Nhà sản xuất thiết bị bán dẫn ASML Holding NV Hà Lan hôm thứ Ba (13/12) đã đặt câu hỏi, liệu việc Hoa Kỳ buộc Hà Lan áp dụng các quy định mới hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc có hợp lý hay không, theo Reuters đưa tin.

ASML
Peter Wennink, Chủ tịch và CEO của ASML (Nguồn: ASML & Shutterstock)

Giám đốc điều hành Peter Wennink cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo NRC Handelsblad: “Có thể họ nghĩ chúng tôi nên theo đàm phán của họ, nhưng ASML đã hy sinh nhiều rồi.”

Ông nói rằng sau áp lực của Hoa Kỳ, Chính phủ Hà Lan đã hạn chế ASML xuất khẩu máy in thạch bản tiên tiến nhất của họ sang Trung Quốc kể từ năm 2019, điều mà ông nói đã mang lại lợi thế cho các công ty Hoa Kỳ bán công nghệ thay thế.

Ông nói rằng trong khi 15% doanh số bán hàng của ASML là ở Trung Quốc, thì tại các nhà cung cấp thiết bị chip của Mỹ “con số này là 25 hoặc đôi khi hơn 30%.”

Người phát ngôn của ASML đã xác nhận với Reuters rằng những nhận xét trong cuộc phỏng vấn là chính xác nhưng từ chối bình luận thêm.

Chính quyền Biden đã ban hành các quy tắc xuất khẩu mới cho các công ty Mỹ vào tháng 10, nhằm cắt đứt khả năng sản xuất chip bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc và làm chậm tiến bộ quân sự và công nghệ của nước này.

Washington đang thúc giục Hà Lan, Nhật Bản, và các quốc gia không xác định cụ thể khác mà có các công ty sản xuất thiết bị sản xuất tiên tiến hãy áp dụng các quy tắc tương tự. Bộ trưởng thương mại Hà Lan đã xác nhận các cuộc đàm phán đang diễn ra.

Ông Wennink cho biết có vẻ mâu thuẫn khi các nhà sản xuất chip Mỹ có thể bán chip tiên tiến nhất của họ cho khách hàng Trung Quốc, trong khi ASML chỉ có thể bán thiết bị sản xuất chip cũ hơn.

“Các nhà sản xuất chip của Mỹ không có vấn đề gì với Trung Quốc với tư cách là một khách hàng,” ông nói.

Trong khi đó, “mọi người đều biết rằng công nghệ chip dành cho các ứng dụng thuần túy chỉ cho quân sự, thường [là loại công nghệ] đã 10, 15 năm tuổi. [Thế mà] công nghệ được sử dụng để sản xuất những con chip như vậy vẫn có thể được bán cho Trung Quốc.”

Thiên Đức