Giãn cách tới giới hạn, 8 hiệp hội kiến nghị sửa dự thảo “kiểm soát”, TP.HCM “xin” áp dụng quy định riêng
- Nguyễn Quân
- •
Đánh giá cao nỗ lực xây dựng Hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Bộ Y tế, song chính quyền TP.HCM cho rằng TP có “điều kiện đặc thù” nên kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép TP.HCM áp dụng quy định riêng để mở cửa nền kinh tế. Liền tiếp, 8 hiệp hội kiến nghị nhiều quy định do Bộ Y tế đưa ra vẫn theo mục tiêu “Zero COVID”.
Theo tin từ truyền thông trong nước, ngày 24/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký văn bản xin ý kiến áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa nền kinh tế.
Tại văn bản, TP.HCM đánh giá cao nỗ lực xây dựng Hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Tuy nhiên, với điều kiện đặc thù của TP.HCM, “kính đề nghị Thủ tướng xem xét cho phép TP.HCM áp dụng quy định riêng do Thủ tướng quyết định để có thể mở cửa nền kinh tế. TP.HCM sẽ phối hợp cơ quan chức năng nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng.”
Chính quyền thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng ưu tiên vắc-xin cho TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để sớm đạt độ bao phủ theo quy định của hướng dẫn.
Hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” do Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đang dự thảo và chỉnh sửa nhiều lần.
Tại bản dự thảo mới nhất do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 với các địa phương sáng 25/9, có 3 tiêu chí đánh giá thích ứng an toàn COVID-19.
Tiêu chí thứ nhất (bắt buộc) là ít nhất 80% người trên 50 tuổi đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19; tiêu chí thứ 2 là 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn (xã) có oxy y tế và 100% các xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng.
Thứ ba, các tỉnh, thành phố có kế hoạch lập cơ sở điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng, đảm bảo tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng ca bệnh dự báo cao nhất của tỉnh, thành phố.
Bản hướng dẫn đưa ra 4 cấp độ nguy cơ dịch, đánh giá dựa trên một số tiêu chí như số ca nhiễm tại cộng đồng/100.000 dân/tuần; tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm vắc-xin.
4 cấp được đưa ra: nguy cơ thấp (bình thường mới – màu xanh), nguy cơ trung bình – màu vàng, nguy cơ cao – màu cam và nguy cơ rất cao – màu đỏ. Nếu chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng 80% cho người trên 50 tuổi thì khu vực đó phải tăng biện pháp chống dịch lên một cấp. Quy mô đánh giá cấp độ dịch được áp dụng đến cấp xã, phường hoặc tổ dân phố, khu dân cư, thôn, xóm…
Các biện pháp hành chính để kiểm soát như: quy định số lượng người tham gia hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà; giao thông công cộng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải; lưu thông, vận chuyển hàng hóa; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; giáo dục, đào tạo đảm bảo phòng, chống dịch; cơ quan, công sở đảm bảo phòng, chống dịch; văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, đám tang, đám cưới, thể dục, thể thao, tham quan du lịch, các sự kiện biểu diễn văn hóa nghệ thuật, mittinh, phát động.
Các biện pháp y tế gồm xét nghiệm, truy vết, tiêm vắc xin, cách ly, điều trị theo từng mức nguy cơ.
Việc đánh giá nguy cơ dịch bệnh do địa phương thực hiện hàng tuần để chuyển sang trạng thái kiểm soát tương ứng.
Tại bản kiến nghị của 8 hiệp hội ngành hàng, chiếu theo quy định trong dự thảo (trên 80% số người hơn 50 tuổi tiêm đủ liều vắc-xin) thì TP.HCM phải ở cấp độ 4, còn rất lâu và “sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, trong khi sẽ lãng phí vắc-xin vì những người tiêm đủ vẫn không được đi làm”.
Sáng 25/9, trong Chương trình tọa đàm trực tuyến do Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố tổ chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – ông Trần Hoàng Ngân cho hay cuộc họp ngày 24/9 với sự tham gia của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã thống nhất từ nay đến ngày 30/9, TP sẽ tháo gỡ ngay các hàng rào, dây nhợ, kẽm gai…, trừ các chốt chặn ở những cửa ngõ TP.
8 hiệp hội doanh nghiệp: Dự thảo còn đeo đuổi tư duy “Zero COVID”
Bản kiến nghị được 8 hiệp hội doanh nghiệp gửi đến Thủ tướng và 5 bộ ngành liên quan chỉ vài tiếng sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế công bố bản dự thảo, đồng ý kiến rằng dự thảo còn đeo đuổi tư duy “Zero COVID”, chưa phù hợp với mức độ phủ vắc-xin và năng lực y tế của các vùng.
Tám hiệp hội ngành hàng gồm: Thực phẩm minh bạch, Lương thực – thực phẩm TP.HCM, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Dệt may Việt Nam, Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Nhựa Việt Nam và Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Các hiệp hội cho rằng dự thảo chỉ đưa ra một hướng dẫn chung, chưa tính tới sự khác biệt về tình hình dịch giữa các vùng trong cả nước, nên thiếu tính linh hoạt. Nhiều quy định vẫn mang mục tiêu “Zero COVID”, chứ chưa hoàn toàn là “sống chung với COVID-19”.
Mặt khác, các Hiệp hội cho rằng quy định tại dự thảo chưa đảm bảo giảm được tử vong, do thiếu chỉ tiêu tỷ lệ lấp đầy giường bệnh và giường ICU cho các ca cần điều trị tích cực (thở oxy hoặc các biện pháp cao hơn). Tỷ lệ lấp đầy giường bệnh và giường ICU nên được đưa thành 1 chỉ số quan trọng để đánh giá tình hình dịch bệnh.
Khi đã tiêm đủ liều vắc-xin, thì việc đếm số ca nhiễm là không cần thiết, mà chỉ cần quan tâm đến tỷ lệ lấp đầy giường bệnh (chỉ tính cho các ca cần thở oxy hoặc các biện pháp cao hơn) và giường ICU. Cần phải để F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà.
Nếu chiếu theo quy định trong dự thảo (trên 80% số người hơn 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin) thì TP.HCM phải ở cấp độ 4 còn rất lâu, “sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, trong khi sẽ lãng phí vắc-xin vì những người tiêm đủ vẫn không được đi làm”.
Do đó, các Hiệp hội đồng kiến nghị “áp dụng linh hoạt 2 chiến lược”. Trong đó, tại giai đoạn chuyển tiếp (dự kiến từ nay đến đầu quý 1/2022), vùng nào tiêm đủ vắc-xin sớm theo các tiêu chí thì sẽ chuyển sang “bình thường mới”, bỏ toàn bộ các biện pháp phong tỏa.
Việc tính theo số ca/100.000 dân, tại các TP, khu đô thị có mật độ dân cư cao thì tỷ lệ này để đánh giá mức độ nguy cơ, không phong tỏa diện rộng mà phải kiểm soát dịch theo điểm; tại vùng nông thôn có mật độ dân cư thấp thì tỷ lệ này chỉ để tham khảo, kiểm soát dịch theo cụm dân cư.
Đối với vùng dịch đang bùng phát (Chỉ thị 16), cho phép người đã tiêm đủ vắc-xin, F0 đã bình phục được đi làm; điều chỉnh biện pháp áp dụng mức độ giãn cách cho phù hợp, tùy theo cấp độ dịch, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh, mức độ tiêm vắc xin…. Cần quy trình hướng dẫn cụ thể doanh nghiệp xử lý F0 trong mỗi giai đoạn; không đóng cửa cơ sở sản xuất kinh doanh nếu có F0, có thì đi chữa hoặc tự cách ly, cơ sở khử trùng rồi hoạt động tiếp.
Tại giai đoạn sống chung với virus (dự kiến từ giữa quý 1/2022, có thể sớm hơn nếu tiêm phủ vắc-xin sớm hơn), mở cửa từng vùng và toàn bộ cả nước khi đã tiêm đủ vắc-xin cho hơn 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đạt chỉ số 1 (hơn 80% người trên 50 tuổi tiêm đủ vắc-xin).
Giãn cách phù hợp theo cấp độ dịch nhưng có điều chỉnh nới rộng. Sản xuất kinh doanh, giao thông công cộng được phép mở lại 100% ở tất cả các cấp độ dịch. Các giới hạn số người hội họp, tham gia sự kiện được giảm 1 cấp độ dịch so với giai đoạn chuyển tiếp. Đồng thời, bỏ toàn bộ các giới hạn đi lại giữa các vùng, bao gồm cả người và xe vận tải (không cần luồng xanh). Bỏ cách ly F1, bỏ cách ly người từ vùng khác đến, bỏ xét nghiệm diện rộng. Cho phép F0 điều trị tại nhà. Triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em và tiêm tăng cường cho người lớn.
Thủ tướng Chính phủ: Từ ngày 30/9, chuyển trạng thái giãn cáchChủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với các địa phương về công tác phòng chống dịch COVID-19 ngày 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính trên tư cách Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định chủ trương phong tỏa hẹp, xét nghiệm tầm soát, khoa học đã được chứng minh trên thực tế là đúng, nên cần kiên định thực hiện. Đây là gợi mở hết sức quan trọng từ thực tiễn để nới lỏng giãn cách, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, “thay vì khoanh vùng rộng rồi lai rai kéo dài mà không dập được dịch”, báo Thanh Niên đưa tin. Ông Chính đưa ra dẫn chứng nhờ cuộc gọi trong đêm của ông, rằng “Phủ Lý có gần 200.000 dân, cùng với hơn 250.000 công nhân, tỉnh có đủ nguồn lực để giãn cách kéo dài, bảo đảm an sinh xã hội cho gần 500.000 người trong 2 tuần không? – từ đó mà Hà Nam đã điều chỉnh “thay vì phải giãn cách 500.000 người thì chỉ giãn cách vài trăm người”. Dù cho hay bản hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế cần tiếp tục hoàn thiện, “nội dung nào không phù hợp thì sửa đổi”, ông Chính tuyên bố căn cứ vào hướng dẫn tạm thời sau ban hành, khoảng ngày 30/9, các địa phương tùy tình hình cụ thể để quyết định khu vực nào được nới lỏng giãn cách. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện giãn cách xã hội COVID-19 TP.HCM TP.HCM khôi phục kinh tế Zero COVID-19