Liên minh Châu Âu hôm thứ Tư (12/6) đã công bố trước về mức thuế tạm thời đối với xe điện của Trung Quốc nhằm chống lại chính sách trợ cấp không công bằng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Một số nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế tạm thời bổ sung lên tới 38,1%.

xe dien trung quoc
Ngày 10/1/2024, xe điện BYD đang chờ xếp hàng để xuất khẩu tại cảng ở thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông. (Ảnh: STR/AFP)

Ủy ban Châu Âu cho biết trong một thông cáo báo chí hôm thứ Tư rằng là một phần của cuộc điều tra chống trợ cấp đang diễn ra, Ủy ban Châu Âu đã tạm thời kết luận rằng chuỗi giá trị xe thuần điện (BEV) của Trung Quốc được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp không công bằng có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất BEV của EU, gây nguy cơ gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp.

Do đó, EU đã tiết lộ trước vào thứ Tư về việc áp dụng thuế chống trợ cấp tạm thời đối với xe điện của Trung Quốc. EU sẽ áp dụng mức thuế bổ sung lần lượt là 17,4%, 20% và 38,1% đối với các công ty BYD, Geely Automobile và SAIC Motor bên cạnh mức thuế 10% hiện có. Điều này có nghĩa là EU sẽ áp thuế lên tới gần 50% đối với xe điện của SAIC Motor.

Vào tháng Mười năm ngoái, Ủy ban Châu Âu đã chính thức mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với 3 công ty Trung Quốc là BYD, Geely Automobile và SAIC Motor trên cơ sở lấy mẫu. Theo thông cáo báo chí do Ủy ban Châu Âu đưa ra, tất cả các nhà sản xuất xe thuần điện khác của Trung Quốc hợp tác với cuộc điều tra nhưng không được lấy mẫu sẽ bị đánh thuế bổ sung 21%; tất cả các nhà sản xuất xe thuần điện khác của Trung Quốc không hợp tác trong cuộc điều tra sẽ bị áp mức thuế bổ sung 38,1%.

Sau khi tiết lộ trước mức thuế, bước tiếp theo là gì?

Vào ngày 4/10/2023, Ủy ban Châu Âu đã mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện chở khách nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mọi cuộc điều tra phải được kết thúc trong vòng 13 tháng kể từ khi bắt đầu. Ủy ban có thể công bố thuế tạm thời trong vòng 9 tháng sau khi cuộc điều tra được bắt đầu (muộn nhất là ngày 4/7). Mức thuế cuối cùng sẽ được thực hiện trong vòng 4 tháng kể từ mức thuế tạm thời, thường sẽ kéo dài 5 năm.

Ủy ban Châu Âu đã thông báo cho tất cả các bên liên quan – bao gồm cả Chính phủ Trung Quốc và các công ty Trung Quốc – cũng như các quốc gia thành viên EU vào thứ Tư sau khi tiết lộ trước về thuế chống trợ cấp tạm thời.

Ủy ban cho biết hôm thứ Tư rằng họ đã liên hệ với chính quyền ĐCSTQ để thảo luận về một số kết quả điều tra, đồng thời tìm ra các giải pháp khả thi cho vấn đề này. Nếu các cuộc thảo luận với chính quyền ĐCSTQ không đạt được giải pháp hiệu quả, thuế chống trợ cấp tạm thời này sẽ bắt đầu được áp dụng vào khoảng ngày 4/7, với hình thức cụ thể do cơ quan hải quan từng nước thành viên xác định.

Ủy ban Châu Âu cũng sẽ gửi thông tin chi tiết tương ứng đến các công ty được lấy mẫu và các công ty này có thể đưa ra ý kiến ​​về tính chính xác của kết quả tính thuế suất trong vòng 3 ngày. Nếu những ý kiến ​​cuối cùng này cung cấp đủ bằng chứng bác bỏ, Ủy ban Châu Âu có thể sửa đổi nó một cách hợp pháp và tính toán mức thuế tạm thời mới.

Chậm nhất là ngày 4/7, Ủy ban Châu Âu sẽ công bố một quy định trên thông cáo chính thức, nêu chi tiết những phát hiện tạm thời dẫn đến việc áp dụng các mức thuế này. Thuế quan tạm thời sẽ có hiệu lực vào ngày sau khi chúng được công bố. Tất cả các bên liên quan có 15 ngày để đưa ra bình luận.

EU cho biết mục đích áp dụng thuế chống trợ cấp tạm thời là nhằm loại bỏ những lợi thế cạnh tranh không công bằng mà các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc có được do chương trình trợ cấp không công bằng của ĐCSTQ. Do đó, các mức thuế này nhằm đảm bảo rằng các ngành công nghiệp của EU và Trung Quốc cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng.

Theo thông cáo báo chí từ Ủy ban Châu Âu, ô tô do ‘gã khổng lồ’ ô tô điện Tesla của Mỹ sản xuất tại Trung Quốc có thể nhận được mức thuế suất tính riêng trong giai đoạn cuối. Nếu bất kỳ công ty sản xuất nào khác ở Trung Quốc không được chọn vào mẫu cuối cùng, nếu muốn điều tra các trường hợp đặc biệt của mình, họ có thể yêu cầu xem xét nhanh theo Quy định chống trợ cấp cơ bản sau khi EU thực hiện các biện pháp thuế quan cuối cùng. Thời gian hoàn thành việc xem xét là 9 tháng.

Chuyên gia: EU nên nâng cao mức thuế nhập khẩu đối với xe điện Trung Quốc

Khi được hỏi EU có thể thực hiện những biện pháp bổ sung nào để hỗ trợ ngành công nghiệp xe điện của mình nếu thuế quan tạm thời của EU có hiệu lực cuối cùng, bà Megan Khoo, cố vấn nghiên cứu và chính sách cho tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch của Anh, cựu chuyên gia phân tích tại Booz Allen Hamilton, nói với tờ Epoch Times rằng Ủy ban Châu Âu nên tăng thêm thuế nhập khẩu đối với các công ty xe điện Trung Quốc sau khi cuộc điều tra chống trợ cấp kết thúc, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ô tô nội địa của EU và nhân quyền trên toàn thế giới. Vào năm 2023, xe điện của Trung Quốc chiếm 37% lượng xe điện nhập khẩu của EU, tăng từ 1,6 tỷ USD lên 11,5 tỷ USD chỉ sau 4 năm.

Bà nói rằng như đã nêu trong Bản tóm tắt giám sát của Hong Kong Watch về cuộc điều tra đối với xe điện BYD, các quy định mới ngăn chặn các sản phẩm sử dụng lao động cưỡng bức xâm nhập vào thị trường EU cũng sẽ cấm xe điện Trung Quốc thống trị thị trường một cách hiệu quả, bởi vì có hồ sơ đầy đủ cho thấy rõ chúng có liên quan đến lao động cưỡng bức ở Tân Cương.

Megan Khoo cho rằng ngoài thuế quan, Ủy ban châu Âu cũng nên sử dụng các công cụ phi truyền thống để bảo vệ ngành ô tô EU. Trong một báo cáo gần đây có tiêu đề “Ain’t No Duty High Enough”, Rhodium Group cho biết, cân nhắc đến các cảm biến và camera trên xe ô tô Trung Quốc, điều này có thể bao gồm việc chỉ định xe điện của Trung Quốc là phương tiện rủi ro an toàn mạng và ra mắt phiên bản xe điện với hộp công cụ 5G của EU.

Cuộc chiến thương mại EU-Trung Quốc sắp bắt đầu và EU vẫn đang tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với dầu diesel sinh học Trung Quốc.

Toàn cầu phản ứng 

Theo báo cáo của Reuters hôm 12/6, trên thế giới đã có nhiều phản ứng trái chiều liên quan đến việc EU áp thuế bổ sung đối với xe điện Trung Quốc.

Ông Ola Källenius, Giám đốc điều hành của Mercedes-Benz Đức, cho biết: “Là một nước xuất khẩu, chúng ta không cần tăng các rào cản thương mại. Chúng ta nên nỗ lực loại bỏ các rào cản thương mại theo tinh thần của Tổ chức Thương mại Thế giới”.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA) cho biết: “ACEA luôn tin tưởng chắc chắn rằng thương mại tự do và công bằng là rất quan trọng để xây dựng một ngành công nghiệp ô tô châu Âu cạnh tranh toàn cầu, còn cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy sự đổi mới và cung cấp cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn. Thương mại tự do và công bằng có nghĩa là đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các đối thủ cạnh tranh, nhưng nó chỉ là một phần quan trọng của bức tranh cạnh tranh toàn cầu.”

Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc NIO sẽ bị đánh thuế 21%. Họ đưa ra tuyên bố: “Chúng tôi kiên quyết phản đối việc sử dụng mức thuế tăng như một biện pháp để cản trở hoạt động thương mại bình thường của xe điện trên toàn cầu. Cách làm này này không những không thúc đẩy việc bảo vệ môi trường toàn cầu, giảm phát thải và phát triển bền vững, ngược lại sẽ cản trở sự phát triển của nó. Ở Châu Âu, cam kết của NIO đối với thị trường xe điện luôn không thay đổi. Bất chấp chủ nghĩa bảo hộ, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ cho người dùng và khám phá những cơ hội mới ở Châu Âu. Chúng tôi sẽ theo dõi tình hình chặt chẽ và đưa ra quyết định có lợi nhất cho hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Vì cuộc điều tra đang diễn ra vẫn chưa kết thúc, chúng tôi vẫn hy vọng rằng sẽ tìm ra giải pháp.”

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Tây Ban Nha ANFAC cho biết: “ANFAC có truyền thống bảo vệ cạnh tranh tự do trên thị trường, bất kể hàng hóa đến từ đâu, miễn là mọi giao dịch đều tuân thủ luật thương mại quốc tế hiện hành và diễn ra trên các điều kiện bình đẳng. Nếu ai không tuân thủ, họ phải bị trừng phạt. Ô tô mỗi năm đóng góp cho nền kinh tế Tây Ban Nha thặng dư thương mại hơn 18 tỷ euro, tương lai của chúng tôi phụ thuộc vào sự tồn tại của các thị trường mở toàn cầu nhằm tăng khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp của chúng tôi trong đó. Tương tự như vậy, chúng tôi ủng hộ việc Liên minh Châu Âu và đặc biệt là Tây Ban Nha phát triển chính sách công nghiệp mạnh mẽ nhằm khuyến khích sản xuất và chế tạo xe điện ở nước ta và thu hút đầu tư mới, tất cả đều được tiến hành theo cách phù hợp với các quy định bảo vệ cạnh tranh và thương mại tự do.”

Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera cho biết: “Tôi nghĩ ngành công nghiệp ô tô châu Âu là một ngành cực kỳ quan trọng cần bắt kịp về chuyển đổi mẫu mã, giải pháp di chuyển và chuyển đổi sang xe điện. Rõ ràng, nếu điều này xảy ra, đây là sự vi phạm quy tắc thương mại quốc tế, chúng ta cần ủng hộ đề xuất của Ủy ban và rõ ràng chúng ta cũng có nghĩa vụ hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô châu Âu nói chung và ngành công nghiệp ô tô Tây Ban Nha nói riêng, để biến nó thành một ngành cạnh tranh, hiện đại hóa và theo kịp thời đại và chiếm một vị trí quan trọng trên thị trường quốc tế.”

Ông Will Roberts, giám đốc nghiên cứu ô tô tại công ty nghiên cứu RHO MOTION, tin rằng: “Các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ có thể áp dụng một số mức thuế thấp hơn vào tỷ suất lợi nhuận tăng lên của họ. Phép thử thực sự đối với các biện pháp được công bố hôm nay sẽ là liệu Bắc Kinh có trả đũa ăn miếng trả miếng hay không, hay là đạt được phương án giải quyết thân thiện. Các nhà sản xuất châu Âu vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên lợi nhuận đến từ Trung Quốc giảm, sẽ chỉ làm chậm khả năng chuyển đổi hiệu quả của họ.”

Ông Markus Ferber, một thành viên người Đức trong Nghị viện Châu Âu, tin rằng: “Quyết định áp thuế đối với ô tô điện của Trung Quốc của Ủy ban Châu Âu là đúng đắn. Về phương diện chính sách thương mại, EU không còn có thể giống như một con nai bị đèn pha chiếu vào nữa, không còn nhắm mắt làm ngơ trước hành vi bán phá giá của Trung Quốc. Nếu EU thực sự muốn xây dựng một ngành công nghiệp xe điện cạnh tranh, chúng ta cần phải chống trả hành vi thương mại không công bằng.”

Trí Đạt (t/h)