Vụ Khaisilk: Lụa Việt và lụa Trung Quốc mác Việt
- Trường Xuân
- •
Mấy ngày qua dư luận rất bức xúc trước vụ việc ông Khải, chủ thương hiệu lụa Khaisilk nổi tiếng của Việt Nam cho rằng: Việc nhập lụa từ Trung Quốc về Việt Nam để bán chỉ là do thị trường Việt Nam còn thiếu hàng, ông phải sang Trung Quốc để lựa chọn hàng chất lượng để phục vụ cho thị trường trong nước. Ông khải cũng đã cúi đầu nhận lỗi trước công chúng và người tiêu dùng Việt Nam.
Chất lượng tơ lụa Trung Hoa mà Khaisilk nhập ra sao?
Vietnamnet đưa ý kiến của một người trong nghề, bà Lương Thanh Hạnh, Giám đốc Công ty Hanhsilk (làng nghề Đũi Nam Cao, Kiến Xương, Thái Bình), trong ngành lụa nhiều người biết Khaisilk đặt hàng tại chợ đầu mối về lụa ở Hàng Châu, một nơi nổi tiếng về dệt lụa từ rất lâu đời của Trung Hoa.
Theo bà Hạnh, lụa Trung Quốc rất khác với hàng Việt Nam, nhìn vào mẫu mã sản phẩm có thể phân biệt được ngay. Hàng lụa Trung Quốc quá bóng và mượt mà, bởi công nghệ phát triển từ lâu mà Việt Nam không thể theo kịp. Sản phẩm lụa Việt Nam đẹp nhưng dễ nhăn, hoa văn họa tiết không sắc sảo như lụa Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc, bà Hạnh nói.
Là dân trong nghề, bà Hạnh cho biết còn rất lâu nữa hàng lụa Việt Nam mới đạt được tới trình độ tay nghề tinh xảo và bắt mắt như các nghệ nhân Trung Hoa.
Bà Hạnh còn cho biết theo xếp hạng của một diễn đàn về ngành lụa, lụa Trung Quốc đang là số 1 thế giới mà Việt Nam chỉ đứng thứ 9, đủ cho thấy sự chênh lệch về công nghệ.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội dâu tằm tơ, ông Đặng Vĩnh Thọ phát biểu trong Đại hội dâu tằm tơ Việt Nam vào tháng 4/2017 tại TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng, cho hay, thị trường tơ lụa Việt Nam cũng không nhỏ, nhưng hiện nay mỗi năm phải nhập khẩu cả 1.000 tấn tơ từ Trung Quốc, Brazil… để làm gia công cho một Công ty Matsumura (Nhật Bản) xuất khẩu.
Không chỉ Khaisilk mà làng nghề truyền thống cũng nhập lụa từ Trung Quốc
Theo chị Hà với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, cũng là chủ một hãng chuyên sản xuất lụa Việt Nam, nói với phóng viên của báo Dân Trí: “Đến giờ này, chỉ còn vài nhà ở Vạn Phúc (Hà Đông) là sản xuất lụa thật. Việc nhập hàng Trung Quốc về bán là rất phổ biến.”
“Lụa Trung Quốc đa dạng, in màu cực kì sắc sảo, độ lụa nuột nà hơn hàng Việt mình. Đó là do họ có công nghệ nhuộm in rất hiện đại. Trong khi đó, hàng mình chủ yếu làm thủ công, màu lụa thường là màu trầm, trơn, nhạt nhạt, sờ vào thô ráp. Màu có rực rỡ hơn nếu nhuộm bằng thuốc nhưng cũng không bằng hàng Trung Quốc,” chị Hà nói.
Theo nhóm phóng viên của Dân Trí, những người kinh doanh lụa trong làng nghề tiết lộ, việc mua bán hàng lụa Trung Quốc dễ dàng hơn so với hàng dệt Việt Nam vì mẫu mã đa dạng và thu hút. Ngoài ra, theo một nhóm phóng viên khảo sát thực tế tại làng nghề Vạn Phúc cho biết, nếu muốn, khách hàng còn được gợi ý là sẽ được thay mác và logo công ty theo ý của mình.
Không thể biện hộ cho việc nhập hàng Tung Quốc, dán mác lụa Hà Đông
Mặc dù ông chủ Hoàng Khải của Khaisilk đã chính thức thừa nhận có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc, và dù chất lượng lụa “Hàng Châu” mà ông Khải nhập có thực sự cao hơn chất lượng lụa Việt thì rất nhiều người vẫn vô cùng bất bình khi cho rằng họ đã bị lừa khi đặt niềm tin vào một thương hiệu “lụa Hà Đông” của Việt Nam một cách đầy tự hào.
Trên Tienphong.vn, bạn đọc Duy Khương bức xúc: “Cái này rõ ràng là lừa dối khách hàng. Giờ còn đổ lỗi tại tơ lụa Việt Nam kém chất lượng. Công nhận là tơ lụa Trung Quốc đa dạng mẫu mã, tuy nhiên tơ lụa Việt Nam cũng nổi tiếng thế giới với đặc trưng riêng”.
“Chúng tôi ủng hộ hàng lụa tơ tằm của Việt Nam mới mua sản phẩm của ông dù nó đắt hơn nhiều hàng cùng loại của Trung Quốc. Nhưng chúng tôi đã bị lừa”, một tài khoản khác tên Nguyễn Chi bày tỏ.
Người tiêu dùng hoàn toàn có lý khi đòi hỏi sự công bình cho mình trong suốt gần 30 năm bị “bội tín”, họ mua hàng Khaisilk vì nghĩ đó là thương hiệu truyền thống của Việt Nam, là tinh hoa và tinh túy của dân tộc Việt kết tinh trong từng sản phẩm đó.
Một số luật sư cho rằng Khaisilk đã cố ý lừa dối người tiêu dùng, thậm chí có dấu hiệu của tội buôn bán hàng giả và lừa đảo.
Trong một dòng chia sẻ trên facebook, luật sư Lê Văn Luân (tài khoản Luân Lê) viết:
“Trong câu chuyện của Khaisilk, việc thừa nhận sai lầm và khắc phục, bồi thường cho khách hàng là đúng. Đó là thái độ cầu thị và đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, cần phải xem xét thấu đáo vấn đề rằng, việc lấy vải Trung Quốc với giá rẻ rồi gắn “Made in Vietnam” (lụa Hà Đông) để bán với giá gấp hàng chục lần là đã xảy ra từ khi nào? Vì nếu nó đã diễn ra từ lâu rồi mà chỉ đợi đến khi người dân phát hiện đó là hàng Tàu và đem lên công luận phơi bày mới nhận lỗi thì không khác gì ông Hùng giám đốc VNPharma, tức là đợi đến khi gánh chịu hậu quả mới tỏ ra ăn năn hối cải. Nhưng vụ việc có lẽ đã có dấu hiệu của tội buôn bán hàng giả và lừa dối khách hàng rồi“.
Cùng ý kiến với luật sư Luân, Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, nói với tờ Thanh Niên:
“Hành động của thương hiệu Khaisilk là lừa dối khách hàng. Theo quy định, tất cả doanh nghiệp phải có trách nhiệm cung cấp mọi thông tin về sản phẩm khi đưa ra thị trường, trong đó bao gồm xuất xứ. Từ đó khách hàng sẽ quyết định có nên mua hay không. Đặc biệt trong khi nhiều hàng hóa Trung Quốc đang gây ra nhiều lo lắng vì chất lượng không đảm bảo. Hay như nhiều loại vải nước này cũng đã từng bị phát hiện có hóa chất gây độc hại cho người dùng… thì việc lấy hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam càng không thể chấp nhận được”.
Vậy nên, nếu Khaisilk gán nhãn Made in China ngay từ đầu thì có thể đã là một câu chuyện khác, thị trường cũng không hẳn sẽ có một thương hiệu Khaisilk Made in Vietnam nức lòng người dân Việt, và cũng không có những sự hụt hẫng, cảm giác bị bội tín đầy chua xót mà người tiêu dùng Việt Nam đang trải qua.
Đây sẽ là bài học xương máu cho Khaisilk, cho những thương hiệu đã, đang và sẽ muốn trở thành một bức thông điệp Made in Vietnam đáng tự hào, thì điều đầu tiên đó là chữ Tín.
>> ‘Thương đức – Thương tài’: 4 triết lý quý giá về đạo kinh doanh người Việt đã có từ đầu TK 20
Sau khi sự việc trở nên ầm ĩ trên mạng xã hội, ông Khải sau một thời gian im lặng đã có câu trả lời với báo Zing:
“Chúng tôi sẽ thu hồi toàn bộ lô sản phẩm này và xây dựng lại việc quản lý sản phẩm và thương hiệu chặt chẽ hơn. Sau khi thu hồi toàn bộ hàng, chúng tôi cam kết sẽ thay đổi việc tách bạch trong hoạt động ghi nhãn xuất xứ của hai loại riêng biệt, gồm sản xuất tại Việt Nam và Trung Quốc theo hướng kinh doanh của các thương hiệu lớn. Với việc này, tôi biết thương hiệu đã bị ảnh hưởng và đây là cái giá phải trả. Chúng tôi sẽ cố gắng để thay đổi và vực dậy, lấy lại niềm tin của khách hàng”.
Trung Hoa, cái nôi xuất xứ của lụa tơ tằm Tơ lụa có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Hoa cổ xưa. Nghề trồng dâu nuôi tằm đã có lịch sử hơn 6.000 năm. Truyền thuyết kể lại rằng khi bà Loa Tổ, vợ của vua Hoàng Đế vào thế kỷ 27 Trước Công Nguyên, đang uống trà dưới một gốc cây tằm thì có một cái kén rơi vào ly của bà. Bà nhìn thấy kén quay một sợi trắng trông rất chắc và bà đã lấy tay tháo sợi kén ra quấn vào tay mình. Bà nhận ra rằng nó có thể sử dụng để dệt sợi. Mặc dù người ta không biết sự thực trong câu chuyện này đến đâu nhưng chắc chắn nghề làm lụa đã tồn tại ở Trung Quốc trong rất nhiều thiên niên kỷ. Ngành sản xuất tơ lụa Trung Hoa đã đạt đến đỉnh cao của nghề thủ công trong suốt triều đại của nhà Thương (1600TCN – 1046TCN). Trong suốt hơn 2.000 năm, người Trung Hoa đã tuyệt đối giữ bí mật về nghề dệt lụa. Tơ lụa được sản xuất chủ yếu ở phía Nam đồng bằng châu thổ sông Dương Tử. Lụa Hàng Châu đã từng là thứ đắt tiền chỉ dành cho vua chúa, tầng lớp thượng lưu trong xã hội bởi sự cao cấp của nó: sợi tơ óng, hoa văn đẹp, màu sắc khó phai. Nhu cầu đối với loại vải kỳ lạ này cuối cùng đã dẫn đến sự hình thành con đường thương mại nổi tiếng, mang tên “Con đường tơ lụa”, vận chuyển lụa sang phương tây đồng thời mang vàng, bạc và len về phương Đông. Ngày nay, thế giới có khoảng 125.000 tấn lụa và gần hai phần ba trong số đó là do Trung Quốc sản xuất. |
Trường Xuân (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa khăn lụa khăn lụa khaisilk Made in China đạo đức kinh doanh Khaisilk