EU đang có kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc giá rẻ được bán trên Temu và SHEIN của Trung Quốc. Đặc biệt, nếu SHEIN thất bại trong việc IPO (chào bán lần đầu ra công chúng) ở London và sau đó chuyển sang IPO ở Hồng Kông, nó sẽ mất hết ánh hào quang.

Shein
(Nguồn: Wirestock Creators/ Shutterstock)

EU đang lên kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa trên Temu và SHEIN

Tờ Financial Times hôm 3/7 đưa tin, Ủy ban châu Âu đang xây dựng kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa giá rẻ từ các nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc như Temu (phiên bản nước ngoài của Pinduoduo), SHEIN và AliExpress.

Có thông tin cho rằng vào cuối tháng này, Ủy ban Châu Âu sẽ khuyến nghị hủy bỏ ngưỡng miễn thuế hiện hành là 150 euro (khoảng 161 USD).

Theo quy định hiện hành, bưu kiện mua trực tuyến từ các quốc gia ngoài EU không cần phải trả thuế hải quan nếu giá trị dưới 150 euro.

Một quan chức cho biết, các biện pháp hủy bỏ ngưỡng miễn thuế chủ yếu nhắm vào các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc như Temu và AliExpress, cũng như nhà bán lẻ quần áo SHEIN.

Theo thống kê, EU đã nhập khẩu 2,3 ​​tỷ mặt hàng có giá trị thấp hơn ngưỡng miễn thuế 150 euro vào năm 2023. Khối lượng nhập khẩu thương mại điện tử tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, với khối lượng hàng hóa vượt quá 350.000 kiện hàng trong tháng Tư, gần như tương đương với hai lần giao hàng cho mỗi hộ gia đình.

Ủy ban Châu Âu cho biết khối lượng bưu kiện khổng lồ này đang thách thức các giới hạn của hải quan.

Tờ Financial Times đưa tin, EU đang thảo luận về việc hủy bỏ hạn chế này như một phần của dự án cải cách hải quan. Các khuyến nghị đã được đưa ra vào năm ngoái, hiện có khả năng đang tìm cách đẩy nhanh để ứng phó với sự gia tăng nhập khẩu giá rẻ.

Tuy nhiên, một quan chức khác cảnh báo rằng việc đạt được sự đồng ý từ các nước thành viên EU có thể khó khăn, bởi vì hệ thống mới sẽ làm tăng khối lượng công việc của hải quan vốn đã quá tải.

Một câu hỏi khác là về các vật liệu nguy hiểm. Số lượng hàng hóa nguy hiểm được các nước EU báo cáo vào năm 2023 tăng hơn 50% so với năm 2022, lên tới hơn 3.400 kiện hàng. Trong đó, mỹ phẩm, đồ chơi, đồ điện và quần áo là những sản phẩm có vấn đề an toàn nhiều nhất.

Ngành đồ chơi EU cáo buộc các nhà bán lẻ Trung Quốc gửi đồ chơi nguy hiểm sang châu Âu. Vào tháng Hai, ngành công nghiệp đồ chơi châu Âu cho biết họ đã mua 19 món đồ chơi từ Temu, nhưng không có món nào đáp ứng tiêu chuẩn EU.

Vào thời điểm đó, Temu trả lời rằng an toàn sản phẩm là mối quan tâm hàng đầu và họ đã tăng cường giám sát các sản phẩm đó cũng như các yêu cầu đối với chúng.

Vào tháng Năm năm nay, Liên minh Châu Âu đã liệt kê Temu vào danh mục “nền tảng trực tuyến rất lớn” (VLOP) theo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA), vì nó có hơn 45 triệu người dùng.

Được xếp vào danh mục này có nghĩa là Temu có thời hạn đến tháng 9/2024 để tuân thủ các quy tắc và nghĩa vụ nghiêm ngặt nhất của luật, bao gồm việc đánh giá và giảm thiểu “rủi ro hệ có tính thống”. Các công ty vi phạm luật có thể bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu hàng năm của công ty.

Temu và SHEIN, hai trung tâm mua sắm trực tuyến có liên quan đến Trung Quốc, đang làm rung chuyển thị trường thương mại điện tử châu Âu và Mỹ với mức giá cực rẻ. Temu ra mắt vào tháng 9/2022 và hiện có 51 triệu người dùng ở Mỹ; trong khi ứng dụng của nhà bán lẻ thời trang nhanh SHEIN do Trung Quốc thành lập có gần 14 triệu lượt tải xuống ở Mỹ.

Các nhà phê bình ở Mỹ trước đây đã phàn nàn rằng SHEIN và Temu đã sử dụng các khoản miễn thuế nhập khẩu để hạ giá của đối thủ cạnh tranh và trốn tránh sự kiểm tra hải quan đối với sản phẩm của họ. Ngoài ra, một báo cáo năm ngoái của ủy ban quốc hội Mỹ cho thấy chuỗi cung ứng của Temu và SHEIN có thể liên quan đến lao động cưỡng bức.

SHEIN sẽ chuyển sang IPO ở Hồng Kông nếu thất bại ở London

Theo báo cáo của Reuters hôm 2/7, nếu kế hoạch niêm yết tại London với mức định giá 50 tỷ bảng Anh (63 tỷ USD) của SHEIN không thành công, công ty sẽ IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) tại Hồng Kông. Công ty đã từ bỏ New York và phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng ở Anh về các vấn đề pháp lý và chuỗi cung ứng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch dự phòng của công ty cũng có những hạn chế đáng kể.

IPO ở Trung Quốc sẽ làm giảm định giá của SHEIN do nhu cầu về cổ phiếu của công ty này sẽ giảm. Các quỹ của Mỹ như Ủy ban Đầu tư Tiết kiệm Hưu trí Liên bang trị giá 857 tỷ USD đang tránh xa chứng khoán Hồng Kông trong bối cảnh lo ngại rằng Washington có thể thắt chặt các hạn chế đầu tư.

SHEIN cũng không có đối thủ nào ở Hồng Kông để so sánh và các đối thủ như công ty mẹ Zara Inditex, Amazon và thậm chí Temu đều được niêm yết trên các sàn giao dịch phương Tây thay vì các sàn giao dịch châu Á.

Tệ nhất là việc niêm yết ở Hồng Kông có thể khiến SHEIN trở thành một trong những cổ phiếu mồ côi lớn của thành phố này. Các nhà phân tích ở châu Á có thể không hiểu được các sắc thái của cuộc cạnh tranh thời trang nhanh ở Mỹ, thị trường quan trọng nhất mà SHEIN cạnh tranh với Amazon. Các công ty đa quốc gia khác kinh doanh ở trung tâm châu Á, như L’Occitane và Samsonite, muốn rời khỏi sàn giao dịch ở Hồng Kông hoặc có kế hoạch niêm yết ở nơi khác.

Cuối cùng, việc chọn niêm yết ở Hồng Kông sẽ củng cố nhận thức rằng SHEIN là một công ty Trung Quốc phải chịu sự giám sát của phương Tây. SHEIN, do Donald Tang làm chủ tịch, đã chuyển trụ sở chính đến Singapore, nhưng không thuyết phục được các bên liên quan rằng họ chỉ là một công ty toàn cầu khác có chuỗi cung ứng khổng lồ ở đó, giống như Apple hay Tesla.

Và việc niêm yết ở Hồng Kông có thể bị ảnh hưởng: tỷ lệ giá trên thu nhập kỳ hạn 12 tháng của Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông là 9 lần, trong khi Chỉ số FTSE 100 của London là 11 lần và Chỉ số S&P 500 Composite của New York là 21 lần.

Tất cả những câu hỏi này giúp giải thích lý do tại sao sàn giao dịch Hồng Kông đã không tổ chức đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trị giá hàng tỷ đô la trong nhiều năm, điều này lại tạo thêm một rủi ro khác. SHEIN càng đến gần châu Á, số phận của nó càng trở nên tồi tệ.