Chuyên gia: Apple sập bẫy lừa đảo của Bắc Kinh
- Epoch Times
- •
Lệnh cấm của chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) về dùng điện thoại iphone và các thiết bị nước ngoài khác đã mở rộng đến các cơ quan công quyền và doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Nhiều người trong cuộc xác nhận với Epoch Times rằng việc cấm dùng điện thoại di động thương hiệu nước ngoài ở Trung Quốc thực ra đã có từ vài năm trước, chỉ có điều việc thực hiện ở mỗi địa phương là khác nhau. Tuy nhiên điều nực cười là chỉ mới cách đây vài ngày, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình còn hứa sẽ “nới lỏng”.
Hôm thứ Năm (7/9), giá cổ phiếu của Apple đã giảm mạnh trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa, chỉ sau hai ngày giá trị thị trường của hãng này bốc hơi 194 tỷ USD.
Có chuyên gia chỉ ra việc chính quyền Trung Quốc vừa thắt chặt các hạn chế, lại vừa kêu gọi tăng cường cởi mở cho đầu tư thực chất là chiêu trò. Ở Trung Quốc không có môi trường kinh doanh công bằng, vô số doanh nhân nước ngoài đã bị mắc bẫy, một khi họ đầu tư vào Trung Quốc sẽ phải chịu nhiều loại hạn chế, khi đó muốn rút đầu tư cũng khó khăn. Điện thoại di động của Apple đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc cấm từ cách đây vài năm, chỉ có điều việc thực hiện có khác nhau ở những địa phương.
Hôm thứ Năm, Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết Bắc Kinh có ý định mở rộng lệnh cấm sử dụng iPhone đến các cơ quan công quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước (vốn đã được áp dụng đối với các ban ngành trung ương), cho thấy Apple đang phải đối mặt với thách thức ngày càng nghiêm trọng ở Trung Quốc – nơi họ có cơ sở sản xuất toàn cầu và có thị trường lớn nhất ở nước ngoài.
Trước đó hôm thứ Tư, tờ WSJ dẫn nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh cho các quan chức của các cơ quan công quyền trung ương trong công việc không được sử dụng iPhone của Apple và các thiết bị mang nhãn hiệu nước ngoài khác, cũng không được mang chúng vào văn phòng của họ.
Nguồn tin cho hay, vài tuần gần đây các nhân viên chính phủ đã nhận được chỉ thị nêu trên trong các nhóm trò chuyện công việc hoặc cuộc họp. Lệnh này là bước mới nhất của Bắc Kinh nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và tăng cường an ninh mạng, đồng thời ngăn chặn việc hạn chế luồng thông tin nhạy cảm ra khỏi Trung Quốc. Thực tế nhiều năm qua, chính quyền Trung Quốc đã luôn hạn chế việc sử dụng iPhone trong công việc của các quan chức tại một số cơ quan chính phủ, nhưng lệnh này hiện đã được mở rộng.
Hôm thứ Tư (6/9), Epoch Times đã phỏng vấn một số người có liên quan ở Trung Quốc, họ nói rằng quy định này đã được áp dụng từ lâu, nhưng việc thực hiện tại các nơi không giống nhau và không có văn bản rõ ràng.
Một quan chức của Cục Kiểm tra Chất lượng Sơn Đông nói với Epoch Times rằng việc này đã thực hiện từ vài năm trước, các thương hiệu nước ngoài như điện thoại Apple không thể sử dụng, ngoài ra còn không được phép lái xe Tesla đến nơi làm việc, có thể mua nhưng không được lái đến nơi làm việc.
Một nhân viên bộ phận nhạy cảm của chính quyền Thâm Quyến cho biết quy định này đã có vào năm ngoái, dùng xe Tesla không được phép chạy vào khu vực văn phòng cơ quan nhà nước, tương tự điện thoại di động của nước ngoài không được sử dụng cho công việc và không được mang vào các cuộc họp quan trọng. Người này cho biết thêm, nếu cuộc họp không quan trọng lắm thì điện thoại di động vẫn có thể mang vào. Nhiều người vì thế có hai chiếc điện thoại di động, một chiếc là điện thoại Apple làm điện thoại cá nhân, chiếc còn lại là điện thoại Huawei. Ông cũng tiết lộ rằng Thâm Quyến sử dụng mạng nội bộ và tất cả máy tính đều là Huawei. Ông cho rằng các nhân viên làm việc luôn phải trong phạm vi theo dõi.
Tuy nhiên, một quan chức họ Liu ở Nhạc Dương tỉnh Hồ Nam nói với Epoch Times: “6 tháng trước khi tôi ở Trung Quốc thì Nhạc Dương không cấm sử dụng điện thoại di động nước ngoài”.
Thực hiện mục tiêu giám sát kỹ thuật số toàn diện
Apple thống trị thị trường điện thoại thông minh cao cấp của Trung Quốc, thậm chí vào năm 2021 chiếm thị phần đến 77%. Nhưng vấn đề mức bảo mật hệ điều hành của chiếc điện thoại di động thuộc sở hữu nước ngoài này, khiến cơ quan chức năng của chính quyền Trung Quốc không thể kiểm soát được.
Nói với Epoch Times hôm 6/9, chuyên gia Song Weijun tại tổ chức tư vấn “Chính trị và Kinh tế Thiên Quân”, một nhóm người Hoa ở nước ngoài, cho rằng có thể Bắc Kinh cân nhắc nhiều hơn về cái gọi là an ninh và bảo mật dữ liệu. Động thái đối với điện thoại Apple này cũng giống như áp dụng đối với xe Tesla không thể lái vào một số nơi được gọi là cơ quan đảng, chính phủ, quân sự quan trọng và những địa điểm liên quan.
Chia sẻ với Epoch Times cùng ngày, kỹ sư cấp cao Zhong Shan của mạng lưới truyền thông Thung lũng Silicon ở Mỹ cho rằng đây là đợt tập huấn của nhà cầm quyền Trung Quốc về khả năng quản lý và kiểm soát. Ví dụ, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số cũng đang được bắt đầu thí điểm trả lương trong các cơ quan hành chính sự nghiệp. Sau này rồi việc bắt buộc dùng sản phẩm nội địa Trung Quốc sẽ tăng cường hơn như dùng hệ điều hành (ví dụ Hongmeng), điện thoại di động, hệ thống kiểm tra năng lực học tập, buộc cài đặt phần mềm chống gian lận… Ông nói: “Để thực hiện mục tiêu phổ biến giám sát kỹ thuật số, ĐCSTQ đã thúc giục các tổ chức và doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thay thế công nghệ nước ngoài (bao gồm máy tính, hệ điều hành và phần mềm) bằng các sản phẩm địa phương mà họ cho là an toàn và có thể kiểm soát được”.
Chính sách bất thường
Nực cười là trong khi chính quyền Trung Quốc đang đẩy mạnh hạn chế các sản phẩm nước ngoài thì họ cũng tiếp tục hô hào mở cửa nhiều hơn. Thứ Bảy tuần trước (2/9), tại Hội chợ Thương mại Dịch vụ Quốc tế Trung Quốc 2023, ông Tập Cận Bình đã lên tiếng hùng hồn qua video với các doanh nhân nước ngoài rằng ông sẽ kiên quyết thúc đẩy mở cửa cao độ, tạo môi trường phát triển cởi mở và toàn diện hơn; các lĩnh vực dịch vụ viễn thông, du lịch, pháp lý… sẽ được mở cửa với thế giới bên ngoài….
Chuyên gia Song Weijun nhận định rằng cách làm của Bắc Kinh đầy mâu thuẫn. Đầu năm nay, họ đã trấn áp một số công ty nước ngoài (kể cả phạt tiền) như làm với Mintz Group… Sao có thể cùng lúc vừa trấn áp bóc lột vừa hô hào “mở rộng cửa”?
Ngày 1/7 Luật Phản gián của ĐCSTQ có hiệu lực. Ngày 1/8 Bộ An ninh Quốc gia ĐCSTQ thông qua “Lệnh vận động công khai Mạng xã hội WeChat”, kêu gọi toàn dân tố cáo những kẻ gián điệp, những người tố giác sẽ được khen thưởng. Điều này xảy ra vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn. Vốn dĩ kỳ vọng phục hồi kinh tế của nhà cầm quyền Trung Quốc sau khi dỡ bỏ ‘Zero COVID’ đã không được như mong đợi, trái lại cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc tiếp tục trầm trọng hơn, tiêu dùng và xuất khẩu suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ gia tăng và cuộc chiến công nghệ Trung-Mỹ ngày càng nóng lên. Đồng thời, môi trường kinh doanh xấu đi của Trung Quốc cũng cản trở các doanh nhân nước ngoài đầu tư.
Gần đây Trung Quốc đã nổi lên làn sóng thoái vốn nước ngoài, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đại Lục trong quý II/2023 chỉ đạt 4,9 tỷ USD, giảm tới 87% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm tới 76% so với quý I.
Liên quan đến lệnh cấm công khai của ĐCSTQ đối với điện thoại di động Apple lần này, tờ WSJ đã đăng một bài phân tích cho rằng động thái này có thể gây thêm “cơn địa chấn” đối với các thương hiệu nước ngoài ở Trung Quốc.
Về vấn đề này, chuyên gia Song Weijun nhận định: “Những chính sách của ông Tập Cận Bình thất thường đến mức thế giới bên ngoài không khỏi thắc mắc nền kinh tế Trung Quốc sẽ đi về đâu trong tương lai. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang trong tình trạng chờ xem”.
Chuyên gia: Bẫy lừa đảo doanh nghiệp nước ngoài
Nhà bình luận chính trị Li Linyi cho rằng logic của thủ đoạn mà chính quyền Trung Quốc dàn dựng là trước tiên để vốn nước ngoài đầu tư mạnh, sau khi họ nhận được tiền thì doanh nhân nước ngoài sẽ dần dần nhận ra rằng các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc bắt đầu bị hạn chế.
Ví dụ tiêu biểu như Tesla và bây giờ là điện thoại di động Apple.
Dưới áp lực của chính quyền Trung Quốc, nếu cuối cùng Apple hay Tesla muốn rút khỏi Trung Quốc thì sẽ khó lấy lại được số tiền đã đầu tư trước đây, đồng thời các nhà máy và thiết bị… sẽ phải bán rẻ.
Ông cho rằng ngay cả khi doanh nhân nước ngoài có kiếm được một số tiền tại Trung Quốc thì cũng không dễ mang ra nước ngoài được. Từ góc độ này, ĐCSTQ càng hô hào “mở cửa” thì các nhà đầu tư càng phải cẩn thận hơn, vì họ có thể lâm cảnh như bị lừa đảo đầu tư.
Về vấn đề kêu gọi mở cửa hơn nữa cho đầu tư nước ngoài của ông Tập Cận Bình, ngày 6/8 kỹ sư Jin Chun (từng có thời gian làm tại Viện nghiên cứu Nam Kinh của hãng công nghệ Huawei Trung Quốc do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn) cũng phân tích với Epoch Times: “ĐCSTQ luôn đầy mánh khóe lừa đảo. Cải cách và mở cửa của Đặng Tiểu Bình là một vụ lừa đảo ở tầm vĩ mô, còn những động thái lẻ tẻ bây giờ cũng vậy. Tất cả các nhà tư bản, tất cả nguồn vốn đưa vào đều chỉ như công cụ để ĐCSTQ tận dụng nhằm duy trì quyền lực, bất cứ lúc nào nhà đầu tư cũng có thể lâm cảnh ‘qua cầu rút ván’”.
Cùng quan điểm, doanh nhân Đài Loan Liao Jinzhang đã kinh doanh ở Trung Quốc hơn 20 năm nói với Epoch Times: ĐCSTQ chưa bao giờ trung thực và không từ thủ đoạn để đạt được mục tiêu; điều mà các doanh nhân mong muốn là một hệ thống công bằng và một môi trường kinh doanh tự do…, nhưng Trung Quốc đơn giản là không có, có vô số ví dụ về những người đã bị lừa dối một cách thảm hại.
Doanh nhân Đài Loan này kết luận chính quyền Trung Quốc đã giăng bẫy “vỗ béo để thịt” doanh nhân nước ngoài, dựa vào thị trường khổng lồ của Trung Quốc để thu hút các công ty nước ngoài giúp họ nâng cao năng lực công nghiệp, nhưng khi đánh cắp được công nghệ sẽ loại bỏ họ.
Chuyên gia Song Weijun cũng cho rằng chính quyền Trung Quốc luôn dùng phương thức “vỗ béo để thịt” đối xử với các doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân. Nhiều khu công nghiệp trong quá trình từ được xây dựng chuyển thành bỏ hoang, doanh nghiệp nước ngoài được chính quyền địa phương mời gọi đầu tư bằng ưu đãi, sau khi đưa vốn vào xong thì họ bị mắc kẹt.
Tuy nhiên, ông Song Weijun nói rằng Bắc Kinh sẽ không đàn áp nghiêm khắc những công ty được coi là hình mẫu cho đầu tư nước ngoài như Tesla, nhưng giả sử nếu Tesla muốn thoái vốn thì khi đó bản chất thực sự của ĐCSTQ sẽ lộ rõ.
Kỹ sư công nghệ Jin Chun từng làm cho Huawei chia sẻ, chính phủ các nước thường chú trọng bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư, nhưng ở Trung Quốc, “chỉ cần bạn mua bất động sản ở Trung Quốc hoặc đặt nhà máy ở Trung Quốc, về cơ bản bạn không thể lấy lại (số tiền đầu tư đó)”.
“Dù cuối cùng bạn thắng hay thua, bạn có thể có được lợi nhuận, nhưng số tiền bạn tiết kiệm không thể rút nó ra”, ông Jin Chun trích dẫn kinh nghiệm của một số người bạn ở Mỹ, “Có rất nhiều ví dụ về việc này trong những người từng kinh doanh ở Trung Quốc, tiền được gửi vào ngân hàng nhưng cuối cùng lại bị chính phủ và doanh nhân thông đồng (tham nhũng) nên không thể rút ra được, có thể trong 10 – 20 năm không rút được, như vậy khác gì bị vào bẫy lừa đảo”.
Từ khóa kinh tế Trung quốc Thị trường Trung Quốc Tesla Apple iphone