Mỹ giảm nhập khẩu, áp lực đè nặng lên kỳ vọng phục hồi kinh tế Trung Quốc 2023
- Tuấn Minh
- •
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong tháng 1/2023 giảm còn 21,9 tỷ USD, tương đương giảm 900 triệu USD (-3,9%) so với mức 22,8 tỷ USD vào tháng 12/2022. Trong 4 quý gần nhất, giá trị thâm hụt liên tục giảm, điều này tạo áp lực không nhỏ đối với kỳ vọng phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau khi mở cửa hậu COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán).
Theo số liệu của cơ quan Mỹ, tổng giá trị thương mại trong tháng 1/2023 đã tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu của Mỹ đã tăng 3,4%, lên mức 257,5 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng 3%, lên 325,8 tỷ USD, thông cáo báo chí của Bộ Thương mại vào hôm 8/3 cho biết.
Tổng thâm hụt thương mại của Mỹ, bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ, đã tăng 1,6% so với tháng trước, lên 68,3 tỷ USD vào tháng 1, nhưng thâm hụt với Trung Quốc đang giảm dần.
Cụ thể, thâm hụt trong 3 quý đầu năm 2022 lần lượt là 115,1 tỷ USD, 102,4 tỷ USD và 97,1 tỷ USD, cho thấy mức thâm hụt thương mại đã thu hẹp trong năm vừa qua. Trong quý 4/2022, con số này giảm 28,9 tỷ USD, nhiều hơn so với 2 quý liền trước (12,7 tỷ USD và 5,3 tỷ USD) cộng lại.
Thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ. Trong đó, Mỹ luôn có thặng dư về dịch vụ (tức là xuất khẩu vượt quá nhập khẩu) nhưng thường xuyên thâm hụt hàng hóa với Trung Quốc.
Theo số liệu gần đây, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong tháng 1 là 21,9 tỷ USD, giảm thêm 900 triệu USD, tương đương 3,9%, so với mức 22,8 tỷ USD vào tháng 12/2022.
Bộ Thương mại Mỹ thường cung cấp số liệu thống kê về thương mại hàng hóa và dịch vụ theo quốc gia và khu vực hàng quý, với độ trễ một tháng.
Theo dữ liệu mà ĐCSTQ công bố, giá trị xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 6,8% so với một năm trước đó xuống còn 506,3 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2; nhập khẩu đạt 389,4 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái kể từ tháng 8/2022 và sự sụt giảm này đã dần tăng tốc. Trong tháng 1 và tháng 2, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu từ Mỹ giảm 5,9%.
Vào năm 2022, thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 877,6 tỷ USD. Thặng dư thương mại với Mỹ là 404 tỷ USD, chiếm 46,1%. Tổng giá trị thặng dư thương mại của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 2/2023 là 116,8 tỷ USD, trong đó thặng dư thương mại với Mỹ gần 41,3 tỷ USD, chiếm 35,3%.
Đến năm 2023, tỷ trọng thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong thặng dư thương mại chung của Trung Quốc đã giảm hơn 10%.
Mỹ là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, và xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập xuất khẩu và sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong năm nay.
Số liệu xuất khẩu của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023 có vẻ không tốt khi đơn đặt hàng đã giảm và một số công ty đã phải cho một số công nhân nghỉ phép dài.
Ví dụ, một số nhân viên của Dongguan Chitwing Technology Co., Ltd. đã được nghỉ phép ba tháng (từ ngày 21/2 đến ngày 20/5). Thông báo ngày lễ có nội dung, “… Do ảnh hưởng của tình hình chung, khối lượng đặt hàng của công ty đã giảm mạnh”. Khách hàng của Dongguan Chitwing Technology bao gồm: OPPO, Huaqin, Samsung, Huawei, Google và Facebook.
Viện Nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc (BOC) đã công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế vĩ mô” vào hôm 28/2 thảo luận về lý do xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh và xu hướng có thể xảy ra trong tương lai.
“Trong nửa cuối năm 2022, sự sụt giảm tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ là sớm nhất và sâu nhất, và có tác động lớn nhất đến tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc”, báo cáo cho biết.
Các lý do khiến xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh, được phân tích trong báo cáo, bao gồm việc giảm nhu cầu của người tiêu dùng ở Mỹ, hàng tồn kho cao và nhu cầu bổ sung hàng hóa và sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng của Mỹ sang các quốc gia khác.
Từ khóa kinh tế Trung quốc thương mại Mỹ - Trung Dòng sự kiện