Một công ty Hytera của Trung Quốc đã thừa nhận trước tòa án liên bang Mỹ hôm thứ Hai (13/1) rằng họ đã đánh cắp công nghệ máy bộ đàm của Motorola Solutions có trụ sở tại Chicago.

motorola
Logo Motorola ở Schaumburg, Illinois, Hoa Kỳ. (Ảnh: Shutterstock)

Công ty Hytera Communications của Trung Quốc đã thừa nhận tội danh trọng tội liên quan đến âm mưu đánh cắp bí mật thương mại.

Theo thỏa thuận nhận tội, năm 2008, các cá nhân có liên quan đến Hytera đã đồng ý đánh cắp tài liệu và mã nguồn liên quan đến công nghệ vô tuyến di động kỹ thuật số (bộ đàm) của Motorola. Tài liệu của tòa án cho thấy, công ty đã sử dụng một số thông tin bị đánh cắp để phát triển các sản phẩm Hytera mà sau đó được bán ở Illinois, tài liệu tòa án cho thấy.

Công ty Trung Quốc này phải đối mặt với mức phạt lên tới 60 triệu USD và cũng sẽ phải bồi thường đầy đủ cho Motorola dựa trên phán quyết.

Hytera là hãng sản xuất máy bộ đàm hàng đầu Trung Quốc và được mệnh danh là “Tiểu Huawei” trong ngành truyền thông mạng riêng (Private Network).

Nhìn lại bối cảnh vụ án kéo dài gần 7 năm

Vào ngày 15/3/2017, Motorola và Motorola Malaysia đã kiện Hytera và các công ty con Hytera USA và Hytera America West vì cáo buộc vi phạm bản quyền bí mật thương mại và vi phạm bằng sáng chế. Vụ kiện được Tòa án Liên bang khu vực Bắc Illinois, Mỹ tiếp nhận.

Bản cáo trạng cáo buộc rằng Hytera Communications đã tuyển dụng và thuê nhân viên của Motorola và chỉ đạo họ lấy thông tin độc quyền và bí mật thương mại từ Motorola mà không được phép.

Các nhân viên đã lấy được thông tin bí mật thương mại từ cơ sở dữ liệu nội bộ khi vẫn còn làm việc cho Motorola, và gửi nhiều email mô tả ý định sử dụng công nghệ của họ tại Hytera.

Bản cáo trạng nêu rõ rằng từ năm 2007 đến năm 2020, Hytera và các nhân viên được tuyển dụng đã sử dụng thông tin bí mật thương mại và độc quyền của Motorola để đẩy nhanh quá trình phát triển sản phẩm DMR của Hytera, đào tạo nhân viên Hytera, đồng thời tiếp thị và bán sản phẩm DMR của Hytera trên khắp thế giới.

Bản cáo trạng cũng cáo buộc rằng Hytera đã trả lương và đãi ngộ cho nhân viên được tuyển dụng cao hơn so với những nhân viên nhận được tại Motorola.

Theo biên bản cuộc họp năm 2007 của Hytera, ưu tiên hàng đầu của công ty là lĩnh vực radio di động, với mục tiêu “đánh bại Motorola trên thị trường trung và cao cấp”. Nhân viên đầu tiên của Motorola được Hytera chiêu mộ là G.K. Kok, người hiện đang chờ tuyên án sau khi nhận tội.

Công tố viên cho biết Hytera đã trả cho Kok mức lương 165.000 USD, cao hơn 75% so với mức lương ông từng nhận tại Motorola. Đồng thời, Kok còn được cấp 600.000 USD dưới dạng quyền chọn cổ phiếu. Kok chịu trách nhiệm chính trong việc tuyển dụng các nhân viên khác của Motorola tham gia Hytera. Hytera tiếp tục bán các sản phẩm radio được làm bằng công nghệ đánh cắp trên khắp thế giới cho đến năm 2019.

Vào ngày 5/3/2020, Tòa án Liên bang khu vực Bắc Illinois đã đưa ra phán quyết sơ thẩm, cho rằng Hytera và các công ty con Hytera America và Hytera America West đã vi phạm bí mật thương mại và bản quyền của Motorola. Theo phán quyết, Hytera phải bồi thường thiệt hại cho Motorola số tiền 346 triệu USD và bồi thường mang tính trừng phạt là 419 triệu USD, tổng cộng 765 triệu USD.

Hytera từ chối chấp nhận phán quyết sơ thẩm của tòa án Mỹ. Vào tháng 6/2022, Hytera đã đệ đơn kiện lên Tòa án Trung cấp thành phố Thâm Quyến, tuyên bố rằng các sản phẩm dòng H mới được thiết kế và phát triển của họ không vi phạm bí mật thương mại và bản quyền của Motorola.

Sau khi Hytera đệ đơn kiện lên Tòa án Trung cấp thành phố Thâm Quyến và bước vào giai đoạn xét xử, Motorola đã đệ trình lệnh cấm khởi kiện lên tòa án Mỹ, yêu cầu Hytera rút lại việc vụ kiện ở Thâm Quyến. Tòa án Mỹ đã phê chuẩn lệnh cấm khởi kiện vào 25/3/2024.

Vào ngày 8/4/2024, Hytera đưa ra một thông báo cho biết họ đã nhận được lệnh của tòa án Mỹ, trong đó xác định rằng công ty chưa tuân thủ đầy đủ lệnh cấm của tòa. Theo phán quyết, tòa tạm thời cấm Hytera bán các sản phẩm sử dụng công nghệ radio hai chiều trên phạm vi toàn cầu và áp dụng mức phạt 1 triệu USD mỗi ngày cho đến khi công ty hoàn toàn tuân thủ lệnh cấm khởi kiện.

Hytera được thành lập vào năm 1993 và có trụ sở chính tại Thâm Quyến. Hoạt động kinh doanh chính của công ty là thiết bị liên lạc không dây chuyên nghiệp như thiết bị đầu cuối bộ đàm và hệ thống trung kế. Các thương hiệu của công ty bao gồm Hytera, Sepura, Teltronic, Norsat, v.v. Công ty tập trung vào cung cấp các giải pháp tích hợp liên lạc, chỉ huy và điều phối chuyên dụng cho khách hàng trong các lĩnh vực an ninh công cộng, khẩn cấp, giao thông vận tải và các ngành khác. Công ty được gọi là “Tiểu Huawei” trong lĩnh vực thông tin.

Trí Đạt (t/h)