Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đưa ra mức lãi suất gần chạm mốc 9% ở kỳ hạn gửi 36 tháng với hình thức lĩnh lãi cuối kỳ. Các ngân hàng khác đồng loạt tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn khác nhau và bắt đầu cho thấy cuộc đua lãi suất xuất hiện trong hệ thống.

lãi suất tiền gửi ngân hàng SCB SCB lãi suất SCB
Ngân hàng SCB nâng lãi suất kỳ hạn 36 tháng lên tới gần 9%/năm. (Ảnh chụp màn hình/scb.com.vn)

Cụ thể, ngân hàng SCB niêm yết lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất ở mức 8,25%, với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Bên cạnh đó, lãi suất sẽ dao động từ 5% – 6,9% tương ứng với kỳ hạn thấp nhất từ 1 tháng đến 11 tháng.

Đối với hình thức gửi tiền trực tuyến (online), bảng lãi suất tăng nhanh từ kỳ hạn 6 tháng trở lên. Theo đó, người gửi tiền nhận mức lãi suất dao động từ 7,95% (6 tháng) – 8,9% (36 tháng). Còn với kỳ hạn từ 7 tháng trở lên, SCB đã đồng loạt nâng lãi suất lên trên 8%/năm.

Cùng hình thức gửi trực tuyến, ngân hàng Sài gòn Thương tín (Sacombank) niêm yết lãi suất 8%/năm ở kỳ hạn 36 tháng, còn từ 6 tháng – 24 tháng sẽ có mức lãi suất dao động 7% – 7,9%/năm.

Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) niêm yết lãi suất ở mức 6,05% – 6,55%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Tương tự, ngân hàng Á Châu (ACB) đưa ra bảng lãi suất tiền gửi trực tuyến 6,9% với kỳ hạn 12 tháng và quy định số tiền gửi từ 500 triệu đồng trở lên.

bảng lãi suất vnexpress tổng hợp lãi suất ngân hàng
Bảng lãi suất của các ngân hàng cho thấy lãi suất đang tăng nhanh chóng ở các kỳ hạn. (Ảnh chụp màn hình/Vnexpress tổng hợp)

Trong báo cáo gần đây, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect lý giải việc chạy đua lãi suất huy động để đáp ứng nhu cầu vay với hạn mức tín dụng mới. Bên cạnh đó, yếu tố Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và đồng USD đều tăng mạnh góp phần tác động đến việc tăng lãi suất đồng nội tệ VND, báo Vnexpress đưa tin.

Ngoài ra, lãnh đạo các ngân hàng đều cho biết việc huy động vốn rất khó khăn. Nhìn vào con số tuyệt đối, người dân gửi thêm tiền vào hệ thống ngân hàng trong nửa đầu năm nay nhiều hơn hẳn so với hai năm dịch bệnh COVID-19. Tuy vậy, tốc độ huy động vốn không theo kịp tăng trưởng tín dụng, phần lớn do lãi suất huy động kém hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác.

Trước đó, nhiều người dân đã đổ xô đến ngân hàng SCB để rút tiền vì lo ngại rằng có vấn đề phát sinh sau khi một lãnh đạo ngân hàng qua đời đột ngột là ông Nguyễn Tiến Thành và một số cá nhân liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt.

Sáng hôm 8/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đưa ra thông cáo báo chí, “khuyến cáo người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn” trước thông tin tiêu cực liên quan đến ngân hàng SCB.

Tuy vậy, chị P.T.H (Hà Nội) cho biết vào lúc 7h sáng ngày 8/10, cửa chi nhánh ngân hàng SCB trên đường Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân (Hà Nội) chưa mở, hàng chục người đã đứng ngồi tràn từ vỉa hè xuống lòng đường, đợi vào rút tiền tiết kiệm. Người đợi rút tiền có đủ tầm tuổi, từ người trẻ tới trung niên, người già.

Còn cô M.H (TP.HCM) thấp thỏm với số tiền vài trăm triệu gửi tiết kiệm tại SCB. Thu xếp việc xong, tầm 9h hôm 8/10, cô H. ra chi nhánh SCB trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp (TP.HCM) để rút toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm.

Nhận số thứ tự, tới lượt vào quầy tiếp, cô H. được nhân viên tư vấn hỏi cô nghe tin gì mà tới rút tiền, rút tiền mặt hay chuyển khoản, khuyên cô tạm đừng rút… “Lúc cô ngồi ghế, quá trời người đợi mà mỗi người lên quầy ngồi nửa tiếng chưa xong. Rồi lúc mình lên mới biết thì ra là họ tư vấn. Người nào cương quyết thì mới cho rút, còn người nào xuôi xuôi thì thôi”, cô H. nói.

Sau khi rời quầy tư vấn, cô H. nhận tiếp số thứ tự để vào quầy làm thủ tục chuyển khoản. Nhân viên ngân hàng cho hay tiền mặt đã cạn, nếu muốn lấy tiền mặt thì phải đợi sang ngày làm việc tiếp theo.

Đến nay, tình hình chờ đợi rút tiền ở ngân hàng SCB được cho là đã cải thiện và chưa xảy ra việc mất thanh khoản dẫn dến nguy hiểm cho hệ thống ngân hàng.

Theo ghi nhận, từ đầu tháng 10, Ngân hàng Nhà nước đã mua về tín phiếu và bơm ròng gần 127.000 tỷ đồng tương ứng trên thị trường mở. Tính riêng trong tuần này (từ ngày 10/10), NHNN đã bơm hơn 85.000 tỷ đồng để giải quyết về thanh khoản cho các tổ chức tín dụng.

Đức Minh