Khi chính phủ Hoa Kỳ công bố báo cáo tổng sản lượng kinh tế quốc gia (GDP) quý I trong tuần này, hãy chuẩn bị tinh thần: con số trên tiêu đề có thể trông như báo hiệu suy thoái kinh tế thực sự. Thế nhưng, xin đừng vội đưa ra đánh giá sai lầm. Nền kinh tế Hoa Kỳ, như văn hào Mark Twain từng nói, có thể buộc phải lên tiếng rằng những tin đồn về sự sụp đổ của nền kinh tế Hoa Kỳ đã bị thổi phồng quá mức.

shutterstock 393693301
(Ảnh minh họa: Virrage/ Shutterstock)

Hãy đổ lỗi cho thuế quan — hay nói chính xác hơn, cho phản ứng có lý của giới doanh nghiệp trước nguy cơ thuế quan mới sắp được áp dụng trong năm nay. Trước viễn ảnh giá nhập vào tăng cao, các công ty tại Hoa Kỳ đã hành động như bất kỳ chủ thể kinh tế lý trí nào cũng sẽ làm: họ tranh thủ nhập một lượng lớn hàng hóa ngay từ bây giờ. Nếu quý vị biết giá cả sẽ tăng, hãy mua ngay, đừng chờ mua sau này. Phúc trình chỉ số kinh tế tạm thời tháng ba của Cục Thống kê Hoa Kỳ vừa công bố sáng thứ Ba đã xác nhận hiện tượng ấy. Lượng hàng nhập khẩu tăng vọt đáng kinh ngạc ở mức 5,0% so với tháng trước. Nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng vọt 27,5% so với tháng Hai, nhập khẩu hàng hóa đầu tư dùng để sản xuất ra các hàng hóa tăng 3,8%, và xe cộ cùng phụ tùng tăng vọt 6,6%. Trong khi đó, xuất cảng chỉ tăng trưởng khiêm tốn 1,2%. Hệ quả: mức thâm hụt mậu dịch quốc tế nới rộng mạnh mẽ, đạt 162 tỷ USD, tăng so với mức 147,8 tỷ USD trong tháng Hai.

Nếu nhìn kỹ hơn, những con số so sánh theo từng năm thậm chí lại càng gây chú ý hơn. Nhập cảng hàng tiêu dùng tăng đáng kinh ngạc lên tới 55,5% so với tháng Ba năm 2024. Nhập cảng hàng hoá đầu tư tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước còn vật liệu công nghiệp tăng 37,8%. Nói cách khác, đây không phải là dao động ngắn hạn (blip)— mà là một làn sóng tranh thủ nhập hàng có chủ đích, được đẩy sớm lên phía trước (front-loaded flood). 

Vấn đề nằm ở cách thức tính toán GDP. Theo công thức chính thức được các kinh tế gia chính phủ Hoa Kỳ sử dụng để tính toán tăng trưởng: GDP = Tiêu dùng + Đầu tư + Chi tiêu Chính phủ + (Xuất cảng – Nhập cảng). Chính yếu tố sau cùng — xuất khẩu ròng (net export)— là kẻ phá bĩnh. Khi nhập cảng tăng, phần trừ ấy lớn hơn, khiến GDP bị kéo xuống, dù thực tế lượng hàng nhập cuối cùng sẽ được tiêu thụ bởi dân chúng Hoa Kỳ. Do đó, làn sóng nhập cảng ồ ạt khiến GDP trông tệ hơn, ngay cả khi nhu cầu nội địa tại Mỹ vẫn còn rất mạnh. 

  • Net Export hay là xuất khẩu ròng hay xuất cảng thuần) là một khái niệm kinh tế quan trọng trong việc tính Tổng sản lượng quốc gia (GDP). Net Export = Xuất khẩu (Exports) – Nhập khẩu (Imports)

Điều này không phải là phỏng đoán. Ngân Hàng Mỹ (Bank of America) vừa hạ dự báo GDP quý I xuống âm 1,2%, dựa trên chính hiện tượng nói trên. Mô hình GDPNow của Cục Dự trữ Liên bang Atlanta còn bi quan hơn, khi ước tính cuối cùng cho thấy GDP quý I ở mức âm 2,7%, riêng xuất khẩu ròng đã kéo tăng trưởng GDP xuống hơn năm điểm phần trăm.

Nhưng vấn đề then chốt ở đây là: nhập cảng rốt cuộc là con số “trung hoà (net zero) [không làm tăng hay giảm]” không hề gây thiệt hại thật sự cho nền kinh tế. Nhập cảng khiến GDP quý hiện tại bị giảm vì chúng bị ghi vào mục nhập khẩu, nhưng sau đó, số hàng này lại được tính vào tiêu dùng hoặc tồn kho. Nếu mức tăng tồn kho bị đánh giá thấp trong ngắn hạn — điều này thường xảy ra — thì GDP ban đầu sẽ trông tệ hơn thực tế, nhưng sẽ được điều chỉnh tăng trong các báo cáo sau đó.

  • Net Zero là một khái niệm phổ biến trong kinh tế, mang nghĩa là tổng thể không tăng cũng không giảm, dù có hoạt động bên trong. Net zero = Tổng thu – tổng chi = 0. Không tạo ra thặng dư hay thâm hụt sau khi đã bù trừ tất cả các yếu tố liên quan.

Thật vậy, số liệu tồn kho cho thấy một bức tranh cân bằng hơn. Lượng hàng tồn kho bán buôn tăng 0,5% trong tháng Ba, trong đó cả hàng hóa bền và không bền đều góp phần vào mức tăng này. Lượng hàng tồn kho bán lẻ giảm nhẹ 0,1%, nhưng nguyên nhân mức giảm này hoàn toàn nằm ở nhóm xe cộ và phụ tùng, vốn giảm 1,1%. Nếu không tính phần đó, thì các ngành còn lại trong hàng tồn kho bán lẻ đã tăng 0,4%. Nói cách khác, các doanh nghiệp vẫn đang bổ sung hàng hóa lên kệ hàng ở hầu hết các ngành hàng.

Tỷ lệ tăng trưởng theo năm đã chứng minh điều này: hàng tồn kho bán buôn tăng 2,3% so với tháng 3 năm 2024 và hàng tồn kho bán lẻ tăng 4,8%. Tất cả những điều này hoàn toàn không phù hợp với một bối cảnh hoảng loạn hay chuẩn bị cho suy thoái. Đây là dấu hiệu của các doanh nghiệp đang chuẩn bị đối phó với nhu cầu vẫn tiếp tục gia tăng.

Tranh thủ nhập hàng là một lá phiếu tín nhiệm về lòng tin của người tiêu dùng 

Hơn nữa, hãy suy ngẫm việc các doanh nghiệp đổ xô nhập hàng có ý nghĩa gì. Nếu các tổng giám đốc điều hành (CEO) dự đoán thị trường tiêu dùng sắp sụp đổ, họ đã không nhập đầy hàng hoá như thế. Quý vị sẽ không tích trữ hàng hóa nếu quý vị nghĩ rằng mình sắp bị kẹt lại với đống hàng đó. Người ta chỉ tích trữ khi tin chắc rằng sẽ có người mua.

Ngoài ra, một vài yếu tố kỹ thuật cũng làm sai lệch dữ kiện. Một hệ thống kế toán mới được cơ quan thuế quan Canada áp dụng đã gây ra sự chậm trễ trong việc báo cáo một số mặt hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Canada. Cục điều tra dân số đã đưa ra những số liệu tạm thời, sẽ được điều chỉnh vào tháng Sáu. Điều đó có thể có nghĩa là kim ngạch xuất khẩu hiện đang bị đánh giá thấp và thâm hụt thương mại tạm thời bị thổi phồng. 

Vì vậy, dẫu cho bản báo cáo GDP quý I sắp tới trông như một bản cáo phó của nền kinh tế Hoa Kỳ, thì thực ra nó giống như một ảo ảnh quang học hơn. Chính sự tiên liệu trước thuế quan, chứ không phải nỗi tuyệt vọng của người tiêu dùng, mới là nguyên nhân làm cho bản tin kinh tế trở nên xấu xí. 

Dĩ nhiên, điều này sẽ không ngăn cản được phe Dân chủ và đồng minh trong giới truyền thông dòng chính hả hê chào đón bản tin GDP âm. Một con số GDP xấu sẽ được họ chớp lấy như bằng chứng phù hợp cho một câu chuyện ưa thích về việc quản lý kinh tế yếu kém, bất kể thực tế cơ bản là gì. Hãy chờ đợi những kẻ quen thuộc lớn tiếng rêu rao về vấn đề “suy thoái” và hy vọng công chúng sẽ không đọc quá đoạn chữ đầu tiên.

Bài học dành cho độc giả: hãy chú ý ít hơn đến số liệu GDP chính thức trong tuần này và chú ý nhiều hơn đến các số liệu nội tại, đặc biệt là tiêu thụ nội địa ròng, đầu tư cố định phi nhà ở không bao gồm các công trình xây dựng và hàng tồn kho. Nền kinh tế thực sự của Hoa Kỳ vẫn hoạt động, vẫn mua sắm, các doanh nghiệp vẫn đang tuyển dụng người và sản lượng vẫn đang tăng. Chỉ là những công thức của các nhà thống kê — như cánh buồm cũ gặp cơn bão lạ — có thể bay loạn nhịp một chút trước khi căng gió vững chãi trở lại.

Nếu như văn hào Mark Twain còn sống hôm nay, hẳn ông sẽ nói: Đừng để một bản tin ảm đạm khiến quý vị phải mặc áo tang. Nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn còn dồi dào sinh khí — dẫu cho bảng điểm quý I phải cần thêm một lời giải thích.

John Carney/ Breitbart News

Thiên Vân chuyển ngữ