Tờ Financial Times đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) đang mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với ván ép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, mở ra một mặt trận khác trong tranh chấp thương mại giữa EU với Trung Quốc. Các nhà sản xuất châu Âu cho biết ván ép gỗ cứng giá rẻ từ Trung Quốc đã tăng vọt, phần lớn họ tin rằng có nguồn gốc từ Nga. Sau khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ vào tháng 2/2022, EU đã cấm nhập khẩu gỗ từ Nga. Giới quan sát chỉ ra tranh chấp thương mại EU – Trung Quốc rất khó dịu đi, có thể trở thành “chiến tranh thương mại”.

Trụ sở Liên minh châu Âu tại Brussels, Vương Quốc Bỉ.
Trụ sở Liên minh châu Âu tại Brussels, Vương Quốc Bỉ. (Ảnh: jorisvo/ShutterStock)

Cuộc điều tra này được tiến hành sau khi vào tuần trước EU áp thuế lên tới 45% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế tạm thời đối với hàng xuất khẩu rượu mạnh của EU, ngoài ra Trung Quốc cũng điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn và các sản phẩm từ sữa. Điều này làm dấy lên lo ngại giữa các nước thành viên EU về việc kéo dài chu kỳ hành động trả đũa đối với các sản phẩm quan trọng, trong khi Trung Quốc cho rằng EU đang theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, hai bên cũng đưa ra nhiều thách thức đối với các biện pháp bảo hộ thương mại của nhau tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Hiệp hội Greenwood đại diện cho các chủ rừng, người khai thác gỗ và nhà cung cấp cho các nhà sản xuất, cho biết: “Cuộc điều tra này rất quan trọng để bảo vệ toàn bộ chuỗi giá trị ván ép gỗ cứng của EU trước hàng nhập khẩu Trung Quốc bị định giá không công bằng – và giờ đây rõ ràng là việc sử dụng gỗ giá rẻ của Nga mà do xung đột đã bị EU cấm vận – điều đó đe dọa sự tồn tại và việc làm của nhiều doanh nghiệp châu Âu”.

Được làm từ các loại cây như sồi, bạch dương và chi Bulô, ván ép gỗ cứng nhiều lớp rất nhẹ và bền, có thể được sử dụng cho mái nhà, tường, sàn nhà cũng như đồ nội thất, ô tô và thuyền. Sản phẩm ván ép có thể chịu được nhiệt độ cực thấp và còn được sử dụng trong hầm của các tàu chở dầu LNG siêu làm mát.

Các nước sản xuất chính ván ép gỗ cứng nhiều lớp ở EU là Ba Lan, Phần Lan, Pháp và các nước vùng Baltic. Liên minh Gỗ Xanh cho biết ngành này sử dụng 10.000 người. Được biết, EU đã áp đặt thuế đối với ván ép bạch dương nhập khẩu từ Kazakhstan và Türkiye, vì phát hiện những sản phẩm đó có chứa một số thành phần của Nga.

Điều tra có thể kéo dài gần một năm, thời gian này EU sẽ lần đầu tiên áp dụng quy định mới để ngăn các doanh nghiệp tránh thuế quan trong quá trình điều tra bằng cách tích trữ hàng hóa. Tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu đều có đăng ký tại biên giới EU, nếu EU quyết định áp đặt thuế quan thì sẽ được áp dụng truy ngược thời gian của sản phẩm nhập khẩu.

Dữ liệu từ Eurostat (cơ quan thống kê EU) cho thấy, năm 2023 EU đã nhập khẩu khoảng 750.000 mét khối ván ép gỗ cứng, trị giá 327 triệu euro – chiếm 30% tổng thị trường EU. Một số nước khác đã áp đặt thuế trừng phạt đối với gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc như Mỹ, Maroc, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc.

EU cáo buộc Trung Quốc trợ cấp cho ngành công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa sản xuất dư thừa với giá thấp hơn chi phí, vì thế đã tiến hành hơn chục cuộc điều tra đối với các sản phẩm Trung Quốc bao gồm thiếc, keo và bột ngọt.

Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Brueghel có trụ sở tại Brussels, ông Alicia García Herrero cho biết sự phân mảnh của thị trường chung châu Âu khiến các công ty EU không thể cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc. Khi Bắc Kinh mở rộng đầu tư sang các ngành công nghiệp mà châu Âu từng dẫn đầu, EU sẽ buộc phải bảo vệ những ngành đó. Ông Herrero chỉ ra “Việc Ủy ban châu Âu áp thuế đối với xe điện của Trung Quốc cho thấy thời đại mà quan hệ Trung Quốc-EU dựa trên kết nối liền mạch đã qua. Giờ đây, Trung Quốc và EU còn cạnh tranh ở thị trường khác bên ngoài họ với các sản phẩm tương tự. Quy tắc công bằng của trò chơi trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”.

Ngày càng có xu thế thành chiến tranh thương mại

Tờ SCMP hôm 10/10 dẫn lời Chủ tịch Jens Eskelund của Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc, phát biểu tại Brussels hôm trước đó: “Nếu không có gì thay đổi, một cuộc chiến thương mại toàn diện sẽ ngày càng có nhiều khả năng xảy ra… Tôi nghĩ với xu hướng hiện tại, một cuộc chiến thương mại là không thể tránh khỏi…”.

Về vấn đề Bắc Kinh cáo buộc Brussels “trắng trợn theo chủ nghĩa bảo hộ”, ông Esklund kêu gọi Bắc Kinh nhìn vào bức tranh toàn cảnh hơn và xem xét nghiêm túc những lo ngại của châu Âu về chính sách của Chính phủ Trung Quốc. Ông lưu ý, “Tôi thực sự nghĩ rằng trong vài tháng qua, sự cố xe điện đã khiến chúng ta phân tâm khỏi các vấn đề rộng lớn hơn trong lĩnh vực thương mại, vì có thể thấy xuất khẩu của Trung Quốc [sang EU] đã tăng lên đáng kể do giảm phát [của họ]”.

Ông cho biết, trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc sang EU tăng vọt lên “mức cao lịch sử”, trong khi nhập khẩu [của Trung Quốc] từ EU giảm mạnh. Ông cho hay kể từ năm 2017 xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 40%, nhưng trong thời gian đó thì xuất khẩu của châu Âu sang Trung Quốc đã giảm 30%…. Tình trạng bị ảnh hưởng bởi giảm phát kéo dài của nền kinh tế Trung Quốc.

Dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc cho thấy giá sản xuất (giá hàng hóa rời khỏi nhà máy) đã giảm trong 23 tháng liên tiếp, khiến các công ty không còn lựa chọn nào khác ngoài việc vận chuyển sản phẩm ra nước ngoài. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao Trung Quốc vào châu Âu – nơi tương đối cởi mở với các sản phẩm của Trung Quốc.

Giới quan sát cũng lưu ý đến vấn đề thừa cung từ Trung Quốc trong các lĩnh vực như ô tô điện, pin, tấm pin mặt trời, tua-bin gió, thép và chip truyền thống. “Không chỉ các công ty châu Âu đang phàn nàn, cũng nghe những đánh giá tương tự từ các công ty Trung Quốc… Trọng tâm của những vấn đề mà chúng ta đang thấy hiện nay là giảm phát. Tôi biết Chính phủ Trung Quốc không thích từ ‘dư thừa’ cho lắm. Vì vậy, hãy nói về giảm phát vì đó là một thực tế không thể nghi ngờ,” ông Eskelund – người đã dành sự nghiệp của mình trong ngành vận tải biển, cho biết.

Khoảng cách lớn giữa tiêu chí của 2 bên để có thể giảm nhiệt

Cho đến nay, những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm kích thích tiêu dùng tại thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới của họ vẫn chưa mang lại kết quả. Chứng khoán Trung Quốc giảm hôm thứ Tư (9/10) do gói kích thích dự kiến ​​​​không thành hiện thực, khiến các nhà đầu tư có cái nhìn mờ mịt về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.

Động thái thương mại tại châu Âu đang được theo dõi chặt chẽ, vì mức tiêu thụ yếu của Trung Quốc được cho là nguyên nhân khiến nhập khẩu tăng vọt, làm trầm trọng thêm tranh chấp. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tuyên bố sẽ chặn dòng hàng hóa đó trong nhiệm kỳ thứ 2 của bà. Các cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc là trọng tâm của động thái này.

Mặc dù các nhà phân tích hiện không muốn sử dụng thuật ngữ “chiến tranh thương mại”, nhưng tình trạng leo thang hơn nữa sẽ đưa tranh chấp đến gần hơn với phạm vi đó.

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm thứ Ba cho biết Bắc Kinh đang điều tra các nhà sản xuất sữa và thịt lợn của EU về hành vi bán phá giá, họ cũng đang xem xét tăng thuế đối với xe nhập khẩu phân khối lớn chạy xăng của EU.

Các cuộc đàm phán kỹ thuật để đạt được thỏa thuận về xe điện đang diễn ra, Ủy ban châu Âu đã từ chối một số đề xuất từ ​​Phòng Thương mại Trung Quốc về việc ấn định mức giá tối thiểu cho hàng nhập khẩu. Một đề xuất (được Reuters đưa tin đầu tiên) nhằm đặt mức giá tối thiểu là 30.000 euro (33.000 USD) đã nhanh chóng bị Ủy ban châu Âu từ chối.

Một nguồn tin trong ngành cho biết, điều kiện mà Trung Quốc sẵn sàng đưa ra vẫn còn “khoảng cách lớn” với những gì Ủy ban châu Âu sẵn sàng chấp nhận. Đạt được một thỏa thuận như vậy “không phải là không thể”, nhưng rất khó có thể xảy ra.

Ông Eskelund nhận định tốc độ tăng trưởng thương mại khổng lồ của Trung Quốc đã dẫn đến động thái “ăn xin hàng xóm” bằng cách tước đoạt thị phần thương mại của các đối tác. Ông trích dẫn số liệu thống kê cho thấy tỷ trọng thương mại vận tải container của Trung Quốc tăng từ 32% năm ngoái lên 36% vào năm tới. “Nếu Trung Quốc thắng ở châu Âu, điều đó có nghĩa là ai đó ở châu Âu đang thua… Trung Quốc và châu Âu cần đảm bảo giá trị do toàn cầu hóa tạo ra sẽ được phân phối một cách công bằng hơn,” ông Esklund nhấn mạnh.

Mộc Vệ (t/h)