Ít nhất 18 công ty lớn đã rút đầu tư khỏi Trung Quốc trong một năm qua
- Lý Tịnh
- •
Cùng với việc nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, Mỹ, Châu Âu và các nước khác đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc. Các doanh nghiệp có vốn nước ngoài ở Trung Quốc đã rút khỏi nước này và đầu tư vào Đông Nam Á, Ấn Độ và các nước khác. Ít nhất 18 công ty đa quốc gia đã tuyên bố đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc và sa thải nhiều nhân viên. Chuyên gia dự đoán việc thoái vốn của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc sẽ ngày càng nghiêm trọng.
Theo truyền thông Trung Quốc và truyền thông nước ngoài đưa tin, ngày 19/9, ‘gã khổng lồ’ công nghệ nổi tiếng của Mỹ Cisco đã sa thải 300 nhân viên tại nhà máy Đại Liên, với hai phương án bồi thường: N+7 hoặc N+5 (N là số năm làm việc tại công ty, mỗi năm sẽ được đền bù 1 tháng lương). Theo báo cáo, đây là đợt sa thải thứ hai trong năm nay.
Đồng thời, nhà máy Passat và Skoda của Tập đoàn Volkswagen Đức tại Nam Kinh sẽ chính thức đóng cửa vào năm tới.
Ngày 13/9, Hino Motors, công ty con của Tập đoàn ô tô Toyota, thông báo sẽ ngừng sản xuất động cơ diesel tại Trung Quốc. Công ty con Shanghai Hino Engine sẽ ngừng sản xuất vào ngày 30/9. Theo tờ Nikkei của Nhật Bản đưa tin, đây là liên doanh được thành lập năm 2003, trong đó Hino đầu tư 70% và Tập đoàn ô tô Quảng Châu đầu tư 30%.
Vào cuối tháng 8, nhà máy liên doanh thứ hai của Honda Motor tại Vũ Hán đã ngừng hoàn toàn sản xuất và sa thải 2.500 người.
Vào cuối tháng 8, IBM tại Hoa Kỳ bất ngờ tuyên bố sẽ sa thải hơn 1.000 nhân viên và đóng cửa các bộ phận R&D tương ứng.
Ngày 20/8, nhà máy Konica Minolta của Nhật Bản tại Vô Tích thông báo sẽ ngừng sản xuất vào năm tới và dự kiến sẽ sa thải hơn 1.300 người.
Đầu tháng 8, Liebherr Thụy Sĩ tuyên bố sẽ đóng cửa nhà máy kinh doanh bê tông tại Từ Châu.
Trong cùng thời gian đó, Canon của Nhật Bản bắt đầu cắt giảm nhân viên nhà máy ở Tô Châu. Theo trang tin iFeng, vào năm 2021, số lượng nhân viên của Canon Trung Quốc giảm từ 1.500 xuống còn hơn 1.300, đồng thời 10 văn phòng trên Trung Quốc và 4 chi nhánh tại Thiên Tân, Thanh Đảo, Đại Liên và Cáp Nhĩ Tân sẽ đóng cửa. Năm 2022, kế hoạch bồi thường khi sa thải khi nhà máy Chu Hải của Canon đóng cửa đã gây ra nhiều cuộc thảo luận rộng rãi.
Ngày 23/7, Tập đoàn thép Nippon (Nippon Steel Corporation) của Nhật Bản đã rút khỏi liên doanh với Shanghai Baosteel là công ty Baosteel-Nippon Steel Automotive Steel Sheets, và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Baosteel.
Ngày 12/7, Kato Engineering (KATO) của Nhật Bản chính thức rút khỏi thị trường Trung Quốc và giải thể nhà máy liên doanh tại Côn Sơn, tỉnh Giang Tô.
Vào tháng 6, Nissan Motor tuyên bố đóng cửa nhà máy sản xuất tại Thường Châu, tỉnh Giang Tô. Cùng thời điểm đó, Công ty Phụ tùng ô tô Yazaki của Nhật Bản đã đóng cửa nhà máy sản xuất tại thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông.
Vào ngày 16/5, công ty công nghệ Kingland của Mỹ đã giải thể Công ty Phần mềm Kingland có trụ sở tại Đại Liên, sa thải hơn 160 nhân viên.
Vào tháng 5, có thông tin cho rằng nhóm R&D AI của Microsoft tại Trung Quốc sẽ được chuyển đến địa điểm khác ngoài Trung Quốc.
Vào tháng 4, bộ phận tại Thượng Hải của công ty phần mềm SAP của Đức đã bắt đầu sa thải nhân viên với mức bồi thường N + 4. Việc sa thải dự kiến sẽ tiếp tục cho đến quý đầu tiên của năm sau.
Ngày 29/2, Tập đoàn Bridgestone của Nhật Bản chính thức đóng cửa nhà máy sản xuất tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, sa thải hơn 1.200 người.
Vào tháng 11 năm ngoái, công ty thiết kế chip Graphcore của Anh đưa ra thông báo rằng, do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gần đây do Mỹ đưa ra đã hạn chế việc bán công nghệ cao cấp ở Trung Quốc, nên công ty đã quyết định rút khỏi thị trường Trung Quốc và sa thải hầu hết nhân viên Trung Quốc.
Vào tháng 8 năm ngoái, Công ty Daido Electric của Nhật Bản đã đóng cửa nhà máy sản xuất tại Tô Châu, tỉnh Giang Tô và chính thức rút vốn với mức bồi thường N+3.
Vào tháng 7 năm ngoái, Mitsubishi Motors của Nhật Bản tuyên bố rút khỏi thị trường Trung Quốc. Reuters đưa tin, Mitsubishi Motors sẽ đầu tư tới 200 triệu euro vào đơn vị sản xuất xe điện mới của Renault SA của Pháp để củng cố chỗ đứng của mình tại châu Âu và các thị trường khác.
Phân tích: Dự đoán việc rút vốn đầu tư của công ty nước ngoài tại Trung Quốc sẽ ngày càng nghiêm trọng
Ngay từ tháng 7/2020, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã thông báo sẽ cung cấp 70 tỷ yên (khoảng 500 triệu USD) trợ cấp cho hoạt động sản xuất của Nhật Bản tại Trung Quốc, mục đích để hỗ trợ 87 công ty chuyển dây chuyền sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc sang Đông Nam Á hoặc là quay trở lại Nhật Bản để giảm sự phụ thuộc của Nhật Bản vào Trung Quốc và thiết lập chuỗi cung ứng linh hoạt.
Theo báo cáo, tính đến năm 2024, khoảng 150 đến 200 công ty đã quyết định chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất của họ trở lại Nhật Bản và con số này tiếp tục tăng.
Vào tháng 7 năm nay, Phòng Thương mại Nhật Bản tại Trung Quốc đã tiến hành một cuộc khảo sát bằng bảng câu hỏi đối với 8.000 công ty Nhật Bản tại Trung Quốc và đã đã nhận được 1.760 câu trả lời hợp lệ. Kết quả cho thấy 60% các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc được khảo sát tin rằng tình hình kinh tế Trung Quốc năm nay sẽ “tệ hơn” hoặc “tệ hơn một chút” so với năm ngoái. Con số này tăng đáng kể từ mức 50% trong cuộc khảo sát tháng 5.
Ông Phàn Gia Trung (Elliott Fan), giáo sư Khoa Kinh tế tại Đại học Quốc gia Đài Loan, nói với tờ Epoch Times: “Khi việc rút vốn nước ngoài ngày càng nghiêm trọng và không có xu hướng chậm lại, bạn có thể thấy ra trong vài quý tới, ít nhất là sang năm, tình hình không lạc quan chút nào.”
Ông nhấn mạnh rằng các công ty nước ngoài đã đầu tư nhiều vào Trung Quốc đang rút lui, và ngay cả các công ty Trung Quốc cũng đang rút vốn đầu tư. Do có nhiều sự không chắc chắn về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay nên nhiều công ty, bao gồm cả công ty của Trung Quốc, đang chuẩn bị. Vì vậy, có thể dự đoán rằng việc rút lui của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong tương lai, bởi họ muốn tránh vấn đề thuế quan.
Theo Lý Tịnh, Epoch Times
Từ khóa kinh tế Trung quốc Thị trường Trung Quốc