Mexico đã quyết định áp dụng thuế nhập khẩu tạm thời từ 5% – 50% đối với 544 sản phẩm, chủ yếu nhắm vào các nước chưa ký thỏa thuận thương mại với họ. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng động thái của Mexico là lấp lỗ hổng và mục tiêu chính của họ là ĐCSTQ; những vấn đề khác như địa chính trị – kinh tế cũng khiến Mexico tăng thuế…

r shutterstock 2039143061
Nhìn từ Ciudad Juarez bang Chihuahua – Mexico, nhiều xe tải chở hàng xếp hàng đi qua cây cầu quốc tế Zaragoza-Ysleta vào El Paso nước Mỹ. (Ảnh: Shutterstock / David Peinado Romero)

Chính phủ Mexico gần đây đã áp mức thuế mới đối với hàng trăm mặt hàng nhập khẩu từ các nước không có hiệp định thương mại với họ. Trong sắc lệnh công bố ngày 22/4, Chính phủ Mexico tuyên bố áp thuế từ 5% – 50% đối với 544 sản phẩm, bao gồm thép, nhôm, dệt may, gỗ, giày dép, nhựa, hóa chất, giấy và bìa cứng, gốm sứ, thủy tinh, vật liệu điện, vật liệu vận tải, nhạc cụ và đồ nội thất.

Nghị định được thi hành từ ngày 23/4/2024 và có hiệu lực 2 năm. Sản phẩm từ các nước mà Mexico có hiệp định thương mại sẽ không bị ảnh hưởng bởi mức thuế mới; các nước đó bao gồm Mỹ, Canada, các nước EU, Úc, Nhật Bản, Chile và Việt Nam.

Trước đó vào ngày 15/8/2023 Mexico tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với thép, nhôm và các sản phẩm khác từ ngày hôm sau đó với mức thuế từ 5% – 25%. Động thái tăng thuế này là điều chỉnh tiếp theo cho đợt tăng thuế tháng 8/2023.

Bộ trưởng Kinh tế Raquel Buenrostro của Mexico cho biết tại một sự kiện công khai rằng, mục tiêu của chính phủ Mexico là “ngăn cạnh tranh không lành mạnh”. Bà nói, nhiều sản phẩm vào Mexico với giá rất thấp khiến chúng thay thế các nhà sản xuất nội địa Mexico. Việc nhập khẩu đáng lo ngại chủ yếu đến từ các nước mà Mexico không có hiệp định thương mại. Bà không đề cập cụ thể đến Trung Quốc, nhưng nói rõ rằng hàng nhập khẩu “được định giá thấp” chủ yếu đến từ châu Á.

Chính phủ Mexico cũng cho biết nghị định thuế quan mới nhằm mục đích “duy trì khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp nhạy cảm nhất, như ngành điện, điện tử, ô tô và phụ tùng ô tô”.

Mức thuế mới được cho là chủ yếu nhắm vào ĐCSTQ

Nhiều nhà phân tích ở Mexico tin rằng động thái áp thuế mới của Chính phủ nước này dường như chủ yếu nhằm vào ĐCSTQ.

Trước đó Mỹ cáo buộc ĐCSTQ bán phá giá hàng hóa với giá thấp hơn chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến giá cả toàn cầu. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, thép ban đầu đến từ những nơi đã được gia công ở Mexico sau đó xuất khẩu sang Mỹ, như thể sản phẩm đó được sản xuất ở Mexico.

Theo Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Mỹ, Canada và Mexico có chính sách thuế quan đặc biệt ưu đãi cho nhau. Do đó kể từ khi cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ bùng nổ vào năm 2018, Mexico được coi là “bàn đạp” cho hàng hóa Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Nước Mỹ Latin này cũng đã trở thành điểm đến chính cho các chính sách “gần bờ” Mỹ của ĐCSTQ. Cái gọi là gần bờ đề cập đến việc các công ty di chuyển cơ sở sản xuất đến gần thị trường mà họ muốn đưa hàng hóa vào.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mexico, chiều ngược lại Mexico cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc ở Mỹ Latin. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan ĐCSTQ, tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Mexico vào năm 2023 đạt 100,2 tỷ USD, trong đó đối với Trung Quốc thì lượng xuất khẩu là 81,5 tỷ USD và nhập khẩu là 18,7 tỷ USD. Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu sang Mexico linh kiện điện tử, đồ dùng nhà bếp, phụ tùng xe cơ giới; trong khi chủ yếu nhập khẩu dầu thô, thiết bị điện, dụng cụ y tế…

Dữ liệu từ nền tảng dữ liệu vận chuyển Xeneta cho thấy lưu lượng container giữa Trung Quốc và Mexico vào năm 2023 tăng với tốc độ hàng năm là 34,8%, tăng 3,5% so với năm 2022.

Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times vào ngày 4/5, chuyên gia Mike Sun về chiến lược đầu tư cấp cao của Mỹ vào Trung Quốc và cố vấn đầu tư tư nhân, cho biết rằng động thái của Mexico là nhằm vào ĐCSTQ. Mike Sun cho biết trong vài năm qua, đặc biệt là sau khi cựu Tổng thống Mỹ Trump phát động cuộc chiến thương mại với ĐCSTQ, một lượng lớn hàng hóa Trung Quốc đã đổ vào Mexico thông qua thương mại hoặc đầu tư, mục đích là thâm nhập thị trường Mỹ thông qua Khu vực Thương mại Tự do Bắc Mỹ và được hưởng ưu đãi miễn thuế. Vì vậy, rõ ràng Mexico đang cố gắng bịt lỗ hổng này và họ đang có những bước tiến triển nhanh chóng. Ông cũng cảnh báo ĐCSTQ đang chơi trò chơi núp bóng, ngụy trang hàng hóa Trung Quốc thành sản phẩm của Đông Nam Á, sử dụng bao bì và giấy chứng nhận xuất xứ địa phương để lách thuế và hệ thống hạn ngạch. Thủ đoạn này đã có không ít tiền lệ trước đây.

Công ty Trung Quốc lợi dụng Mexico để vào Mỹ

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung căng thẳng thì Mexico được coi là điểm trung chuyển cho hàng Trung Quốc tránh thuế quan của Mỹ, theo đó nhiều công ty Trung Quốc đã đặt ra xu hướng lập nhà máy ở Mexico. Trong những năm gần đây, nhiều công ty Trung Quốc đã chuyển đến các khu công nghiệp ở phía bắc Mexico. Hiệp hội các khu công nghiệp Mexico cũng cho biết, tính đến năm 2027, toàn bộ đất dự kiến ​​xây dựng ở nhiều khu công nghiệp Mexico đã được Trung Quốc mua.

Các công ty Trung Quốc đặt nhà máy ở Mexico ngoài việc tiết kiệm chi phí vận chuyển bằng cách đưa dây chuyền sản xuất của họ đến gần hơn với thị trường Mỹ, quan trọng hơn là sản phẩm của họ được coi là sản phẩm 100% của Mexico. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ, điều này có nghĩa là các công ty Trung Quốc có thể né tránh thuế quan và lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc.

Vì một trường hợp năm 2022, một công ty nội thất Trung Quốc thành lập một nhà máy lớn ở miền bắc Mexico đã tuyển dụng 450 nhân viên tại địa phương, sản xuất ghế tựa và ghế sofa da 100% “Made in Mexico” và bán cho các chuỗi cửa hàng lớn ở Mỹ. Công ty này có kế hoạch tăng gấp 3- 4 lần năng lực sản xuất tại địa phương Mexico, trong vài năm tới tăng số lượng nhân viên lên hơn 1200 người và bổ sung thêm dây chuyền sản xuất mới tại nhà máy.

Trong thời điểm xảy ra xung đột thương mại toàn cầu, “thuê ngoài gần bờ” là con đường thuận lợi đến Mỹ và điều đó cũng mang lại cho Mexico lợi thế quan trọng, thành động lực thúc đẩy nền kinh tế Mexico. Điều này cũng cho phép Mexico tìm được chỗ đứng chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ: Mexico đã vượt qua Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.

Áp lực của Mỹ đối với Mexico có hiệu quả

Vào ngày 18/4 năm nay, Bộ trưởng Kinh tế Buenrostro của Mexico đã gặp Đại sứ Trương Nhuận (Zhang Run) của ĐCSTQ tại Mexico. Ông Buenrostro cho hay hoan nghênh các công ty Trung Quốc đầu tư; Mexico đưa ra các ưu đãi kinh tế củng cố chuỗi công nghiệp và phục vụ chính sách công nghiệp quốc gia.

Tuy nhiên, chỉ 4 ngày sau cuộc gặp đó thì Mexico đã đưa ra “Nghị định về sửa đổi Luật thuế xuất nhập khẩu và thuế quan”, có hiệu lực vào ngay ngày hôm sau sau khi công bố Nghị định, khiến các doanh nghiệp liên quan trở tay không kịp. Một số chuyên gia địa chính trị và thương mại cho rằng Mexico áp thuế từ 5% – 50% vì không muốn xuất hiện vấn đề trong quan hệ với Mỹ.

Vào tháng Ba năm nay, sau khi hoàn tất cuộc điều tra chống bán phá giá, Mexico đã áp mức thuế bổ sung tạm thời lên tới 31% đối với thép bi và đinh thép nhập khẩu từ Trung Quốc, động thái này được coi là biện pháp hợp tác với chính sách của Mỹ.

Dưới áp lực của Mỹ, Chính phủ Mexico cũng quyết định giữ khoảng cách với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, từ chối đưa ra các ưu đãi như đất công giá rẻ hay giảm thuế cho doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư sản xuất xe điện. Các quan chức hàng đầu của Mexico vào tháng Một đã nói rõ trong cuộc đàm phán với nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD, rằng họ sẽ không ưu đãi cho các nhà sản xuất ô tô như trước đây và sẽ đình chỉ mọi cuộc đàm phán trong tương lai với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

Động thái này được cho là do áp lực từ Chính phủ Mỹ, đặc biệt là Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR). USTR yêu cầu các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc bị loại khỏi khu vực thương mại tự do được thành lập theo Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ. Các hãng xe Trung Quốc này sử dụng Mexico làm cửa hậu để bán ô tô điện giá rẻ vào Mỹ mà không phải trả mức thuế hiện hành của Mỹ đối với Trung Quốc lên tới 27,5%.

Ngày 17/4 khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có bài phát biểu trước các công nhân thép ở Pittsburgh bang Pennsylvania, ông đã công bố một số biện pháp thương mại đối với Trung Quốc như tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm thép và nhôm, gây áp lực buộc Mexico ngừng làm trung gian cho phép Trung Quốc bán các sản phẩm thép và nhôm sang Mỹ, đồng thời mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các hoạt động thương mại của Trung Quốc trong lĩnh vực đóng tàu, hàng hải và hậu cần. Ông cũng cho biết, Mỹ gần đây đã cử phái đoàn tới Mexico để tham khảo ý kiến ​​của Tổng thống Mexico về vấn đề này.

Phân tích: Việc tăng thuế của Mexico là tất yếu

Chuyên gia về Trung Quốc là ông Vương Hách (Wang He – người Mỹ gốc Hoa) nói với phóng viên Epoch Times rằng Mexico đóng một vai trò đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu với cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung: Thứ nhất, nước này giáp với Mỹ; thứ hai, nước này tham gia Thương mại Tự do Mỹ-Canada-Mexico; ngoài ra, khi Mỹ thúc đẩy tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu đã cho Mexico cơ hội lịch sử, giá trị của nó đã được chứng minh vào thời điểm này.

Ông chỉ ra Mỹ là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới và quyết định mua hàng hóa ở đâu của Mỹ gây ảnh hưởng mạnh đến cục diện thương mại toàn cầu. Để tránh mức thuế cao do Mỹ áp đặt, ĐCSTQ đã chọn xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ thông qua Mexico. Tuy nhiên, cả Mỹ và Mexico đều nhận thức rõ tình trạng này. Hiện nay cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng trở nên khốc liệt, Mỹ quyết tâm cắt đứt kênh này. Thỏa thuận Mỹ-Canada-Mexico cung cấp cho Mỹ các công cụ có sẵn, Mỹ sẽ cân nhắc xem vào năm 2026 có nên gia hạn thỏa thuận hay không – đó là điều buộc Mexico phải liên kết với Mỹ về vấn đề này.

“Đánh giá từ tình hình hiện tại, việc Mexico tăng thuế gần như không thể tránh khỏi”, ông Vương Hách nói, “Mexico ngày càng nhận thức được giá trị địa kinh tế của mình và họ phải chơi tốt lá bài này”.

Ông cũng cho rằng việc ký Thỏa thuận Mỹ-Canada-Mexico sẽ rất bất lợi cho ĐCSTQ, vì Trung Quốc không có quy chế kinh tế thị trường, trong khi bất kỳ nước nào không có quy chế kinh tế thị trường mà muốn ký kết thỏa thuận với Mexico thì cần thông qua tham vấn với Mỹ. Ông nói: “Vì vậy, vị thế của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu rất thụ động, trừ khi quan hệ Trung-Mỹ được cải thiện và hai bên hướng tới hợp tác hơn là cạnh tranh. Mỹ đang phong tỏa ĐCSTQ trên quy mô toàn cầu, theo xu hướng chung này thì Mexico không có lựa chọn nào khác ngoài việc đứng cùng mặt trận với Mỹ”.