Doanh nghiệp TQ bị tác động mạnh bởi ‘Đạo luật’ mới của Mỹ về Hồng Kông
- Trịnh Văn
- •
Ngày 27/11 Tổng thống Mỹ Trump đã ký “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông” và “Đạo luật Bảo vệ Hồng Kông”, là những luật có sức mạnh răn đe lớn. Ngay lập tức, giá cổ phiếu của một số công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài đã nhanh chóng lao dốc, kế tiếp có thể sẽ xảy ra hiệu ứng dây chuyền.
Ngày 27/11, Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông đã ký “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông” để chính thức trở thành luật. Ngay sau đó đông đảo thành viên của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ đã lần lượt bày tỏ ủng hộ người dân Hồng Kông trong cuộc đấu tranh cho tự do.
Trong một tuyên bố của Nhà Trắng, ông Trump cho biết: “Một số điều khoản của đạo luật sẽ can thiệp vào việc Tổng thống thể hiện uy quyền Hiến pháp liên quan đến chính sách đối ngoại của Mỹ. Chính quyền hành chính của tôi sẽ ứng xử với từng mục của đạo luật sao cho phù hợp thẩm quyền Hiếp pháp của Tổng thống về quan hệ đối ngoại.”
Ông cũng đã ký “Đạo luật Bảo vệ Hồng Kông”. Đạo luật này cấm Mỹ xuất khẩu các sản phẩm kiểm soát đám đông cho chính quyền Hồng Kông như đạn hơi cay, bình xịt hơi cay và đạn cao su.
Ngày 28/11, Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ với việc Tổng thống Trump ký “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông”, yêu cầu Mỹ không thực hiện luật này và cảnh báo rằng động thái sẽ gây thiệt hại lớn hơn cho sự hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng giữa hai nước. Liên quan đến vấn đề thông qua đạo luật sẽ ảnh hưởng thế nào đến đàm phán thương mại Mỹ – Trung, phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, “Vấn đề này sớm muộn sẽ đến”.
Sau khi TT.Trump ký dự luật nêu trên để chính thức thành luật, hàng năm Bộ Ngoại giao Mỹ có nghĩa vụ nộp báo cáo lên Quốc hội để xác thực tình trạng quyền tự chủ của Hồng Kông vẫn đáp ứng các yêu cầu của “Đạo luật Chính sách Hồng Kông” ban hành năm 1992, để xem xét Hồng Kông có thể tiếp tục được hưởng quy chế ưu đãi thương mại đặc biệt từ Mỹ. Quy chế đối xử này có ý nghĩa rất lớn để Hồng Kông thành trung tâm tài chính thế giới.
Theo luật này, các quan chức Trung Quốc liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt tương ứng, điều này có thể làm thay đổi căn bản mối quan hệ giữa Mỹ và Hồng Kông. Theo “Đạo luật Chính sách Hồng Kông” năm 1992, Hồng Kông được Mỹ xem là có địa vị đặc biệt khác với Trung Quốc Đại Lục trong các lĩnh vực như thương mại và giao thông vận tải. Nhưng trong trường hợp nếu Tổng thống Mỹ xác định Khu hành chính đặc biệt này đã “không có quyền tự chủ đầy đủ” thì Mỹ có quyền ký lệnh hành pháp để tạm đình chỉ quy chế đối xử đặc biệt tại Hồng Kông.
Từ góc nhìn kinh tế, Hồng Kông có vị thế đặc thù của một trung tâm tài chính quốc tế, lý do vì nơi đây là một khu vực thương mại và thuế quan riêng hoàn toàn khác Trung Quốc Đại Lục. Trong trường hợp chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, thuế quan trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ không áp dụng đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Hồng Kông sang Mỹ.
Nhưng sau khi “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông” có hiệu lực, nếu xảy ra trường hợp Hồng Kông bị Mỹ hủy bỏ địa vị đặc biệt, nhìn từ góc độ Hải quan Mỹ thì khi đó Hồng Kông sẽ chỉ được xem như một cảng thương mại của Trung Quốc, như vậy hàng hóa xuất khẩu từ Hồng Kông sẽ bị đánh thuế tương tự thuế quan áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu từ Đại Lục. Những công ty làm ăn tại Hồng Kông mà lợi nhuận chủ yếu dựa vào hoạt động thương mại trung gian và trung chuyển sẽ gặp khó khăn về sinh kế, khi đó có thể phải tính toán chuyển hoạt động sang các khu vực khác.
Trong một bài viết công bố vào hôm 11/4 trên trang secretchina.com (Mỹ) liên quan đến dự đoán rằng ông Tập Cận Bình có thể muốn thay đổi vai trò kiểm soát quyền lực tại Hồng Kông sau Hội nghị toàn thể trung ương 4, nhóm phân tích chính trị và kinh tế Thiên Vận đã cho rằng: Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong suốt ba năm qua, còn Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc; Trung Quốc Đại Lục là đối tác thương mại lớn nhất của Hồng Kông, còn Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hồng Kông; Hồng Kông là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc Đại Lục, Hồng Kông là đối tác thương mại lớn thứ 19 của Mỹ, là nơi xuất khẩu hàng hóa lớn thứ chín. Trung Quốc Đại Lục có thể dựa vào địa vị cảng thương mại tự do tại Hồng Kông để thực hiện các giao dịch thương mại khổng lồ. Năm 2016, định mức tái xuất khẩu (thương mại trung chuyển, re-exportation) tại Hồng Kông đạt gần 500 tỷ Đô la Mỹ.
Ngoài ra, các đạo luật như “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông” cũng đã ảnh hưởng đến các công ty Trung Quốc đầu tư. Tính đến cuối quý Ba năm nay, có tổng số 2395 công ty niêm yết trên thị trường cấp một (Main-Board Market) và thị trường cấp hai (Growth Enterprise Market) của Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông, trong đó chiếm 50% công ty niêm yết từ Trung Quốc Đại Lục tương ứng với giá trị thị trường là 68% và chiếm lượng giao dịch trung bình hàng ngày là 79%.
Tháng 10 năm nay, 22 công ty đã được niêm yết tại Hồng Kông, trong đó 3 công ty từ nước ngoài, 4 công ty bản địa Hồng Kông, 15 công ty từ Trung Quốc Đại Lục (bao gồm 2 cổ đông kiểm soát từ Trung Quốc Đại Lục), chiếm 68,2%, tất cả 15 công ty đều tham gia thị trường cấp một, chiếm 75% trong số 20 công ty niêm yết thị trường cấp một trong tháng Mười.
Ngày 14/11, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung (USCC) đã đệ trình lên Quốc hội “Báo cáo kiến nghị chiến lược cạnh tranh đối với Trung Quốc năm 2019”, khuyến nghị Quốc hội ban hành luật cấm các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ trong bốn tình huống:
1. Công ty không kịp thời cung cấp cho Ủy ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng (PCAOB) các giấy tờ công việc kiểm toán liên quan đến tình trạng hoạt động tại Trung Quốc;
2. Quy trình công bố thông tin của công ty không đáp ứng các tiêu chuẩn tốt nhất của Mỹ và EU;
3. Công ty áp dụng mô hình Thực thể lợi ích biến đổi (Variable Interest Entities, VIE);
4. Công ty không tuân thủ Công bố quy định công bằng (Regulation Fair Disclosure) và không đồng thời cung cấp thông tin quan trọng cho tất cả các nhà đầu tư.
Ngày 27/11 đã xảy ra hiện tượng lao dốc giá cổ phiếu của một số công ty có đầu tư Trung Quốc được niêm yết tại Hồng Kông, trong đó có những tập đoàn hàng đầu sụt giảm nghiêm trọng mà có thời điểm mức giảm đến gần 80%, phải tuyên bố dừng giao dịch, ví như Virscend Education giảm gần 80%, ArtGo Hldgs giảm ‘thảm kịch’ đến 98%. Trong tuần qua, chứng khoán Trung Quốc tại Hồng Kông liên tục sụt giảm, trong thời gian tới nhiều khả năng giá cổ phiếu nhiều công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài có thể tiếp tục biến động lớn hơn.
Trịnh Văn
Xem thêm:
Từ khóa chứng khoán Cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông