chống vệ tinh trên mặt đất để tấn công các vệ tinh có quỹ đạo thấp; họ cũng đang phát triển và thử nghiệm các công nghệ liên quan khác khắc chế công nghệ vệ tinh quân sự của Mỹ.

Từ năm 2005 Trung Quốc bắt đầu tiến hành các cuộc thử nghiệm chống vệ tinh, năm 2007 đã phóng tên lửa chống vệ tinh DN-1 – lần đầu tiên phá hủy vệ tinh khí tượng “Fengyun-1”; sau đó Trung Quốc đã phát triển thế hệ thứ 2 và thứ 3 tên lửa chống vệ tinh có tầm bao phủ quỹ đạo thấp, trung bình và cao; ngoài ra, các vệ tinh dùng cho các cuộc thử nghiệm chống vệ tinh đã được phát triển, trang bị cánh tay robot và quỹ đạo thay đổi.

Vào năm 2022, các nhà nghiên cứu quân sự của Trung Quốc đã công bố bài báo “Tình trạng phát triển dự án Starlink và các biện pháp đối phó” trên tạp chí “Công nghệ phòng thủ hiện đại”. Sau khi phân tích các khả năng khác nhau của Starlink, họ chỉ ra thách thức của Starlink Mỹ đối với Trung Quốc. Qua đó họ đề xuất Trung Quốc cần tăng cường nghiên cứu các hệ thống chiến đấu trong không gian, tăng cường dự trữ tài nguyên quỹ đạo tần số vệ tinh, phát triển nhiều biện pháp đối phó bao gồm như “áp dụng tiêu diệt mềm và cứng” làm cho vệ tinh Starlink sẽ mất chức năng… Các nhà nghiên cứu quân sự ĐCSTQ cũng gợi ý về các biện pháp vô hiệu hóa hệ thống Starlink Mỹ như dùng tia laser, vi sóng tần số cao, hoặc dùng xâm nhập và kiểm soát mạng internet…

Tháng 6 năm ngoái truyền thông của Trung Quốc đã đăng một bài viết nêu rõ rằng đối với chiến tranh không gian trong tương lai thì việc làm thế nào để chiếm giữ nhanh chóng và hiệu quả các tài nguyên trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp sẽ là chìa khóa quyết định, nhấn mạnh sự cần thiết phải vô hiệu hóa hệ thống Starlink Mỹ;  nhấn mạnh vấn đề kiểm soát quỹ đạo Trái đất tầm thấp đồng nghĩa với việc kiểm soát không gian gần Trái đất đóng vai trò “quyết định số phận”.

Mark (người dẫn chương trình bình luận quân sự “Mark Time and Space”) cho rằng trình độ công nghệ hiện tại chưa thể đủ để phá được hệ thống Starlink. Do đó lợi thế quân sự, tính liên tục và an ninh của thông tin liên lạc Mỹ được đảm bảo, đó là điều mà ĐCSTQ rất lo sợ.

Chuyên gia Đài Loan Lin Tsung-nan lên án ĐCSTQ không coi nhân quyền, sinh kế và phúc lợi của người dân, mọi sự phát triển khoa học và công nghệ đều là để phát triển quân sự. ĐCSTQ sẵn sàng gây chiến với Mỹ để cạnh tranh quyền bá chủ thế giới. Ông cho rằng khi các nước phương Tây tương tác và làm ăn với Trung Quốc là đang cung cấp nguồn lực cho chế độ độc tài, là “truyền máu” cho nó phát triển. Cuối cùng sẽ dẫn đến việc ĐCSTQ đe dọa thế giới và thậm chí thống trị toàn thể nhân loại. Vì vậy các xã hội dân chủ như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Đài Loan… cần có hiểu biết và hành động đúng đắn về vấn đề Trung Quốc.