Báo cáo giao dịch bất động sản qua công chứng của Sở Tư pháp Lâm Đồng cho thấy lượng giao dịch đất nền tại hai điểm nóng Đà Lạt và Bảo Lộc giảm tương ứng 16% và 22% so với Quý 2. Bình quân, đất nền Bảo Lộc có 3-4 giao dịch mỗi ngày, còn cả tỉnh Lâm Đồng khoảng 60 giao dịch. 

dat nen bao loc FB Thông Minh Lê
Đất nền Bảo Lộc chỉ có 3-4 giao dịch qua công chứng mỗi ngày. Ảnh minh họa (FB Thông Lê Minh)

Giao dịch đất nền sụt giảm đáng kể

Báo cáo về giao dịch bất động sản qua công chứng của Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho thấy trong Quý 3/2024, cả tỉnh có gần 5.500 giao dịch gồm đất nền, nhà riêng lẻ và căn hộ, giảm 4,3% so với Quý 2, trong đó đất nền vẫn áp đảo với 5.100 lô được mua bán với tổng giá trị hơn 4.900 tỷ đồng.

Hai điểm nóng Đà Lạt và Bảo Lộc ghi nhận sự sụt giảm số lượng giao dịch đất nền tương ứng 16% và 22% so với Quý 2. Đà Lạt có hơn 340 lô đất nền được giao dịch với tổng trị giá 1475 tỷ đồng, giá trung bình 4,2 tỷ đồng/lô. Bảo Lộc ghi nhận 390 lô đất nền được giao dịch qua công chứng với tổng trị giá gần 300 tỷ đồng, tương đương 770 triệu đồng/lô. Các địa phương khác cũng ghi nhận đà giảm về số lượng giao dịch trong khi giá bán vẫn đi ngang.

Cơn sốt đất đi qua, nhiều nhà đầu tư mắc kẹt

Lâm Đồng đã từng trải qua cơn sốt đất năm 2021-2022 với mức giá có lúc gần gấp 2 lần. Cảnh mua bán nhộn nhịp, hàng trăm dự án phân lô, xẻ nền đất nông nghiệp diễn ra đồng thời. Nhìn từ trên cao, những khu vực đất sốt như Bảo Lộc, Bảo Lâm giống như đại công trường dang dở.

Cảnh quan, thời tiết thuận lợi và địa thế tương đối gần các khu vực kinh tế lớn như Tp.HCM, Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt cùng với các dự án bất động sản có thương hiệu lớn đã thu hút không ít nhà đầu tư quan tâm tới đất nền Lâm Đồng, đặc biệt một số khu vực hot như Bảo Lộc, Bảo Lâm.

Chỉ cần gõ từ khóa “đất nền Bảo Lộc”, “đất nền Đà Lạt” sẽ hiện lên vô số các link quảng cáo về đất nền khu vực này, cùng các hội nhóm lên tới vài chục ngàn thành viên quan tâm tới đất nền Bảo Lộc, Bảo Lâm.

Hàng trăm dự án được các đơn vị kinh doanh bất động sản lập lên với mục đích phân lô xẻ nền chào bán các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tại thời điểm cuối năm 2021 – 2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phải liên tục ra văn bản nhằm hạn chế, dừng các hoạt động tách thửa để hạn chế việc phân lô, xẻ nền đất nông nghiệp.

Tuy vậy, đến cuối năm 2022, không cần tới các biện pháp hành chính thì thị trường bất động sản Lâm Đồng cũng tự hạ nhiệt do cạn dòng tiền. Đến giữa năm 2023, để cứu thị trường bất động sản địa phương, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có động thái hủy bỏ văn bản cấm tách thửa đã ban hành nhưng cũng không thể “phá băng” thị trường như kỳ vọng.

Hiện nay mức giá hiện giá đất nền vùng ven TP.Đà Lạt hay các khu vực “hot” như Bảo Lộc, Bảo Lâm… đang dao động từ 5 – 25 triệu đồng/m2; xa trung tâm có nơi chỉ rao bán từ 1 triệu đồng/m2.

Mức giá hiện nay được rao bán đã giảm từ 10-25% so với giai đoạn đỉnh sốt, nhưng lượng giao dịch vẫn rất thấp. Tình thế thanh khoản chậm, giá lao dốc đẩy một số nhà đầu tư bất động sản Lâm Đồng rơi vào thế kẹt.

Một môi giới bất động sản Lâm Đồng cho biết, chi phí vay mỗi năm có thể đội giá vốn của chủ đầu tư lên tới 15%, trong khi không biết khi nào thị trường mới khởi sắc trở lại. Nhiều nhà đầu tư đã phải cắt lỗ sâu tới 25% so với mức giá mua vào.

Tuy nhiên, giới môi giới cho rằng đất nền vẫn sẽ là phân khúc có khả năng sinh lời cao nhưng ở thời điểm này chỉ dành cho các nhà đầu tư sẵn vốn. Các nhà đầu tư đang phải vay tiền cần cân nhắc giảm lãi, thậm chí bán lỗ để thoát hàng, tránh sa lầy sâu hơn, nguy cơ mất cả chì lẫn chài.

Nguyên Hương