Hãng đồng hồ Thụy Sĩ hủy số hàng cao cấp trị giá nửa tỷ USD
- Quốc Hùng
- •
Richemont, công ty đồng hồ Thụy Sĩ sở hữu hai thương hiệu cao cấp Cartier và Montblanc, đã tiêu hủy nửa tỷ USD đồng hồ cao cấp trong 2 năm qua để bảo vệ thương hiệu, tờ The Guardian cho biết.
Trong vài năm trở lại đây, thị trường đồng hồ đã và đang phải trải qua một cơn khủng hoảng thừa do sự thay đổi thói quen tiêu dùng sang đồng hồ thông minh và smartphone cùng sự xuất hiện của nhiều nhà sản xuất mới. Chính vì lẽ đó, các thương hiệu đồng hồ cao cấp đã phải tính đến phương án “tiêu hủy sang trọng” để giữ gìn danh tiếng của mình.
Đây là một chiến thuật phổ biến để bảo vệ sản phẩm chính hãng của họ khỏi rơi vào “thị trường xám”, nơi đồng hồ tồn kho bị tuồn cho các nhà bán lẻ không được ủy quyền rồi lên ngự trên những cái cổ tay “không xứng đáng” với cái giá rẻ hơn rất nhiều giá gốc.
“Đồng hồ xịn thì phải khó mua”
Với những nhà sản xuất hàng xa xỉ như Hermès và Cartier, thương hiệu là tất cả – nhưng những công ty này chỉ có thể ăn lãi khủng khi sản phẩm của họ cũng hiếm như những người có thể mua chúng.
Vậy nên để tránh việc phải hạ giá để bán sản phẩm, những thương hiệu như Chanel và nhiều hãng khác đã giới hạn sự xuất hiện của những hàng hóa xa xỉ bằng cách đốt bỏ hoặc nghiền chúng thành những mảnh vụn – một cách bí mật. Nhưng trong trường hợp của Cartier thì ngược lại, việc công khai chuyện tiêu hủy hẳn là một phần trong chiến lược marketing của hãng.
Thị trường lao dốc + sản xuất quá đà = đồng hồ bị đập
Xuất khẩu đồng hồ của Thụy Sĩ đã giảm 13% trong khoảng thời gian từ năm 2014 tới năm 2016 và chạm đáy 6 năm. Doanh thu chỉ mới bắt đầu nhích lên một chút vào năm ngoái với mức tăng 2,7%. Nhưng trong khi nhu cầu đang bị thu hẹp lại, thì hàng tồn kho lại tiếp tục tăng lên.
“Những đối tác bán lẻ của chúng tôi vẫn đang tiếp tục bị nhồi hàng cứ như những con ngỗng lấy gan bị ép ăn vậy,” chủ tịch của Richemont – ông Johann Rupert đã than phiền về dư thừa nguồn cung trên thị trường với các nhà phân tích năm ngoái.
Dưới danh nghĩa “ổn định thương hiệu dài hạn”, hãng này đã quyết định mua lại đồng hồ từ các nhà bán lẻ rồi phá hủy để tránh việc chúng bị giảm giá rồi rao bán trên Amazon.
>> Trước vó ngựa chinh phạt của Alibaba: Singapore phản ứng như thế nào?
Thế nhưng, người mua hàng trực tuyến luôn thích đồ giảm giá.
Mặc dù vậy, ngay cả khi Richemont đã phá hủy hàng ngàn đồng hồ, các nhà bán lẻ không được ủy quyền vẫn tiếp tục bán sản phẩm của họ trên các trang thương mại điện tử.
Trong quá khứ Richemont đã từng kiện Amazon, Alibaba và eBay vì bán đồng hồ giả.
Nhưng bất kể nhu cầu của thị trường cho những chiếc đồng hồ cơ đắt đến cắt cổ có hồi phục trở lại hay không, chủ tịch Rupert của Richemont (một người đam mê môn cricket với tổng tài sản trị giá 7 tỷ đô) khẳng định, “nguyên tắc tiếp cận của Richemont với thị trường xám là không thỏa hiệp.”
Câu nói này dường như ngụ ý rằng, nếu ông ta không thể bán những chiếc đồng hồ hạng sang của mình, thì không ai có thể!
Từ khóa Thụy Sĩ hàng xa xỉ đồng hồ thời trang cao cấp Xây dựng thương hiệu