Hôm 8/7, công ty xe điện BYD hàng đầu Trung Quốc công bố sẽ xây dựng một nhà máy mới ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) áp đặt thuế bổ sung đối với xe thuần điện (EV) do Trung Quốc sản xuất, BYD hy vọng sẽ tránh được các mức thuế này thông qua “sản xuất bản địa hóa tại châu Âu”. Nhiều công ty Trung Quốc khác cũng đang thực hiện các bước tương tự để giảm thiểu tác động.

xe dien BYD
Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD trưng bày xe điện Hiace 07 EV tại Triển lãm ô tô Bắc Kinh, ngày 25/4/2024. (Ảnh: Pedro Pardo/AFP qua Getty Images)

Theo những phân tích, trong bối cảnh cuộc tấn công của ô tô Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn bằng cách “sản xuất bản địa hóa tại châu Âu”, không chỉ các hãng ô tô châu Âu mà cả các hãng ô tô Nhật Bản cũng đang cần khẩn cấp có biện pháp đối phó.

Theo Nikkei hôm 10/7, vì khoản đầu tư của BYD có quy mô lớn nên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng tham dự buổi lễ ra mắt và bắt tay Chủ tịch BYD Wang Chuanfu (Vương Truyền Phúc).

Khoản đầu tư của BYD vào nhà máy mới dự kiến ​​là 1 tỷ USD và sẽ sản xuất xe thuần điện (EV) và xe kết hợp xăng – cơ điện (plug-in hybrid, (PHV), sản lượng hàng năm là 150.000 xe và dự kiến ​​bắt đầu sản xuất vào cuối năm 2026.

Trước đó hồi cuối năm 2023 BYD cho biết sẽ xây dựng một nhà máy mới ở Hungary. Đến nay, nhà máy mới ở Thổ Nhĩ Kỳ theo sau động thái này, được biết nhằm tiếp tục đảm bảo cơ sở xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Lý do BYD mong muốn thúc đẩy sản xuất tại địa phương châu Âu là vì Ủy ban châu Âu – cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu – đã áp đặt thuế bổ sung đối với xe điện của Trung Quốc. Ủy ban châu Âu đã tăng cường cảnh giác trước sự hiện diện ngày càng tăng nhanh chóng của xe điện do Trung Quốc sản xuất, tin rằng loại xe nhận trợ cấp từ Chính phủ Trung Quốc đó dẫn đến tình trạng cạnh tranh không công bằng sẽ cản trở cạnh tranh trong châu Âu, do đó mới đây vào ngày 5/7 đã tăng thuế đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc lên tới 37,6%.

Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập liên minh hải quan với EU nên không có thuế quan nào được áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ, BYD có thể mang đến châu Âu những chiếc xe điện EV có giá cạnh tranh.

“Trên có chính sách, dưới có đối sách”

Nhưng không chỉ BYD tìm cách sản xuất ở châu Âu. Một số hãng xe hơi Trung Quốc khác như Chery Automobile, MG của SAIC Motor đang mở rộng bán hàng ở châu Âu cũng đã thể hiện ý định đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ; những thế lực xe điện mới như Xpeng Motors – hãng đang hợp tác với Volkswagen của Đức – cũng cho biết đang xem xét xây dựng nhà máy ở châu Âu.

Theo Nikkei, người Trung Quốc hay nói vui, “trên có chính sách, dưới có đối sách”, các công ty Trung Quốc như BYD sẽ không về vấn đề thế quan bổ sung mà thu hẹp hay rút lui, trái lại bắt đầu mạnh dạn thâm nhập sản xuất ngay tại thị trường châu Âu.

Thuế quan bổ sung đối với Trung Quốc của châu Âu không chỉ ảnh hưởng đối với các nhà sản xuất Trung Quốc, các nhà sản xuất châu Âu và Mỹ cũng phải có biện pháp đối phó.

Trong số xe điện EV được châu Âu nhập khẩu từ Trung Quốc có tới 60% là ô tô của các công ty châu Âu và Mỹ như Tesla của Mỹ và Renault của Pháp; dù mức thuế bổ sung đối với họ thấp hơn so với các nhà sản xuất Trung Quốc, nhưng khó tránh khỏi cũng bị liên quan.

Tiết lộ từ Tổ chức Vận tải và Môi trường cho hay, trong số xe điện EV bán ra ở EU vào năm 2023 thì sản xuất của Trung Quốc chỉ chiếm 19,5% thị trường. Nhiều phân tích cho rằng doanh số bán xe điện EV ở châu Âu do Trung Quốc sản xuất sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ và sẽ tăng lên 25,3% vào năm 2024.