Theo các chuyên gia thương mại, Hiệp định thương mại ba bên Mỹ – Mexico – Canada (USMCA) – thay thế cho Hiệp định Thương mại Tư do Bắc Mỹ (NAFTA) – vừa đạt được đã chặn đứng hy vọng của Trung Quốc trong việc đàm phán hiệp định thương mại tự do với Canada và Mexico.

Embed from Getty Images

Chính quyền Tổng thống Trump vừa đạt được thỏa thuận thương mại quan trọng với hai nước láng giềng Canada và Mexico.

Theo đó, Hiệp định USMCA có điều khoản cấm các nước thành viên ký kết hiệp định thương mại song phương với các nước “phi thị trường”.

Cụ thể, Hiệp định USMCA có điều khoản quy định rằng nếu một trong những đối tác trong hiệp định tham gia một thỏa thuận thương mại tự do với một nước “phi thị trường” như Trung Quốc, thì phải thông báo cho những quốc gia khác 3 tháng trước khi tham gia vào các cuộc đàm phán đó. Đồng thời, hai quốc gia còn lại có thể rút khỏi hiệp định và hình thành hiệp ước thương mại song phương của riêng họ, tức loại bỏ nước kia ra khỏi hiệp định.

Điều khoản này được cho là phù hợp với nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm cô lập Trung Quốc về mặt kinh tế và ngăn chặn các công ty Trung Quốc sử dụng Canada hoặc Mexico làm “cửa hậu” để xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ.

Tờ Reuters dẫn lời ông Derek Scissors, một học giả Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington, nói rằng điều khoản này đã cho phép chính quyền Tổng thống Trump có quyền phủ quyết hiệu quả đối với bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Trung Quốc bởi Canada hay Mexico.

Nếu điều khoản này được lặp lại trong các cuộc đàm phán khác của Hoa Kỳ với Liên minh châu Âu và Nhật Bản, nó có thể khởi tác dụng cô lập chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Theo ông Scissors, cả Canada và Mexico đều có khả năng ký kết hiệp định tự do thương mại với Trung Quốc trong tương lai, nhưng điều khoản của USMCA là một cách rất tinh tế để đối phó với điều đó. “Không có thỏa thuận nào với Trung Quốc đáng để mất một USMCA đã được phê chuẩn”, ông Scissors nói.

Trước đó, chính quyền Bắc Kinh nhiều lần yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công nhận họ là một “nền kinh tế thị trường”. Mặc dù vậy, Mỹ và Liên minh châu Âu lập luận rằng ĐCS Trung Quốc đã trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nước gia tăng sản xuất dư thừa, loại trừ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài cũng như các hành động khác là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế phi thị trường.

Tường Văn

Xem thêm: