FT: Kinh tế toàn cầu đang trải qua 5 thay đổi lớn về xu hướng cơ cấu
- Mộc Vệ
- •
Theo một phân tích từ tờ Financial Times (FT), nền kinh tế toàn cầu đang trải qua 5 thay đổi lớn về xu hướng cơ cấu, đặt ra những thách thức lớn hơn đối với các ngân hàng trung ương và các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu.
1. Lạm phát vẫn ở mức cao
Điều này khiến việc điều chỉnh chính sách để kiểm soát lạm phát trở thành vấn đề cấp thiết. Mặc dù tốc độ tăng giá ở Mỹ đã giảm tốc đáng kể và cũng đang giảm bớt ở châu Âu, nhưng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đều tuyên bố rằng còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng lạm phát.
Nhu cầu trong nước ở Mỹ mạnh hơn dự kiến, nếu tỷ lệ thất nghiệp vẫn gần mức cảnh báo thì không dễ kiềm chế tình hình lạm phát cao. Ở châu Âu, điều kiện kinh doanh ảm đạm nhưng giá cả và tiền lương vẫn tăng nhanh, làm tăng khả năng kéo dài tình trạng lạm phát đình trệ (stagflation).
Để các nền kinh tế ở cả hai bờ Đại Tây Dương điều chỉnh nhằm giảm lạm phát và bảo đảm tốc độ tăng trưởng bền vững thì cần thêm thời gian, điều kiện đòi hỏi phải tăng lãi suất cao hơn và duy trì mức đó thời gian nhất định cho đến khi xua tan áp lực lạm phát.
2. Tình hình nguồn cung không ổn định
Việc đánh giá khi nào rủi ro lạm phát sẽ giảm bớt thậm chí còn khó khăn hơn, nguyên nhân điều kiện nguồn cung ngày càng khó lường.
Vốn dĩ các nhà hoạch định chính sách có thể hiểu sơ bộ về áp lực lạm phát chỉ bằng cách phân tích chỉ số nhu cầu và so sánh chúng với tốc độ tăng trưởng bền vững hàng năm, nhưng những yếu tố bất thường như đại dịch COVID-19 kéo dài và cuộc khủng hoảng năng lượng… đã là thách thức cho những phân tích thông thường.
Giờ đây, phân tích kinh tế phải tính đến những biến động do các sự kiện cực đoan gây ra, từ lệnh phong tỏa chống dịch bệnh đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và thậm chí cả cuộc chiến tranh Nga xâm lược Ukraine làm gián đoạn nguồn cung năng lượng. Bên cạnh đó là ngay cả xu hướng thị trường lao động cũng liên tục thay đổi và khó lường, ví dụ vấn đề lạm phát lên cao ở Mỹ năm 2021 do tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong độ tuổi lao động suy giảm…
Tương tự ở Anh hiện nay, vấn đề việc làm đang khiến Ngân hàng Anh (Ngân hàng Trung ương) đứng trước lựa chọn khó khăn. Lý do của những thách thức này có thể kể xu hướng giảm nguồn đầu tư vào Anh sau Brexit năm 2016, số người mắc bệnh mãn tính không thể làm việc tăng mạnh, và vấn đề khủng hoảng năng lượng. Những vấn đề này không thể được khắc phục trực tiếp thông qua chính sách tiền tệ, nhưng ngân hàng trung ương của Anh phải tính toán để ngăn chặn lạm phát.
3. Suy thoái tài chính công
Các chính trị gia Mỹ khó khăn để có thể kiềm chế về chi tiêu ngân sách, khiến FED phải tính toán xử lý hậu quả.
Năm tài chính Mỹ năm nay đã qua được 10 tháng, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) ước tính thâm hụt ngân sách liên bang cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa cao hơn khoảng 7% so với năm ngoái.
So với 10 năm trước, nền kinh tế Mỹ đã chuyển từ sự kết hợp giữa “chính sách tài khóa tương đối chặt chẽ + chính sách tiền tệ nới lỏng” sang sự kết hợp “chính sách tài khóa lỏng lẻo + chính sách tiền tệ thắt chặt”. Khuynh hướng thay đổi tương tự có thể sẽ lan sang châu Âu, vì châu Âu cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự về quốc phòng, nhân khẩu học và khí hậu.
4. Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc
Trong những năm qua, việc nổi lên của kinh tế Trung Quốc đã khiến nước này thành động lực chính thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, khiến Trung Quốc sánh ngang với các nước có thu nhập cao, do Trung Quốc sản xuất nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn các nước khác nên tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm là khoảng 8%.
Nhưng kỷ nguyên tăng trưởng cao của Trung Quốc đã kết thúc. Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc vẫn lớn hơn gấp đôi quy mô của Ấn Độ tính theo sức mua tương đương (PPP), nhưng hiện tốc độ tăng trưởng cơ bản của Trung Quốc đang nhanh chóng chậm lại. Không cần phải đưa vào tính toán sụp đổ của thị trường nhà ở sẽ kéo nền kinh tế Trung Quốc đi xuống thì chúng ta cũng có thể suy đoán được Ấn Độ sẽ sớm cạnh tranh với nước láng giềng này, không chỉ về mặt dân số mà còn về mặt đóng góp cho sự phát triển nền kinh tế toàn cầu. Việc New Delhi hướng tới vị trí số 1 trong bảng xếp hạng đóng góp vào tăng trưởng toàn cầu sẽ đánh dấu bước chuyển lần thứ 5 trong xu hướng kinh tế toàn cầu.
5. Giảm tốc tăng trưởng toàn cầu
Sự bành trướng nhanh chóng của Ấn Độ là một điều bất thường trên thế giới. Ở những nơi khác, tăng trưởng năng suất đã giảm tốc, khiến nhiều nước trên thế giới đã dựng lên các rào cản thương mại, coi trọng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng hơn là tăng trưởng. Trong bối cảnh này dễ hiểu tốc độ tăng trưởng bình thường của toàn cầu sẽ chậm lại.
Trước cơn sóng thần tài chính năm 2008, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng khoảng 4% mỗi năm vẫn xem là bền vững, nhưng đến những năm 2010 đã giảm xuống còn khoảng 3,5%. Bối cảnh hiện nay, giới hạn tốc độ tăng trưởng dường như đã được giảm xuống còn 3%.
Xét đến sự phát triển bền vững của trái đất, việc làm chậm tốc độ cải thiện mức sống sẽ giúp giảm lượng khí thải carbon. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại chắc chắn sẽ khiến căng thẳng địa chính trị khó giải quyết hơn.
Từ khóa Dòng sự kiện Kinh tế toàn cầu kinh tế thế giới Ấn Độ