Đồng Ruble mất giá mạnh, giới nhà giàu Nga đổ xô mua đồ xa xỉ để bảo vệ tài sản
- Phan Anh
- •
Lệnh trừng phạt từ nhiều quốc gia dẫn đến việc đồng Ruble mất giá mạnh, trong khi thị trường chứng khoán lao đao khiến giới nhà giàu của Nga phải chuyển hướng sang mua trang sức và đồng hồ xa xỉ nhằm giữ giá trị đồng tiền. Trước đó, người dân nước này đã phải xếp hàng dài tại các máy ATM để đổi ngoại tệ với lý do tương tự.
Tương tự như vàng, đồng hồ và đồ trang sức xa xỉ có thể được lưu trữ và thậm chí tăng giá trị trong bối cảnh xảy ra bất ổn về mặt kinh tế. Đồng hồ của các hãng nổi tiếng có thể được bán ở thị trường thứ cấp với giá cao gấp 3-4 lần mức giá bán lẻ của chúng.
Doanh số tại các cửa hàng thuộc hãng sản xuất thời trang, phụ kiện, đồng hồ, đồ trang sức cao cấp của Ý Bulgari S.P.A. đã tăng vọt trong những ngày gần đây kể từ khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra hôm 24/2 vừa qua.
Giám đốc điều hành Bulgari S.P.A., ông Jean-Christophe Babin chia sẻ với hãng tin Bloomberg (Mỹ): “Về ngắn hạn, sự kiện này kích thích hoạt động kinh doanh của chúng tôi”. Ông Babin cũng miêu tả trang sức của Bulgari là loại “đầu tư an toàn”.
Ông Babin nhận định: “Khó có thể đoán định được nó sẽ kéo dài bao lâu bởi với biện pháp trừng phạt SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu) được áp đặt, sẽ khó khăn hoặc thậm chí là bất khả thi để xuất khẩu đến Nga”. Ngoài ra, Nga đã đóng cửa không phận với các quốc gia châu Âu trong khi một số công ty vận tải lớn nhất lục địa này cũng ngừng vận chuyển đến Nga.
Trong khi các thương hiệu hàng tiêu dùng như Apple, Nike… đều đã rút khỏi Nga thì các thương hiệu hàng xa xỉ châu Âu vẫn cố gắng duy trì vận hành tại quốc gia này. Không chỉ có Bulgari, Cartier vẫn kinh doanh trang sức và đồng hồ, bên cạnh đó là những thương hiệu như Omega thuộc tập đoàn Swatch và Rolex.
Ông Babin nói thêm: “Chúng tôi ở đây vì người dân Nga, không phải vì thế giới chính trị. Chúng tôi đã hoạt động ở nhiều quốc gia khác nhau vốn đã có quãng thời gian căng thẳng và bất ổn”.
Lãnh đạo của Bulgari cho hay hãng này có khả năng nâng giá sản phẩm bán tại Nga với lập luận rằng khi đồng Ruble giảm giá trị nên cần phải cân đối mức giá. Bulgari được thành lập năm 1884 và đến năm 2011 do tập đoàn LVMH mua lại.
Các nhà phân tích tại Morgan Stanley (Mỹ) cho biết doanh số bán hàng tại Nga và cho người Nga ở nước ngoài chỉ chiếm chưa đầy 2% doanh thu của LVMH và Swatch còn Richemont là 3%.
Thực tế này một phần là do sự chênh lệch về thu nhập và sự giàu có của người Nga, với một số ít tỷ phú tài phiệt có lối sống xa hoa hơn những người bình thường. Mức lương trung bình hàng tháng ở Moscow là khoảng 113.000 Ruble (khoảng 1.350 USD theo tỷ giá hối đoái trước khi bùng nổ giao tranh). Con số này tại các vùng nông thôn thấp hơn nhiều.
Theo Al Jazeera,
Phan Anh
Từ khóa xung đột Nga - Ukraine Dòng sự kiện trừng phạt Nga