Ngân hàng thế giới (World Bank – WB) đã điều chỉnh ước tính lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2020 từ mức 15,7 tỷ USD trong báo cáo hồi tháng 10/2020 lên đến 17,2 tỷ USD trong dữ liệu cập nhật vào trung tuần tháng 5/2021. 

kieu hoi
(Ảnh minh họa: Ton Anurak/Shutterstock)

Trong báo cáo cập nhật dữ liệu kiều hối toàn cầu tháng 5/2021, WB đã điều chỉnh ước tính lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 từ mức 15,7 tỷ USD trong báo cáo hồi tháng 10/2020 lên đến 17,2 tỷ USD.

Con số này tăng nhẹ gần 3% so với năm 2019, thấp hơn mức tăng 6% trong các năm trước, nhưng tăng đến 1,5 tỷ USD so với dự báo.

Với lượng kiều hối chảy về tương đương 5% GDP năm 2020, Việt Nam tiếp tục xếp thứ 9 trong nhóm 10 quốc gia và vùng lãnh thổ lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Năm 2019, lượng kiều hối về Việt Nam là 17 tỷ USD, tương đương 6,5% GDP.

Cũng theo báo cáo, nếu không tính Trung Quốc thì lượng kiều hối nhận về tại các nước thu nhập thấp và trung bình còn lớn hơn tổng mức đầu tư ngoài nước và nguồn viện trợ chính thức gộp lại. Điều này cho thấy vai trò lớn của nguồn tiền kiều hối đối với sự phát triển các khu vực này.

kieu hoi qua cac nam e1621342261970
Kiều hối chuyển về Việt Nam từ năm 2000-2019 (đơn vị: triệu USD, %). (Nguồn: WDI/dẫn qua ncif.gov.vn)

Hồi tháng 3/2020, trước mức độ lây lan của dịch viêm phổi Vũ Hán trên toàn cầu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – ông Lương Thanh Nghị cho biết tính đến cuối năm 2019, có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo số liệu của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và thống kê của các nước.

Trong đó, hơn 300.000 người là du học sinh các cấp học, ngắn hạn và dài hạn; khoảng 600.000 lao động Việt Nam bao gồm lao động có tay nghề và lao động phổ thông làm việc tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở khu vực châu Á và Trung Đông, theo TTXVN.

Vào tháng 10/2020, dự báo lượng kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2020 có thể giảm hơn 7% so với năm 2019 còn 15,7 tỷ USD được WB đưa ra trong bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán dẫn đến các biện pháp phòng ngừa (phong tỏa, cách ly…) và kinh tế giảm sút khiến nguồn tiền của lao động di cư gửi về sụt giảm.

Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2020 còn lớn hơn 200 triệu USD so với năm 2019, đã đi ngược hoàn toàn so với dự báo trên.

https://trithucvn2.net/kinh-te/47-ty-usd-kieu-hoi-da-chuyen-ve-tp-hcm.html

Ở một góc nhìn khác, cuối tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) công bố một báo cáo đặt nghi vấn về nguồn tiền khiến giá bất động sản tăng nhanh, trong đó có đề cập đến kiều hối.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA cho hay trong 3 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản là 3%, tuy có cao hơn tăng trưởng tín dụng chung (chỉ tăng 2,93%) nhưng không quá bất thường. Câu hỏi đặt ra là nguồn vốn đầu tư rất lớn gây nên tình trạng “bong bóng” bất động sản đến từ đâu.

Các nguồn tiền đầu tư công khai được HOREA đưa ra bao gồm: tiền nhàn rỗi, tiền để dành, vàng cất giữ trong dân, tiền từ chốt lời chứng khoán, tiền kiều hối (có khoảng 20% kiều hối đầu tư vào bất động sản). Nghi vấn về nguồn “tiền bẩn” (có nguồn gốc tội phạm, hoặc có thể do tham nhũng) mua bất động sản để “rửa tiền” được tổ chức này đặt ra và đề nghị giới chức năng kiểm soát.

Sơn Nguyên

Xem thêm:

https://trithucvn2.net/kinh-te/55-kieu-hoi-cua-viet-nam-den-tu-my.html